Lý Tự Trọng - Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên

Chủ nhật - 13/10/2024 23:43
“Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác...”, câu nói bất hủ của anh hùng Lý Tự Trọng - người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên trước toà án đại hình được xem là tuyên ngôn về lý tưởng, lẽ sống của lớp lớp thế hệ thanh niên Việt Nam, sẵn sàng dâng hiến thanh xuân cho Tổ quốc.
Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng...

Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914. Anh sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, có cha là cụ Lê Hữu Đạt (còn được gọi là Lê Khoan) quê ở làng Kẻ Vẹt (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và mẹ là cụ Nguyễn Thị Sờm, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Trước cảnh áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, gia đình Lý Tự Trọng rời quê hương sang sinh sống tại Bản Mạy, thuộc tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan và tham gia hoạt động yêu nước.

Từ nhỏ, Lê Hữu Trọng đã bộc lộ tư chất thông minh, nhanh nhẹn, tinh thần ham học hỏi. Hơn 6 tuổi, anh được đến trường do các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội mở ở Bản Mạy học tập. Tại đây, anh được học lịch sử nước Nam, văn thơ yêu nước của cụ Phan Bội Châu và các nhà yêu nước khác cũng như học tiếng Hán, tiếng Thái...

Giữa năm 1925, đồng chí Hồ Tùng Mậu - thành viên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đến Thái Lan gặp cụ Đặng Thúc Hứa, và truyền đạt yêu cầu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về việc chọn một số con em gia đình Việt kiều yêu nước, đưa sang Quảng Châu đào tạo lâu dài để chuẩn bị xây dựng tổ chức Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam.

Lê Hữu Trọng là một trong 8 thiếu niên được lựa chọn. Đến Quảng Châu, nhóm thiếu niên này được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (lúc này mang tên Lý Thụy) trực tiếp giáo dục, rèn luyện trưởng thành. Để đảm bảo bí mật, các thiếu niên đều mang họ Lý coi như người trong một gia tộc, và Lê Hữu Trọng đổi tên thành Lý Tự Trọng. Anh cùng nhóm thiếu niên được đưa vào nhóm “Thiếu niên tiền phong Việt Nam”, một hình thức tổ chức thanh thiếu niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam.

Sau thời gian học tập, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu.

Giữa năm 1929, anh được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia nhiều hoạt động cách mạng, đồng thời, đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ. Lý Tự Trọng được T.Ư Đảng giao nhiệm vụ đặc biệt nghiên cứu tình hình thanh niên ở Sài Gòn - Chợ Lớn để chuẩn bị cho việc thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản.

Anh bị thực dân Pháp bắt vào năm 1931. Dù bị tra tấn vô cùng dã man nhưng Lý Tự Trọng vẫn một lòng kiên trung, không khai bất cứ thông tin gì. Lý Tự Trọng bị kết án tử hình khi chưa đầy 17 tuổi. Trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém, người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng. Mặc dù bị xiềng xích nhưng hàng ngày anh vẫn tập thể dục, đọc Truyện Kiều, động viên các bạn trẻ nêu cao ý chí cách mạng. Khí phách hiên ngang của anh đã làm cho bọn cai ngục phải khâm phục, kinh ngạc, và gọi anh là “Ông Nhỏ”.
 
d2024101404 1
Bạn trẻ dâng hương tưởng niệm Anh hùng Lý Tự Trọng. (Ảnh: Hoài Nam)

Cuộc đời của anh hùng Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi nhưng tinh thần cách mạng của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên trở thành tấm gương chói lọi cho các thế hệ thanh niên noi theo. Tinh thần và chí khí của anh đã trở thành biểu tượng sáng ngời, thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ đoàn viên, thanh niên.

Câu nói bất hủ của anh trước toà án đại hình: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác...”, trở thành lý tưởng sống và kim chỉ nam hành động cho các thế hệ thanh niên Việt Nam trong mọi thời kỳ.
Kim chỉ nam về phụng sự Tổ quốc

Noi gương và tiếp bước Lý Tự Trọng, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, góp phần làm nên cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau lên đường với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại, giành độc lập tự do cho Tổ quốc và thống nhất đất nước.

Trong cuộc trường kỳ kháng chiến ấy, đã xuất hiện nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường dũng cảm, tiêu biểu như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Nguyễn Thị Chiên, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... và hàng triệu đoàn viên, thanh niên tham gia phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong”.

    “Thế hệ trẻ bây giờ cần kế tục trung thành, xuất sắc con đường cách mạng mà thế hệ cha anh đi trước đã để lại. Thấm giá trị của hòa bình, độc lập, tự do, thế hệ trẻ ngày nay cần không ngừng học tập, lao động sản xuất, sáng tạo xây dựng đất nước phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu. Đó là con đường cách mạng triệt để không thể có con đường nào khác” - ông Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội cựu TNXP Việt Nam


Ông Vũ Trọng Kim - nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội cựu TNXP Việt Nam chia sẻ: “Tuổi trẻ của chúng tôi trải qua trong chiến tranh, vì thế, lý tưởng của chúng tôi được thắp lửa và hài hoà với lý tưởng của Anh hùng Lý Tự Trọng, chỉ có một con đường duy nhất là đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân”.

Theo ông Kim, lý tưởng của anh hùng Lý Tự Trọng không chỉ có ý nghĩa trong thời kỳ kháng chiến mà là kim chỉ nam cho thế hệ trẻ bây giờ và cả mai sau phụng sự Tổ quốc. “Thế hệ trẻ bây giờ cần kế tục trung thành, xuất sắc con đường cách mạng mà thế hệ cha anh đi trước đã để lại. Thấm giá trị của hoà bình, độc lập, tự do, thế hệ trẻ ngày nay cần không ngừng học tập, lao động sản xuất, sáng tạo, xây dựng đất nước phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu. Đó là con đường cách mạng triệt để không thể có con đường nào khác”, ông Kim nói.
Xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Tiếp nối tinh thần Lý Tự Trọng, thế hệ trẻ ngày nay không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, lao động sản xuất trên mọi lĩnh vực góp sức trẻ xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc vào năm 2045 như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.

Theo bạn Trương Văn Hoài Khanh - sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM, câu nói “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” sẽ luôn là kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động của tuổi trẻ, để ý thức thật rõ nét về vị thế, vai trò của mình trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
 
d2024101404 2
Bạn trẻ chăm sóc phần mộ Anh hùng Lý Tự Trọng tại quê nhà Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoài Nam)

“Đây không chỉ là lời thúc giục, hiệu triệu từ trái tim cho mỗi bạn trẻ nỗ lực hoàn thiện bản thân, quyết tâm chống chủ nghĩa cá nhân, mà còn đặt ra nhiệm vụ lớn cho lớp lớp thanh niên, phải thực hiện cho kỳ được là góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Hoài Khanh nói.

Còn bạn Nguyễn Ngọc Anh -thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Học viện Tài chính năm 2024 cho rằng, con đường cách mạng của thế hệ trẻ ngày nay không chỉ là việc đổi mới tư duy để tiếp cận, kết nối với những tri thức toàn cầu mà còn phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử. Vì văn hoá là cốt lõi, là bản chất của dân tộc. “Lý tưởng của Anh hùng Lý Tự Trọng đã thôi thúc em cũng như bao bạn trẻ khác về khát khao cống hiến, khát khao học tập và rèn luyện để góp phần xây dựng bảo vệ đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn”, Ngọc Anh nói.

Anh Đặng Dương Minh Hoàng - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, bày tỏ khát khao của mình là quy tụ các bạn trẻ tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh nông sản ở nhiều lĩnh vực, cùng giúp nông dân tạo các liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào trong nông nghiệp để đưa nông sản Việt vươn tầm thế giới.

Theo anh Hoàng, với cục diện thế giới đa cực hiện nay, sự phát triển bền vững được xem là nhiệm vụ cốt lõi cho tương lai của mỗi quốc gia, và chuyển đổi số là chuyến tàu không thể lỡ. “Các bạn trẻ sẽ là những người tiên phong, đi đầu thực hiện nhiệm vụ về chuyển đổi số để đưa đất nước phát triển, hội nhập sâu rộng. Đó là sứ mệnh của thế hệ trẻ ngày nay”, anh Hoàng nói.

Lưu Trinh
Nguồn Tiền phong

Link gốc: https://tienphong.vn/ly-tu-trong-sang-mai-con-duong-cach-mang-cua-thanh-nien-post1682058.tpo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây