Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngoài học phí bắt buộc (trừ bậc tiểu học được miễn học phí), tiền dạy học thêm trong quy định (tiền dạy buổi 2 đối với các trường dạy 2 buổi/ngày), các nhà trường có thu hộ các khoản bảo hiểm y tế (theo quy định của Luật bảo hiểm y tế); phí Đoàn, Đội... Tuy nhiên, đối với một số địa phương, có quy định riêng về các khoản thu tiền trường trong năm học, đây cũng chính là "kẽ hở" để nhiều trường có đưa thêm các mức đóng được cho là "tự nguyện" của các phụ huynh đối với nhà trường, đúng theo yêu cầu xã hội hóa của ngành giáo dục.
Chia sẻ với phóng viên, một phụ huynh có con học tại trường mầm non trên địa bàn Đống Đa (Hà Nội) cho hay từ đầu năm học, nhà trường phổ biến với phụ huynh là mua vòng, bóng, cây trồng... cho các con học cũng như vui chơi, tuy nhiên nếu phụ huynh không mua được thì có thể nhờ nhà trường mua hộ để thống nhất với các lớp, thế nên các phụ huynh lại một lần nữa "tự nguyện" đóng tiền để nhà trường, giáo viên mua đồ cho trẻ. Trên thực tế, theo quy định, những khoản tiền trên đã nằm trong khoản thu hỗ trợ tiểu học, nhưng ở nhiều trường học sinh vẫn phải đóng những khoản này riêng biệt và mang trên vai hai chữ "tự nguyện".
Tương tự, hướng dẫn liên ngành thuộc UBND thành phố Hà Nội cũng nêu rõ, ở bậc mầm non, tiền học phí cũng được trích để “…Bổ sung kinh phí cho các hoạt động sự nghiệp giáo dục, đào tạo: 20% (hỗ trợ các hoạt động chuyên môn: hội giảng, hội thao, hội diễn, tổ chức hội thi…”. Thế nhưng, nhiều trường vẫn tách riêng những khoản đóng góp này thành quỹ và kêu gọi phụ huynh đóng góp vào đầu năm. Điều đáng nói, nhiều khoản đóng góp được đưa ra dưới dạng Hội Cha mẹ học sinh tự nguyện, đề xuất và đóng góp như tiền mua bàn học cho cô giáo, tiền kẻ bảng, bảo trì máy tính, trang trí lớp học… chứ không phải do nhà trường thu.
Được biết, trước khi bước vào năm học mới 2018-2019, Bộ GD-ĐT đã có Công văn số 1029/BGDĐT-KHTC ngày 19.3 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục, chống lạm thu năm học 2018-2019, trong đó quán triệt các cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu theo đúng quy định, không thu các khoản thu trái quy định... Thế nhưng, các hoạt động biến tướng để thu tiền của học sinh, phụ huynh với danh nghĩa “tự nguyện” như ở đất Cảng vẫn cứ lặp lại và được dự đoán diễn ra ở nhiều nơi.
Đề cập đến các biện pháp xử lý để chấm dứt tình trạng lạm thu, trao đổi với phóng viên, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết thực tế thì nhiều phụ huynh có điều kiện kinh tế tốt muốn cùng nhà trường nâng cao chất lượng dạy-học cho các con. Nhưng cũng vẫn còn rất nhiều phụ huynh khó khăn về kinh tế. Việc huy động xã hội hóa kiểu cào bằng sẽ gây ra bức xúc cho người nộp, dù tinh thần thu là tự nguyện. "Lạm thu trong trường học không phải là vấn đề mới, năm nào cũng được bàn đến, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, thanh tra, kiểm tra, xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Có thể nói, khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư, nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, những người thực hiện chủ trương lại chưa hiểu đúng, làm đúng pháp luật về kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục.
Việc không hiểu đúng dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp. Theo phân cấp quản lý, người đứng đầu cơ sở giáo dục địa phương, đặc biệt là Sở GD-ĐT phải chịu một phần trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong xã hội. Liên quan đến Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong Thông tư 55 đã nói rất rõ Ban đại diện cha mẹ học sinh có quyền từ chối gợi ý, kêu gọi các khoản đóng góp không phù hợp. Nếu nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh hiểu, nắm rõ quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của mình để thực hiện đúng và chia sẻ với những phụ huynh khác sẽ không xảy ra tình trạng lạm thu.
Trong điều kiện nguồn lực nhà nước dành cho giáo dục còn hạn hẹp, nếu không có các nguồn tài chính từ cho, biếu, tặng, đặc biệt là xã hội hóa cùng gánh vác với ngành Giáo dục sẽ rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Bộ GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các khoản xã hội hóa, nguồn cho biếu tặng gửi các cơ sở giáo dục để triển khai thực hiện đúng, hiệu quả".
Bên cạnh đấy, ông Khánh cũng cho biết các phụ huynh cần hiểu đúng và đủ về các khoản thu trong nhà trường để biết rõ những việc huy động từ nguồn thu xã hội hóa theo tinh thần tự nguyện, có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu chứ không có cào bằng, áp đặt. "Đặc biệt, nhà trường phải công khai minh bạch các khoản thu này. Đây có thể coi như một khoản ngân sách, cần thực hiện đúng theo các quy định của luật, như xây dựng, đấu thầu, mua sắm... " - ông Khánh khẳng định.
Năm học 2018-2019 đã tới gần, mặc dù đã có các công văn yêu cầu các trường không được lạm thu, không được để cho ban phụ huynh là cánh tay nối dài để thu tiền của phụ huynh cho nhà trường. Tuy nhiên với những trường hiện nay đã bị báo chí phản ánh vì vi phạm nghiêm trọng trong việc thu các khoản không có trong kế hoạch, trong đó phải kể tới việc không xử lý mạnh tay của chính ngành giáo dục khiến nhiều trường vẫn còn đang "phớt lờ" việc lạm thu này. Hy vọng với sự vào cuộc của cả xã hội, việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu và việc lợi dụng hội phụ huynh học sinh để thu các khoản phí sẽ được chấn chỉnh trong năm học mới, từ đó tạo ra môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh hơn.
“Bên cạnh các khoản thu kêu gọi xã hội hóa và tài trợ, nhà trường cũng rất cần sự ủng hộ của hội phụ huynh học sinh tùy mức độ khả năng của từng ra đình. Hy vọng với sự vào cuộc của cả xã hội, việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu và việc thu lợi dụng hội cha mẹ phụ huynh học sinh sẽ được chấn chỉnh trong năm học mới, từ đó tạo ra môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh hơn,” ông Khánh khẳng định trước thềm năm học mới.