Ngày 5/10 vừa qua, trang chủ của Apple (hãng công nghệ Mỹ hiện có giá trị vốn hóa khoảng 2,1 ngàn tỉ USD, tương đương GDP của nước Ý năm 2021), đăng tải một thông tin khá thú vị liên quan đến Nghệ An. Năm 2021, trong danh sách khoảng 190 đối tác trên thế giới, chiếm 98% chi tiêu trực tiếp của hãng “táo khuyết” cho nguyên liệu, sản xuất và lắp ráp các sản phẩm, Nghệ An cùng với nhiều thành phố khác của Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan… là những địa chỉ đặt nhà máy của đối tác đang sản xuất các sản phẩm của hãng công nghệ đến từ Mỹ. Cụ thể, ở Nghệ An là nhà máy của Luxshare Precision Industry Company Limited tại Khu Công nghiệp VSIP.
Theo Nikkei Asia - Tạp chí tuần bằng tiếng Anh rất uy tín thuộc Tập đoàn Truyền thông bậc nhất tại Nhật Bản là Nikkei, chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, tài chính, kinh doanh, đầu tư ở thị trường châu Á, năm 2021, nhà máy của Luxshare tại Nghệ An lần đầu tiên nằm trong danh sách vốn rất khắt khe của Apple này.
Hình ảnh KCN WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An trên tờ Nikkei Asia
Cũng trên Nikkei Asia, tôi có đọc bài phỏng vấn độc quyền với bà Jareeporn Jarukornsakul - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành WHA Group (Thái Lan). Các khu công nghiệp của WHA trải dài trên bờ biển phía Đông của Thái Lan, một khu phức hợp ở Tây Java, Indonesia và một khu công nghiệp phát triển theo 6 giai đoạn ở tỉnh Nghệ An của Việt Nam.
Khu công nghiệp mà bài báo đang đề cập là WHA Industrial Zone 1 hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 trên địa bàn huyện Nghi Lộc thuộc Khu Kinh tế Đông Nam. Vị nữ Chủ tịch Tập đoàn WHA cho biết: Giai đoạn đầu tiên đầu tư ở Việt Nam, mà cụ thể ở đây là Nghệ An đã có khu công nghiệp rộng 143,5ha, hiện nhà sản xuất thiết bị điện tử âm thanh Goertek và nhà sản xuất phụ tùng ô tô Hàn Quốc Kyungshin, đối tác cung cấp cho Hyundai đã đầu tư.
“WHA bắt đầu tìm kiếm đất ở Việt Nam vào năm 2016, một năm bản lề khi Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, báo trước sự khởi đầu của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Vào thời điểm đó, Jareeporn cho biết quyết định lạc quan về Việt Nam của bà là do quan sát các chu kỳ kinh doanh chứ không phải địa chính trị” - bài báo viết.
“Nhìn lại 20 năm qua, tôi đã nghĩ đến việc dịch chuyển đầu tư từ phương Tây sang phương Đông vì các doanh nghiệp đang tìm kiếm chi phí thấp hơn, từ Mỹ, sau đó là Nhật Bản và Hàn Quốc, đến Thái Lan. Tiếp theo là gì? Việt Nam” - Jareeporn nói trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Nikkei Asia.
Một góc Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1- Nghệ An, trong KKT Đông Nam. Ảnh tư liệu BNA
Có thể nói, từ khóa “Nghệ An” xuất hiện trên trang chủ của Apple và trong bài báo của Nikkei Asia có ý nghĩa rất lớn trong quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế, hay nói cách khác, đây chính là sự bảo chứng uy tín cho Nghệ An khi mà sự cạnh tranh để hút dòng vốn đầu tư đang hết sức khốc liệt trên toàn cầu như hiện nay.
Tín hiệu vui đó cũng để thấy những giải pháp để xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, lành mạnh trong mấy năm qua của giới chức tỉnh Nghệ An đang thẩm thấu dần vào thực tế và phần nào được chứng minh khi năm 2022, lần đầu tiên tỉnh ta từ một “kẻ vô danh” trên đường đua thu hút FDI đã lọt vào tốp 10 của cả nước. Thực sự là cú bứt phá ngoạn mục!
Tuy nhiên, đà thăng tiến đó sẽ khó tiếp tục duy trì, thậm chí thụt lùi nếu như Nghệ An không tiếp tục thay đổi một cách triệt để, căn cơ hơn để có bước phát triển “tiến vượt”. Bởi khi chúng ta tiến lên, không có nghĩa là các địa phương khác dừng lại. Hôm rồi, tôi có dịp dự Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Hà Nội do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức nhằm có thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn, phục vụ công tác tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An từ 3 giác độ: Các chuyên gia, nhà khoa học; tỉnh Nghệ An và các cơ quan quản lý.
Với tinh thần khoa học khách quan và thẳng thắn, nội dung hội thảo thực sự chất lượng và để lại ấn tượng mạnh đối với nhiều đại biểu tham dự. Tôi ấn tượng sâu sắc với một khái niệm có lẽ lần đầu được nêu lên chính thức trên một diễn đàn, đó là “nghịch lý xứ Nghệ” được Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề cập trong phát biểu đề dẫn hội thảo.
Chúng ta có gì? Một truyền thống lịch sử dày dặn, hào hùng; một nền văn hóa giàu bản sắc. Những con người thông minh, hiếu học. Một nguồn tài nguyên đa dạng, đáng mơ ước thậm chí đối với nhiều quốc gia khác, chứ không chỉ ở cấp địa phương. Nhưng dù vậy, Nghệ An lại đang phải loay hoay với bài toán phát triển “tiến vượt”; đáng lo ngại hơn khi có những nhận định cho rằng, Nghệ An đứng trước nguy cơ “tụt hậu” phát triển so với một số tỉnh Bắc Trung Bộ và vùng duyên hải Trung Bộ. PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Kinh tế Việt Nam nói rằng, trong 10 năm qua, Nghệ An đạt thành tích rõ rệt, nhất là những năm gần đây. Nhưng đó là thành tích “ta so với ta”, chưa có gì vượt trội, chưa xứng tầm với quyết tâm đặt ra trong Nghị quyết số 26, khát vọng Nghệ An và kỳ vọng quốc gia.
Vậy bao giờ và bằng cách nào để Nghệ An thoát khỏi nghịch lý đó? Nhiều giải pháp được các vị chuyên gia khuyến nghị cho tỉnh đặt trong xu thế thời đại hiện nay là công nghệ cao, tốc độ lớn, đua tranh toàn cầu, bất ổn và bất thường. Cho nên, logic phát triển đang thay đổi, giờ đây đổi mới, sáng tạo là nền tảng, nguồn lực cơ bản của phát triển; từ đó đòi hỏi phải thay đổi tầm nhìn, đổi mới tư duy, cách tiếp cận phát triển mới.
Nghệ An trong trong danh sách các địa điểm trên thế giới sản xuất các sản phẩm của Apple
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần nhận thức đầy đủ, thực chất trọng trách quốc gia và vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ mà Nghệ An đảm nhận là trách nhiệm của cả Trung ương và địa phương, song cần được phân giao cụ thể. Trung ương bảo đảm điều kiện thể chế, cơ chế, chính sách (hỗ trợ, vượt trội, vượt trước) và nguồn lực giúp Nghệ An vượt ngưỡng “thấp” mà tự thân tỉnh không đủ lực giải quyết.
Còn đối với Nghệ An, tỉnh đang có cơ hội lịch sử và phải tận dụng tốt nhất để “tiến vượt”; theo đó cần phải xác lập hệ mục tiêu đúng tầm; quyết liệt đeo bám để Trung ương thực thi đầy đủ trách nhiệm hỗ trợ; đồng thời phải thiết kế một chiến lược hành động tốt (vượt trội và khả thi), tất nhiên, cần dày công “thu hút người tài” tham gia xây dựng và thực thi chiến lược. Công nghiệp cũng cần tạo được bứt phá về sản lượng, cơ cấu và trình độ công nghệ.
Nghệ An phải sớm hoàn thiện hạ tầng kết nối gồm nâng cấp sân bay Vinh thành sân bay quốc tế của vùng đúng nghĩa; xây dựng nhanh cảng nước sâu Cửa Lò; đặc biệt phải xem xây dựng hạ tầng số là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đây là những đóng góp hết sức quý giá cho tỉnh trong quá trình xây dựng và hình thành động năng phát triển mới, thực chất và thực tế.
Năm 2030 đánh dấu 1.000 năm danh xưng Nghệ An. Liệu từ giờ đến đó, Nghệ An có hóa giải được “nghịch lý xứ Nghệ” để tạo nên dấu ấn cho mốc lịch sử đặc biệt tròn 10 thế kỷ? Khát vọng phát triển tương xứng với vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế vẫn luôn là mục tiêu trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà. Vấn đề là hãy cùng nhìn về một hướng, lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng thông điệp về một Nghệ An đoàn kết, sáng tạo, mang quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để bứt phá phát triển trong giai đoạn mới. Rồi lúc đó, chúng ta sẽ đón nhiều hơn các thương hiệu lớn của thế giới đến sản xuất tại Nghệ An, chứ không chỉ mỗi “gã khổng lồ công nghệ” Apple. Tôi tin vậy, nếu khát khao và quyết tâm của chúng ta đủ lớn…