PGS.TS Phạm Thanh Huyền - Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội cùng sinh viên trong đợt phát động chương trình Mùa hè xanh. Ảnh: NVCC
Những bài học từ cuộc sống góp phần hình thành lớp sinh viên giàu lòng nhân ái, bản lĩnh, trách nhiệm với cộng đồng…
Tạo dựng nhân cách
Nguyễn Công Hoàn - sinh viên năm 4, khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục - ĐH Bách khoa Hà Nội từng không có định hướng, kế hoạch học tập cho bản thân. Đặc biệt, em có ý định nghỉ học giữa chừng. Thế nhưng, Hoàn như biến thành người khác khi được tham gia câu lạc bộ sinh viên tình nguyện của khoa.
Hoàn chia sẻ: “Học kỳ II năm 2 đại học là thời điểm em mất phương hướng trầm trọng, suy nghĩ bỏ học đã xuất hiện nhiều lần trong đầu. Tuy nhiên sau khi học môn Kỹ năng mềm qua bài thuyết trình giữa kỳ, Bí thư Liên chi Đoàn khoa đã hỏi em có muốn tham gia đội sinh viên tình nguyện không? Có muốn làm đội trưởng?”.
Lúc đó, Hoàn rất bất ngờ, không nghĩ bản thân đang nung nấu ý định nghỉ học lại được sự tin tưởng, trao cơ hội dù chưa từng tham gia hoạt động nào của sinh viên tình nguyện. Sau một lúc suy nghĩ, Hoàn quyết định nhận lời mời của Bí thư Liên chi Đoàn khoa và trở thành Đội trưởng sinh viên tình nguyện của khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục.
Hoàn kể: “Giai đoạn đầu, em thấy áp lực, lo lắng không biết nên bắt đầu từ đâu, tổ chức các hoạt động thế nào? Làm sao để có thể lãnh đạo được đội của mình. Tuy nhiên bắt tay vào công việc, em hiểu mỗi thành viên là một mắt xích, sợi dây liên kết tập thể. Các thành viên trong đội luôn đoàn kết, lắng nghe và đặc biệt tinh thần đồng đội rất cao.
Để xây dựng một kế hoạch hay chương trình, cả đội sẵn sàng ngồi họp với nhau 5 - 6 tiếng. Từ đó, em học hỏi được nhiều điều ở các bạn và hiểu thế nào là trách nhiệm, sự cố gắng, nỗ lực, kỷ luật,... Sau thời gian này, bản thân trở nên năng động, có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng trong học tập”.
Tham gia chiến dịch Mùa hè xanh tại xã Lang Quán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, nhiệm vụ chính của Hoàn là đảm nhận tổ chức Ngày hội STEM và dạy kỹ năng mềm cho học sinh tiểu học. Cùng đó, cả đội lắp đèn đường (công trình thanh niên thắp sáng đường quê) dành tặng người dân xã Lang Quán.
“Với những hoạt động này, em đưa kiến thức đã học áp dụng vào thực tế, hiểu hơn những gì mình học để có thể xây dựng kế hoạch cụ thể. Đồng thời, em có thêm mối quan hệ, trách nhiệm trong việc điều hành và quản lý tập thể. Đặc biệt, em biết trân trọng, chia sẻ, đồng cảm với người dân, học sinh vùng khó”, Hoàn nói.
Bắt đầu từ những ngày bước chân vào cổng trường THPT, chị Phạm Thị Lan Anh - cán bộ Đoàn xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực tham gia hoạt động tình nguyện ở trường và địa phương. Chị Lan Anh cho biết, tham gia hoạt động tình nguyện cảm thấy hạnh phúc vì được góp sức vào hoạt động ý nghĩa, giúp đời, giúp người và giúp chính mình. Vào đại học, chị Lan Anh tiếp tục tham gia hoạt động thiện nguyện và câu lạc bộ sinh viên tình nguyện của trường.
“Thông qua hoạt động đã rèn luyện cho mình nhiều kỹ năng như: Tổ chức hoạt động cộng đồng, giao tiếp trước đám đông, tự quản, làm việc nhóm. Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi tự tin đứng trước đám đông, có khả năng lập kế hoạch, đưa ra ý kiến đóng góp cho đơn vị mình công tác”, chị Lan Anh chia sẻ.
Nguyễn Công Hoàn (bên phải) - sinh viên năm 4, khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục - ĐH Bách khoa Hà Nội tham gia hoạt động Mùa hè xanh ở xã Lang Quán, huyện huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: NVCC
Tăng trách nhiệm
Theo TS Trần Bá Dung - Trưởng khoa Truyền thông - Marketing, Trường ĐH Hoa Sen, ngoài công tác giảng dạy, đào tạo chuyên môn cho sinh viên, trường còn chú trọng các hoạt động ngoại khoá, xã hội để sinh viên tăng kỹ năng mềm, có cơ hội cọ xát với thực tế cuộc sống và trưởng thành hơn.
Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động cho sinh viên tình nguyện tham gia trong đó có mùa hè xanh. Các hoạt động này được xây dựng bài bản, hướng đến cộng đồng và ứng dụng những kiến thức các em học từ nhà trường để lan toả giá trị và hiểu thêm tính chất, đặc thù ngành học.
“Chưa kể, môi trường xã hội có vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách, lòng biết ơn, bao dung và có trách nhiệm với xã hội nhiều hơn”, TS Trần Bá Dung nói.
Đồng quan điểm, PGS TS Phạm Thanh Huyền - Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, tham gia vào các hoạt động tình nguyện, mùa hè xanh, sinh viên có cơ hội làm việc với nhiều người, từ bạn bè đồng trang lứa đến người dân địa phương. Điều này giúp các em cải thiện kỹ năng giao tiếp, học cách lắng nghe và diễn đạt ý kiến một cách rõ ràng.
Không chỉ vậy, tham gia tình nguyện cũng giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, tổ chức, điều hành các hoạt động; học cách hợp tác, phân chia công việc và giải quyết xung đột trong nhóm một cách hiệu quả. Các thành viên trong đội sẽ phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ và cam kết với cộng đồng. Điều này giúp các em hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với xã hội.
“Tham gia vào hoạt động tình nguyện còn giúp sinh viên gặp gỡ và kết nối với bạn bè, từ đó mở rộng mối quan hệ - điều này có lợi cho các em khi đi làm. Tham gia hoạt động hỗ trợ cộng đồng cũng giúp sinh viên cảm nhận sâu sắc về những khó khăn mà nhiều người phải đối mặt, từ đó hình thành thái độ sống tích cực và ý thức xã hội cao, có thêm nhiều kỹ năng sống phong phú…”, PGS. TS Phạm Thanh Huyền nhấn mạnh.
“Tham gia hoạt động tình nguyện yêu cầu sinh viên biết sắp xếp và quản lý thời gian hợp lý giữa học tập và các hoạt động tập thể. Chứng kiến những ảnh hưởng tích cực của việc làm tình nguyện, sinh viên sẽ thấy được khích lệ, có thêm động lực để học tập và phát triển bản thân hơn”, PGS.TS Phạm Thanh Huyền - Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ.