Nhà công, không phải "nhà ông"

Thứ năm - 14/07/2022 08:42
"Sao lại cứ khư khư "ôm" lấy cái không phải của mình?". "Có tự trọng thì hãy trả lại nhà công vụ". "Cán bộ mà không làm gương thì nói ai nghe?"...

Nhiều ý kiến bạn đọc đã bày tỏ như vậy khi Báo Người Lao Động thông tin về việc 10 cán bộ đã nghỉ hưu ở tỉnh Tiền Giang không chịu trả nhà công vụ họ được cho thuê ở tại TP Mỹ Tho khi còn công tác tại các cơ quan ban ngành của tỉnh này. Tính từ năm 1994 đến nay, khu nhà này đã cho thuê được 28 năm. Trong đó, có một số cán bộ nghỉ hưu đã để lại cho người thân ở hay cho người khác thuê lại thu tiền.

Vào năm 2015, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận sai phạm trong việc cho thuê tại khu nhà công vụ này và đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang sớm khắc phục sai phạm nhưng đến nay vẫn không xử lý dứt điểm. Trả lời ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết UBND tỉnh rất quyết liệt xử lý theo kiến nghị của các cơ quan trung ương nhưng do nhiều lý do khác nhau nên chưa thể thực hiện.

Còn nhớ vào năm 2000, Bộ Xây dựng gửi thông báo đến 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ tại chung cư CT1-CT2, khu đô thị Yên Hòa (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Trước đó, dù bộ gửi thông báo nhiều lần nhưng các cựu quan chức vẫn chưa chịu trả nhà. Sau khi báo chí đăng thông tin, họ mới liên hệ Bộ Xây dựng để xin trả lại. Nay với tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo tỉnh này cho biết trong tháng 7-2022, Sở Xây dựng sẽ trình dự thảo phương án xử lý và UBND tỉnh xem xét, ban hành quyết định để thực hiện chủ trương thu hồi các nhà công vụ nói trên.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - từng đăng đàn trên nghị trường Quốc hội về việc "tham nhũng biệt thự công và nhà công vụ". Ông cho rằng: "Nhà công vụ là tài sản của nhân dân, của đất nước. Nếu có quyết định về hưu rồi mà vẫn không trả nhà công vụ thì có thể coi là hành động chiếm đoạt tài sản của nhà nước".

Bất cứ công dân nào cũng có nghĩa vụ chấp hành pháp luật, các cán bộ - đảng viên càng cần phải có ý thức cao hơn, làm gương trong thực thi, chấp hành pháp luật. Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Vũ Quốc Hùng, tài sản công - tư phải rõ ràng, không thể nhập nhèm. Với người cố tình không trả nhà công vụ thì các tổ chức Đảng phải kiểm điểm và công khai danh tính hoặc áp dụng các biện pháp mạnh hơn như xử lý kỷ luật và dùng những biện pháp cưỡng chế.

Theo điều 34 Luật Nhà ở năm 2014, người thuê nhà ở công vụ có các nghĩa vụ trả lại nhà ở công vụ cho nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ. Nhưng chây ì trong nhiều năm qua như vụ việc ở Tiền Giang lại thêm một điển hình về sự dễ dãi trong quản lý và sự thiếu nghiêm minh trong thực thi pháp luật.

Không thể chấp nhận được lối nghĩ nhà công là "nhà ông", chiếm dụng bằng ở lì rồi tìm mọi cách hợp thức hóa. Phải xử lý nhanh chóng, dứt khoát, không để làm xấu hình ảnh cán bộ và uy tín của cơ quan, tổ chức.
HOÀNG HOA
Theo nld.com.vn

Link gốc: https://nld.com.vn/goc-nhin/nha-cong-khong-phai-nha-ong-2022071322023837.htm
 Từ khóa: nhà công, tỉnh, Tiền Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây