Cũng trong phiên đấu giá này, một tác phẩm khác của Danh họa Nguyễn Phan Chánh, bức tranh “Người bán ốc” (La Marchande de Oc) được bán với giá 4,6 triệu HKD ( khoảng 600.000 USD).
So với bức “Người bán gạo” (La marchande Riz) cũng của Nguyễn Phan Chánh được nhà đấu giá Christie (Hong Kong) bán năm 2013 với giá khoảng 8 tỉ đồng thì đến nay sau 5 năm, những tác phẩm của danh họa đã tăng lên nhiều lần. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng của hội họa Việt Nam thời kỳ Đông Dương đang ngày càng được ưa chuộng trên thế giới.
Những người yêu hội họa Việt Nam không cần phải cảm thấy hụt hẫng với ý nghĩ sẽ không thể tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật giá trị này bởi ngay tại Hà Nội, cũng có một nơi đang trưng bày bộ sưu tập đồ sộ các tác phẩm của danh họa Nguyễn Phan Chánh, nơi đó là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam số 66 Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình.
Danh họa Nguyễn Phan Chánh là người giữ kỷ lục về số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tính đến nay. Các tác phẩm của ông được trưng bày trang trọng tại tầng 3 của Bảo tàng, trong gian phòng giới thiệu về tranh lụa của Việt Nam.
Những tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có thể kể đến như: Chợ Kim Liên (1957); Bữa cơm mùa thắng lợi (1960); Bát nước giải lao ( 1967); Tổ đan mây (1960); Rạng sáng cho con bú 1970…
Danh họa Nguyễn Phan Chánh sinh năm 1892 tại Hà Tĩnh. Năm 1922, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm thuộc trường Quốc học Huế. Năm 1925, ông tiếp tục học tại Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Năm 1928, ông bắt đầu sáng tác tranh sơn dầu với tác phẩm đầu tay “Mẹ bầy cho con đan len”, cùng trong năm, ông bắt đầu học vẽ trên lụa Vân Nam. Năm 1931, tác phẩm nổi tiếng “Chơi ô ăn quan” ra đời. Tiếp sau đó là những tác phẩm như: “Cô gái rửa rau”; “Em bé bên chú chim”; “Người bán gạo”, “Lên đồng”..
Được đào tạo hoàn toàn theo lối Tây học nhưng lại là người mang trong mình truyền thống dân tộc, cùng với niềm đam mệ nghệ thuật thư pháp, danh họa Nguyễn Phan Chánh đã sớm bộc lộ tình yêu với tranh lụa. Tranh của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối biểu tượng hình của phương Tây và lối tư duy phương Đông. Sẽ là không quá nếu nói rằng, nhờ ông mà nghệ thuật tranh lụa của Việt Nam đã được thế giới biết đến.
Tác giả bài viết: Lan Hương
Nguồn tin: Tổ quốc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn