Rất đông người dân hiếu kỳ đã kéo nhau đến để được xem và chụp ảnh với con cá hố rồng dài 3m, vừa được phát hiện bơi vào trước cổng đền Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi thuộc địa phận xã Thạch Bàn, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Vào khoảng 4h30 ngày 1/6, người dân phát hiện 1 con cá hố rồng dài 3m bơi vào cửa sông Cửa Sót, trước cổng đền Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi dưới chân núi Nam Giới Cửa Sót, thuộc địa bàn xã Thạch Bàn, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Theo quan sát, con cá hố rồng vàng dài gần 3m, toàn thân màu đốm bạc, vây màu vàng sậm óng ánh rất đẹp mắt.
Ông Bùi Tuấn Sơn, Trưởng ban quản lý các cảng cá Hà Tĩnh cho biết, sự xuất hiện của cá hố rồng trước cổng đền gần sát với ngày giỗ Chiêu Trưng Đại Vương Lê Khôi đã khiến người dân cho rằng là điềm may mắn nên đã kéo nhau đến xem và chụp ảnh rất đông.
"Đây là con cá hố rồng thuộc họ với cá mái chèo. Phần đuôi của con cá này bị thương, có khả năng là bị cắt bởi chân vịt của tàu. Sau khi vào bờ khoảng 30 phút, rất đông người dân đã đến chụp ảnh, sau đó, cá hố rồng lại bơi ra biển".
Theo các tài liệu nghiên cứu, cá mái chèo là loài cá bí ẩn nhất đại dương, chúng thường sống ở độ sâu hơn 1.000m, ít khi ngoi lên mặt nước kiếm ăn. Thức ăn của cá mái chèo thường là các động vật phù du, giáp xác vì chúng không có răng.
Theo phong tục của ngư dân miền Trung, khi bắt gặp cá mái chèo lụy vào bờ, các làng chài thường tổ chức mai táng nghi lễ rất linh đình vì họ quan niệm đây là linh vật của biển.
Tục truyền, Lê Khôi , thụy là Võ Mục, con ông Lê Trừ là anh thứ 2 của Lê Lợi. Cha mẹ mất sớm, Lê Khôi ở với chú ruột là Lê Lợi, tham gia nghĩa quân, có tên trong Hội thề Lũng Nhai gồm 35 công thần tụ nghĩa. Ông tham gia nhiều trận đánh, lập công lớn, cùng Lê Sát, Lê Phấn bắt sống tướng Minh là Chu Kiệt. Lê Khôi làm quan 3 triều (Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông) lên tới chức Khâm sai Tiết chế thủy lục như Dinh, Hộ vệ Thượng tướng quân. Năm 1443, ông được phái vào làm Tổng trấn Hoan Châu (Nghệ An – Hà Tĩnh) chỉ vài năm làm công bộc chăn dân ở đây, ông đã nổi tiếng bởi sự công minh chính trực, chú trọng phát triển nông nghiệp, lo cuộc sống cho dân. Năm 1446, ông phụng mệnh vua Nhân Tông cầm quân cùng các tướng Nguyễn Chích, Nguyễn Xí đi đánh Chiêm Thành ở châu Thuận Hóa bắt được chúa Chiêm là Bí Cai. Trên đường trở về, đoàn chiến thuyền đến chân núi Long Ngâm của dãy Nam Giới thì ông mất. Thương tiếc vị tướng tài đức song toàn, binh sỹ kêu gào dậy sóng một vùng Cửa Sót. Vua quan thương xót vô hạn, nghỉ triều chính làm quốc tang 3 ngày. Thi hài ông an táng tại chóp núi Long Ngâm. Nhà vua cho lập đền thờ, hàng năm tổ chức quốc tế, truy phong. Năm Quang Thuận thứ 4 (1463) Vua Lê Thánh Tông ngự giá thăm Đền, viếng mộ, ngự chế bài thơ quốc âm đề vịnh, sắc cho Đô úy Bảng nhãn Nguyễn Như Đỗ soạn bia dựng tại Đền. Năm Hồng Đức thứ 18 (1487) lại phong tặng “ Chiêu Trưng Đại Vương”. |
Tác giả bài viết: Ngân Hà
Nguồn tin: Người đưa tin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn