Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đi qua Hà Tĩnh có chiều dài 102,38 km với 3 dự án thành phần gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng - Bùng do Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Sát mốc bàn giao bặt bằng sạch ngày 20/11, tỉnh Hà Tĩnh đã kiểm đếm được hơn 97%, giải ngân 515/1.256 tỷ đồng...
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 tuyến kết nối dài 12,18 km, gồm đường nối Ngô Quyền - ĐT.550, đường song hành cao tốc nối ĐT.550 - Hàm Nghi kéo dài và đường Cẩm Quan - Quốc lộ 1.
Tuyến chính cao tốc và 3 tuyến kết nối đi qua 7 địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tuyến chính qua các huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh, còn tuyến kết nối qua 2 huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh.
Ngày 16/11, Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến nay khối lượng công việc GPMB phải thực hiện rất lớn với gần 7.500 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó hơn 800 hộ phải di dời tái định cư, di dời hơn 1.000 ngôi mộ, xây dựng 28 khu tái định cư…,
Để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu từ Chính phủ, Bộ GTVT, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều văn bản và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung, quyết liệt thực hiện, đảm bảo yêu cầu của Chính phủ là bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong Quý II/2023.
Huyện Thạch Hà là một trong những địa phương bàn giao mặt bằng giai đoạn I sớm cho chủ đầu tư trước thời hạn
Trong số các địa phương có cao tốc đi qua, huyện Thạch Hà là một trong những địa phương đầu tiên của Hà Tĩnh bàn giao 70% mặt bằng sạch cho chủ đầu tư sớm hơn mốc thời gian yêu cầu (20/11) cùng với đó là khối lượng bàn giao cũng cao hơn kế hoạch đặt ra của Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết, tuyến chính cao tốc Bắc - Nam đi qua địa phương có chiều dài 18,27km với 7 xã bị ảnh hưởng; diện tích các loại đất thu hồi phục vụ triển khai dự án là 149,4 ha và 1.300 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 151 hộ phải tái định cư và 69 ngôi mộ cần di dời.
“Hiện huyện Thạch Hà đã bàn giao cho chủ đầu tư diện tích 118,7/149,4ha đất, đạt tỷ lệ 79,5%, vượt tiến độ mà Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu tối thiểu phải 70% trước ngày 20/11/2022”, ông Sáu nói.
Huyện Kỳ Anh đang tập trung chi trả tiền đền bù để đảm bảo bàn giao mặt bằng dự án cho chủ đầu tư.
Theo ông Sáu, quá trình GPMB huyện này gặp rất nhiều khó khăn như, áp lực về mặt thời gian khi chưa có thiết kế kỹ thuật, phê duyệt dự án nhưng đã yêu cầu triển khai thực hiện; quá trình quản lý đất đai ở địa phương không khớp với thực tế người dân sử dụng khiến việc xác định nguồn gốc đất đai phức tạp; tại xã Tân Lâm Hương có 24 hộ sinh sống trên trục đường chính nhưng để bố trí TĐC thì quỹ đất lại không tương đồng với nơi cũ....
Trước những khó khăn đó, huyện phải huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung tuyên truyền, công khai các quy định, chính sách liên quan tới bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng như giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của người dân để tạo sự đồng thuận cao...
Cùng với Thạch Hà, trên tuyến chính cao tốc, các huyện cũng đạt tỉ lệ bàn giao mặt bằng sạch cao như: Đức Thọ (95%), Can Lộc (88,8%), Cẩm Xuyên (72%) ...
“Đến thời điểm này huyện Cẩm Xuyên đã bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư là 72%, giải ngân đạt 76% đảm bảo bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đúng thời hạn, đúng khối lượng”, ông Phạm Hoàng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên khẳng định.
Tại huyện Kỳ Anh, ông Võ Tá Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, thông tin: Thời gian qua, địa phương đã tập trung cao cho công tác đền bù GPMB dự án nhưng do phải hoàn thiện lại bản đồ địa chính phục vụ công tác GPMB dẫn tới có phần chậm trễ so với kế hoạch đề ra.
Lý giải nguyên nhân chậm giải ngân, theo ông Cương, trong công tác GPMB, bản đồ địa chính là cơ sở để triển khai các bước tiếp theo nên khi chỉnh lý, cập nhật lại thì các phần việc khác cũng chưa thể triển khai. Nguyên nhân là 2 dự án thành phần cao tốc đi qua địa bàn có nhiều vị trí qua các vùng giáp ranh giữa đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp mà những khu vực này chưa có bản đồ GPMB. Tình trạng này xuất hiện ở cả 5 xã có tuyến cao tốc đi qua là: Kỳ Phong, Kỳ Tân, Kỳ Văn, Kỳ Trung và Kỳ Lạc.
Để xử lý vấn đề này, huyện Kỳ Anh đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính (Sở TN&MT) đo đạc, chỉnh lý, cập nhật lại bản đồ địa chính. Hiện, phần việc này đã hoàn thành và huyện đang triển khai các bước tiếp theo để triển khai công tác đền bù GPMB.
"Sau khi những khó khăn nêu trên được tháo gỡ, UBND huyện Kỳ Anh đã chi trả được hơn 50 tỉ đồng chiếm khoảng 40% so với số tiền đã được cấp; tỉ lệ mặt bằng sạch đã bàn giao khoảng 50% cho chủ đầu tư...", ông Cương nói.
Lãnh đạo Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) thông tin, ngoài huyện Thạch Hà, đơn vị này đã nhận bàn giao mặt bằng dự án của huyện Đức Thọ với khối lượng 30 ha, đạt tỷ lệ 96%.
Thứ 6 tuần này (18/11), huyện Can Lộc dự kiến bàn giao 101 ha đất dự án. Huyện Cẩm Xuyên cũng đã đề xuất với ban về việc bàn giao mặt bằng.