Những ngày này, người dân tại huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh tất bật vào vụ thu hoạch trám. Những quả trám căng mọng, dẻo được thu hoạch để bán cho thương lái.
Tuy nhiên, năm nay trám mất mùa, sản lượng giảm nhiều so với những mùa vụ trước nên quả đặc sản này càng được thương lái săn lùng thu mua.
Ông Nguyễn Văn Chinh cho hay, chưa năm nào trám mất mùa như năm nay.
Ông Nguyễn Văn Chinh (trú tại xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn) cho biết, gia đình ông trồng 8 gốc trám đen cổ thụ.
Những năm trước trung bình mỗi cây cho sản lượng gần 1 tạ quả/năm, tổng thu nhập khoảng 35 triệu đồng/năm, song năm nay trám mất mùa, vườn của gia đình ông Chinh chỉ thu về khoảng 1-2 triệu đồng.
Ông Chinh cho hay, từ khi trồng trám đến nay, chưa năm nào trám mất mùa, sản lượng thấp như đợt này. "Năm nay trám mất mùa nên giá cao hơn so với những năm trước nhưng buồn vì không có trám mà bán. Chưa năm nào mất mùa lớn như năm nay", ông Chinh nói.
Quả trám có hình thoi, ngoài vỏ màu đen, bên trong màu vàng nghệ.
Tương tự, hàng năm đến dịp thu hoạch gia đình bà Mai (trú tại xã Sơn Ninh) đều phải thuê rất nhiều nhân công có kinh nghiệm đi thu hái với giá 1 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, năm nay trám mất mùa, quả chỉ đậu rải rác ở mỗi gốc nên vợ chồng bà tự thu hái để tiết kiệm chi phí.
"Nếu thuê nhân công như những năm trước thì tiền bán quả không đủ bù nên hai vợ chồng tự thu hoạch. Năm nay, sản lượng trám thấp kỷ lục nhưng nhu cầu nhiều nên giá thành cao hơn", bà Mai nói.
Theo nhiều gia đình trồng trám tại Hương Sơn, nguyên nhân trám mất mùa do ảnh hưởng của thời tiết thất thường, đặc biệt vào thời điểm trám ra hoa gặp mưa nhiều nên tỷ lệ đậu trái không cao khiến cây cho sản lượng thấp.
Những năm trước, giá trám được thương lái thu mua từ 110.000-130.000 đồng/kg nhưng năm nay giá tăng lên hơn 150.000 đồng/kg.
Trám có nhiều cách muối, tuỳ sở thích ăn để chế biến.
Theo ghi nhận tại xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn là địa phương có số lượng cây trám đen nhiều với trên 400 gốc. Tuy nhiên, năm nay nhiều gia đình mất trắng, không có thu nhập vì trám không đậu quả.
"Chưa bao giờ trám mất mùa như năm nay", ông Thành, trú xã Kim Hoa buồn bã nói.
Liên quan nội dung, ông Trần Quang Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hương Sơn cho biết, trám đen chưa phải là cây trồng phát triển chủ lực của huyện, song hàng năm vẫn mang lại nguồn thu rất lớn cho người dân địa phương.
Trám là cây trồng không mất công chăm sóc, chỉ dựa vào tự nhiên nên năm nay do thời tiết, trám không đạt sản lượng như những năm trước.
Việc trám đen mất mùa làm ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập của người dân tại các xã Sơn Ninh, Sơn Bằng, Sơn Tiến, Sơn Phú, Kim Hoa, An Hòa Thịnh…
Trám được muối bằng nước mắm hoặc muối để ăn liền hoặc kho với thịt, cá.
Trám là giống cây thân gỗ. Trước đây, cây trám mọc trong tự nhiên và được người dân khai thác thân để lấy gỗ, quả để làm thực phẩm, lấy tinh dầu và làm vị thuốc chữa bệnh. Ngày nay, cây trám được trồng tại nhiều địa phương, là giống cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao.
Từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm là mùa thu hoạch quả trám. Một cây trám trưởng thành có thể cao đến 30m, thân cây có thể có đường kính đến 70cm. Cây có thân tròn, mọc thẳng, tán rộng, lá xanh quanh năm. Ở nước ta có 2 loài trám gồm trám đen và trám trắng.
Bùi Thị Ngân
Nguồn Người đưa tin
Link gốc:
Người dân miền núi trồng quả gì đen sì sì mà thương lái săn lùng mua bằng được? (nguoiduatin.vn)