Nói về tuổi trẻ, đã từng có những câu hỏi: bạn đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay? Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai? Và các bạn trẻ đã và đang trả lời các câu hỏi đó bằng thực tế hành động của mình. Việc chọn người hay người chọn việc? Thật khó có câu trả lời chính xác. Cuộc sống đã minh chứng, muốn thành công, ngoài không ngừng học tập, luyện rèn, mỗi người cần phải trau dồi kỹ năng sống, thích ứng với hoàn cảnh hẹp và rộng (gia đình và xã hội). Theo đó, là phương pháp tiếp cận giải quyết các vấn đề cuộc sống một cách biện chứng, không ra rời thực tế.
Với những cán bộ, chiến sĩ biên phòng, trong số họ không ít bạn trẻ gắn lần đầu tham gia quân ngũ, được phân công đến nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, núi rừng hẻo lánh, xa xôi. Môi trường sống ở đó thường khó khăn, thiếu thốn vật chất và tinh thần, trong đó có tình cảm của người thân, gia đình, bè bạn. Đôi khi công việc chuyên môn, nhiệm vụ chính trị cứ lặp lại, phạm vi giao lưu hạn hẹp, ít được tiếp xúc xã hội, nhất là các đơn vị đóng quân ở nơi thưa dân, núi cao, rừng sâu, biển rộng- “im lặng đến như tờ”.
Rừng thiêng nước độc, thiếu thốn tình cảm nam, nữ là chuyện người lính biên phòng phải trải nghiệm. Sau mỗi kỳ nghỉ phép qua đi, họ lại trở về với công việc quen thuộc. Những khó khăn ấy đã từng làm ai đó nặng trĩu tư tưởng, nghĩ suy, chán nản, muốn bỏ cuộc, phải đấu tranh tư tưởng…đủ cả. Tâm trạng ấy không chỉ ở lớp trẻ mà ngay cả người có gia đình, có hậu phương vững chắc. Kỷ luật quân đội là thế. Nghề binh nghiệp thách thức là thế. Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Trải qua rồi sẽ quen dần với môi trường sống, học tập, công tác và chiến đấu.
Lời thề người lính dưới quân kỳ, sự dìu dắt chỉ bảo, hướng dẫn và động viên của các cấp lãnh đạo, chia sẻ của đồng đội – những người đi trước giúp họ vượt qua những ngày tháng “khởi nghiệp” để họ trưởng thành toàn diện, vững tay súng giữ gìn biên cương Tổ quốc. Phải chăng còn không ít chuyện mà những người làm truyền thông, văn học nghệ thuật chưa lột tả hết, chưa phản ánh tận cùng tâm tư tình cảm của bộ đội biên phòng?
Thời gian rảnh rỗi họ làm gì khi đơn vị đóng quân ở những nơi xa khu dân cư, đô thị, có cuộc sống náo nhiệt? Có những cán bộ, chiến sĩ được luân chuyển công tác về xuôi, công tác ở các cơ quan tham mưu chiến lược, song nhiều người cả đời gắn bó với vùng biên, kể cả khi họ luân chuyển sang đơn vị khác. Vì nhiệm vụ cao cả Tổ quốc, quân đội giao cho, cả tuổi trẻ họ dâng hiến cho đất nước. Chia sẻ với những khó khăn, gian khổ của lực lượng biên phòng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, trực tiếp là lãnh đạo quân đội luôn quan tâm tạo điều kiện vật chất và tinh thần tốt nhất có thể để lực lượng biên phòng yên tâm, vững bước hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi dịp lễ Tết, xuân về, chính quyền địa phương, tỉnh thành phối hợp các cơ quan đoàn thể ở trung ương tổ chức đa dạng hoạt động tạo không khí vui lễ, Tết cho bộ đội, vun đắp tình đoàn kết quân dân.
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, sinh viên công nghệ (ở trường FPT) đã triển khai dự án “Thắp sáng vùng biên” bằng việc cung cấp và lắp đặt hệ thống camera giám sát biên giới, đèn chiếu sáng trong đêm. Bộ đội biên phòng không chỉ đảm đương nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia mà còn tham gia nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh trên dọc hành lang biên giới đất liền, trên biển, trên sông, nơi cửa khẩu… Ở đâu cũng có dấu chân người lính biên phòng, có sự tham gia tích cực, hiệu quả của họ. Nhiều địa bàn vùng biên giới chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
Ở đó, bộ đội biên phòng vận động hướng dẫn người dân phát triển kinh tế phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, phong tục tập quán; giúp người dân từng bước khắc phục hủ tục, hướng dẫn tận tình, cụ thể kinh nghiệm chống rét cho người, gia súc, chăn nuôi, trồng trọt gắn với bảo vệ môi trường sống. “ Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi bộ đội biên phòng”; “Bộ đội đỡ đầu trẻ em mồ côi, gia đình nghèo khó”… đã trở thành hoạt động thường niên, thành “ thương hiệu” mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc của lực lượng vũ trang. Những địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, vai trò của bộ đội biên phòng càng rõ nét: dạy chữ, dạy người; sửa chữa, xây dựng nhà cho dân, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, bộ đội góp tiền, góp công sức.
Công tác dân vận, công tác tư tưởng trong dân chính là “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe để thấu hiểu”. Đáp lại, người dân là tai mắt, là điểm tựa vững chắc để cùng bộ đội dựng xây “thế trận chiến tranh nhân dân vùng biên”. Mặt trận khá nóng bỏng mà bộ đội biên phòng ở một số địa phương thường xuyên tham gia là phối hợp cùng các lực lượng khác chống buôn lậu hàng hóa, hàng cấm, hàng giả: thuốc lá, pháo nổ, hàng tiêu dùng không nguồn gốc; đặc biệt là buôn bán, tàng trữ ma túy, buôn người, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới... Thời kỳ cao điểm dịp lễ, Tết, ngày mưa nắng, thời tiết phức tạp, bộ đội đâu có ngày nghỉ. Ngày cũng như đêm phải bám trụ địa bàn giữ chắc chủ quyền biên giới đường biên, làm trong sạch thị trường kinh doanh, buôn bán. Có cán bộ, chiến sĩ phải đổ máu, thương tật, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Chấp nhận dấn thân, dâng hiến tuổi xuân cho dân, cho nước đã trở thành lý tưởng, lẽ sống cao cả của bộ đội biên phòng.
Dịp Tết Giáp Thìn 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến chúc Tết nhiều địa phương, tỉnh thành, đặc biệt quan tâm đến các địa bàn có đường biên giới với các nước bạn. Thăm, động viên nhiều đơn vị bộ đội biên phòng, tặng quà, nhà tình nghĩa cho người dân gặp khó khăn; trao tặng hàng nghìn suất học bổng cho các em học sinh giỏi. Chương trình “ Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” được triển khai ở một số địa phương trong cả nước mang lại không khí Tết rộn rã nơi biên cương. Hoạt động thiết thực, ấm tình quân dân thể hiện tấm lòng của Đảng với dân càng củng cố sâu sắc niềm tin vào Đảng, quân đội.
Với bề dày thành tích cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia lãnh thổ, lực lượng biên phòng đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 01 Huân chương Sao Vàng; 03 Huân chương Hồ Chí Minh; 02 Huân chương Độc lập (hạng nhất, nhì); 03 Huân chương Quân công (hạng nhất, ba); 03 Huân chương lao động ( hạng nhì, hạng ba); 156 lượt tập thể và 67 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Lớp thế hệ trẻ kế tiếp cha anh tham gia lực lượng biên phòng hôm nay được học tập và thấu hiểu truyền thống bộ đội biên phòng. Niềm tự hào mãnh liệt ấy cũng là điểm tựa, bệ đỡ tinh thần để họ hiến dâng tuổi xuân cho lý tưởng cao đẹp vì sự bình yên của Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.