Khi cây mới 4-5 tuổi, đường kính chừng 6-10cm, người dân đã chặt bán cho doanh nghiệp xay làm gỗ dăm, để nhận 30-40 triệu đồng/ha. Số tiền này được xem là “lấy công làm lãi”. Nếu để cho cây sống lâu hơn, 10-12 năm, đường kính đạt 20-30cm thì có thể bán được 2,5-3 triệu đồng/cây, mật độ 900-1.000 cây/ha. Rõ ràng là được giá hơn, có lợi hơn nhưng tại sao người dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh không làm thế? Theo nhiều người dân địa phương thì: Trên địa bàn chưa có phong trào trồng rừng gỗ lớn, vì sợ rủi ro, muốn thu hồi vốn nhanh, lấy ngắn nuôi dài... nên cứ thấy được giá là bán.
Việc bán non keo, tràm để lại những hệ lụy như gây xói mòn đất, sạt lở do keo, tràm khi còn non bộ rễ chưa phát triển mạnh, không bám đất tốt, dẫn đến nguy cơ xói mòn đất cao, đặc biệt ở những vùng đồi núi dốc. Keo, tràm là cây trồng ít thu hút các loài động vật, thực vật khác, dẫn đến giảm đa dạng sinh học trong khu vực. Thêm nữa, việc khai thác keo, tràm non còn làm mất đi môi trường sống của nhiều loài động vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Về mặt kinh tế, keo, tràm non có chất lượng gỗ kém, ít được sử dụng cho các mục đích cao cấp, dẫn đến giá bán thấp hơn.
Những rừng keo non, chưa đủ tuổi thu hoạch bị khai thác. Ảnh: nongnghiep.vn
Ngược với tình trạng nêu trên, tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam xuất hiện một số hộ thực hiện trồng rừng gỗ lớn, với giá trị 200-300 triệu đồng/ha, cho thu nhập tiền tỷ sau 10 năm vất vả, kiên trì; đồng thời được cấp chứng chỉ quốc tế FSC về phát triển rừng bền vững. Để có được kết quả đó, chính quyền địa phương các tỉnh này đã làm nhiều việc như hướng dẫn, khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện trồng rừng gỗ lớn. Thực tế cho thấy đó là hướng đi phù hợp: Trước hết là thay đổi nhận thức và hành động của người dân. Thay vì chỉ nhìn vào lợi nhuận ngắn hạn, người dân cần nhìn nhận lợi ích dài hạn từ việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ qua việc ban hành, thực thi chính sách và hoạt động của các tổ chức liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này.
Cùng với đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như FSC trong quản lý rừng cũng là giải pháp hiệu quả. Chứng chỉ FSC không chỉ giúp tăng giá trị của sản phẩm gỗ trên thị trường mà còn góp phần bảo vệ môi trường và bảo đảm quyền lợi cho cộng đồng. Như vậy, việc bán non keo, tràm không chỉ là vấn đề của một nhóm hay một khu vực nhất định mà còn là vấn đề rộng hơn của cả cộng đồng và xã hội, không chỉ riêng trong lĩnh vực môi trường mà còn bao gồm cả vấn đề kinh tế.
TRẦN HOÀI
Nguồn Qdnd.vn
Link gốc:
Hệ lụy bán non keo, tràm (qdnd.vn)