T2019080902
Nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang bỏ hoang hơn 6 năm nay.


Ðống sắt gỉ trăm tỷ

Dự án thuộc Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh  này được xây dựng vào năm 2008 với tổng số vốn đầu tư hơn 158 tỷ đồng trên diện tích 19 ha tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Từ tháng 5/2009, nhà máy đi vào hoạt động với mục tiêu đạt khối lượng 500.000 tấn quặng/năm, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy thép Vạn Lợi (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh). Tuy nhiên, từ năm 2010, nhà máy Vạn Lợi bị “chết yểu” vì thiếu vốn, khiến nguyên liệu mà nhà máy sản xuất ra không thể tiêu thụ. Thời điểm ấy, nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang vẫn hoạt động cầm chừng, tuy nhiên cầm cự được gần 2 năm thì chính thức ngừng hoạt động do nợ xấu lên đến gần 100 tỷ đồng.

Trước thực trạng trên của nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang, tháng 8/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh  quyết định thu hồi giấy phép khai thác mỏ sắt với lý do: “Sau hơn chín năm, kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực, Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh không thực hiện đầu tư khai thác khoáng sản mà không có lý do bất khả kháng; không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định”.

Có mặt tại khu vực dự án những ngày này, đập vào mắt chúng tôi là khung cảnh hoang tàn, nhếch nhác. Một vùng đất rộng lớn bị hỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, từ phía ngoài cổng đi vào không một bóng người. Bên trong nhà máy là những giàn máy móc khổng lồ đã hoen gỉ phơi nắng, phơi mưa ngoài trời. Cạnh đó ước tính hàng vạn tấn nguyên liệu sắt, quặng thành phẩm và bán thành phẩm đã được khai thác chế biến rồi tập kết thành từng đống khổng lồ chất cao như núi. Đặc biệt toàn bộ đống nguyên liệu này không được che đậy mà phơi giữa trời đang khiến người dân địa phương lo ngại gây ô nhiễm môi trường.

Gây lãng phí tài nguyên

Từ năm 2008, việc xây dựng một nhà máy có tầm cỡ ở vùng quê nghèo đã đặt ra không ít kỳ vọng cho người dân về việc giải quyết công ăn việc làm, phát triển kinh tế địa phương. Thế nhưng, những kỳ vọng ngày một xa vời. Những năm đầu hoạt động, chỉ có 3-5 nhân lực là người địa phương làm việc tại nhà máy, trong khi tiếng ồn, khói bụi rất lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân xung quanh. Một người dân tại thôn 1, xã Sơn Thọ cho biết, khoảng 3 năm nay, nguồn nước sinh hoạt ở đây chuyển màu vàng đục, mùi hôi. Nguyên liệu sắt, quặng khai thác chất đống, khi mưa xuống ngấm vào đất, ảnh hưởng môi trường sống.

Chủ tịch UBND xã Sơn Thọ Nguyễn Đăng Nhàn xác nhận nhà máy ngừng hoạt động từ năm 2012, đồng nghĩa với việc hàng chục hécta đất nông nghiệp bị thu hồi để nhường cho nhà máy bị  bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên. “Trước đây diện tích đất này để người dân sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, nay trở nên hoang tàn, cây cối mọc um tùm. Nếu giờ quy hoạch lại tiếp tục xây dựng nhà máy thì được, chứ đất này dân không thể sản xuất được nữa”, ông Nhàn nói.

Không chỉ “số phận” nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang đi vào đường cùng mà nhà máy thép Vạn Lợi (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh) được đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng (gồm vốn của doanh nghiệp và vốn vay) cũng đã bị khai tử. Sau hơn 8 năm bỏ hoang, do chủ đầu tư không có khả năng trả nợ, tài sản nhà máy thép Vạn Lợi (Hà Tĩnh) được Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh đưa ra đấu giá và bán cho một doanh nghiệp ở Bình Định với giá hơn 200 tỷ đồng.