Lý Tự Trọng - Tấm gương sáng ngời về tinh thần quả cảm

Thứ sáu - 18/10/2024 17:14
Năm 1931, người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên Lý Tự Trọng đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc; nhưng Tinh thần và ý chí kiên trung của anh mãi là một biểu tượng sáng ngời, cao đẹp để các thế hệ đoàn viên, thanh niên Việt Nam không ngừng học tập và noi theo.
d20241018051

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20-10-1914 tại Bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Xiêm (nay là Thái Lan). Do sự truy lùng gắt gao của thực dân Pháp, nên gia đình của Lý Tự Trọng, gồm cha là ông Lê Hữu Đạt, quê ở làng Kẻ Vẹt (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; còn mẹ là bà Nguyễn Thị Sờm, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh sang Thái Lan vừa để làm ăn kiếm sống, vừa để tổ chức lực lượng, xây dựng các đội nghĩa quân trở về đánh Pháp.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, có cơ hội tiếp xúc với các vị tiền bối yêu nước nên Lý Tự Trọng đã trở thành người thanh niên yêu nước kiên trung, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và sẵn sàng tham gia các phong trào đấu tranh cứu nước.

Vào năm 1925, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lý Thụy (tức Nguyễn Ái Quốc) về việc lựa chọn một số con em của các gia đình Việt Kiều yêu nước tại Thái Lan sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập, chuẩn bị xây dựng tổ chức thanh niên cộng sản ở Việt Nam, Lê Hữu Trọng là 1 trong 8 thiếu niên được lựa chọn.

Tại Quảng Châu, dưới sự dìu dắt trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Lê Hữu Trọng đã thể hiện tinh thần rất ham học hỏi, tích cực rèn luyện và có ý thức tổ chức kỷ luật trong học tập, rèn luyện. Để đảm bảo cho việc hoạt động bí mật, Lê Hữu Trọng được đổi tên thành Lý Tự Trọng, sau đó được giới thiệu vào học tại trường trung học tại Quảng Châu và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

Với tư chất thông minh, hoạt bát, mưu trí, Lý Tự Trọng đã góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên với đảng bạn và cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động tại Trung Quốc; đồng thời, tổ chức việc chuyển thư từ, tài liệu của Đảng về nước.

Năm 1929, tình hình cách mạng đã có chuyển biến mới. Theo sự phân công của tổ chức, Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Với bí danh là Nguyễn Huy, Lý Tự Trọng xin làm công nhân hãng than tại Sài Gòn.

Tại đây, Lý Tự Trọng đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng; đồng thời, được giao nhiệm vụ đặc biệt, đó là vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước. Sau đó, Lý Tự Trọng trở thành người đoàn viên cộng sản đầu tiên.

Ngày 8-2-1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, để bảo vệ đồng chí Phan Bôi (bí danh là Quảng) phụ trách tuyên truyền, diễn thuyết, Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Legrand ngay trước công chúng.

Trước sự kiện chấn động đó, Lý Tự Trọng đã bị bắt giam lần lượt tại 2 nơi là bốt Catinat và Khám lớn Sài Gòn. Dù bị thực dân Pháp dùng những thủ đoạn tra tấn dã man nhưng với tinh thần, ý chí cách mạng kiên trung, Lý Tự Trọng không hề nao núng, khai ra bất cứ điều gì.

                                                                   
d2024101805 2
Công trình vườn hoa Lý Tự Trọng ở Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
 
Trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Hằng ngày, vẫn tập thể dục, vẫn đọc Truyện Kiều, động viên các bạn trẻ nêu cao ý chí cách mạng. Chính vì khí phách hiên ngang, lòng gan dạ đó đã làm cho bọn cai ngục từ hung hăng đến sửng sốt, ngạc nhiên và khâm phục trước một thanh niên mới 17 tuổi quả “thật là con người gang thép”.

Tối ngày 20-11-1931, bọn cai ngục đã lặng lẽ dựng máy chém ở ngay Khám lớn. Trong giây phút cận kề với cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, luôn kiên định, tin tưởng và hiểu rõ “con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”, vẫn hiên ngang, dõng dạc hô vang khẩu hiệu “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”, “Việt Nam, Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!”.

Kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, noi gương và tiếp bước đồng chí Lý Tự Trọng đã thôi thúc các thế hệ thanh niên Việt Nam tiếp nối đi theo con đường cách mạng của Đảng và Bác Hồ, cùng với các tầng lớp nhân dân đã làm nên những chiến tích thần kỳ trong đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt nhất là trong công cuộc đổi mới và hội nhập đất nước hiện nay, tuổi trẻ Việt Nam luôn đóng vai trò rất quan trọng, là lực lượng xung kích đi đầu trong học tập, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Do đó, mỗi đoàn viên, thanh niên cần tự giác, tích cực tham gia học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học - kỹ thuật, tay nghề; làm chủ khoa học công nghệ hiện đại; tích cực tham gia xây dựng môi trường xã hội lành mạnh… góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày một đẹp giàu.
 
LÊ NGUYÊN
Theo Baoapbac.vn

Link gốc: Lý Tự Trọng - Tấm gương sáng ngời về tinh thần quả cảm - Báo Ấp Bắc điện tử (baoapbac.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây