Hà Tĩnh: Nhà thầu ngang nhiên “rút ruột” công trình, chủ đầu tư "cảm ơn..."?

Thứ sáu - 01/06/2018 11:14
Lợi dụng sự buông lỏng trong công tác giám sát của chủ đầu tư, đơn vị thi công đã cố tình cắt xén, rút ruột vật tư nhằm trục lợi cá nhân, bộc lộ nhiều sai phạm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Thực trạng này hiện đang xảy ra tại công trình Đường trục thôn xóm Yên Tràng, xóm Lũy xã Kim Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh).

Dự án Đường trục thôn xóm Yên Tràng, xóm Lũy xã Kim Lộc được khởi công từ tháng 10/2017 do UBND xã Kim Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) làm chủ đầu tư với tổng mức gần 5 tỷ đồng, đơn vị thi công là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 468 (có trụ sở tại phường Bắc Hồng, TX  Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), đơn vị tư vấn giám sát là công ty TNHH tư vấn và xây dựng Quang Thắng (có trụ sở tại TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh).

Công trình đang thi công nhưng không hề có biển báo, bảng cấp phối cũng như bóng dáng đơn vị giám sát

Dự án có vai trò quan trọng trong việc giao thông của người dân, bên cạnh đó, là “bàn đạp” để địa phương hoàn thành tiêu chí đường giao thông nông thôn góp phần có thể cán đích đạt chuẩn theo bộ tiêu chí trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, công trình vừa mới thi công đã xuất hiện dấu hiệu "rút ruột", gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sau khi hoàn thành.

Nhận được phản ánh của người dân, sáng 28/5, PV có mặt tại Dự án Đường trục thôn xóm Yên Tràng, xóm Lũy xã Kim Lộc để “mục sở thị” vấn đề. Qua quan sát, công trình đang đổ bê tông nhưng không hề có biển báo, bảng cấp phối cũng như bóng dáng đơn vị giám sát.

Lớp bạt rắn lót chống chấm được nhà thầu "thay thế" bằng bạt nilon những chỉ rải hai bên lề để che mặt cơ quan chức năng

Tiếp đến, lớp bạt xác rắn lót chống thấm, đảm bảo độ ẩm bê tông cũng bị nhà thầu “ăn” bớt 2/3 và thay đổi thành bạt nilon. Thay vì phải rãi bạt phủ kín toàn mặt đường thì nhà thầu chỉ rãi bạt nilon hai bên lề để che mặt cơ quan chức năng sau này có về kiểm tra, nghiệm thu khối lượng công trình. Điều đáng nói hơn nữa là theo thiết kế: Phần nền đường đá cấp phối dăm loại 2 (Dmax <=37,5mm) dày 12 cm, tuy nhiên trên thực tế nhiều đoạn chưa đến 10cm.

Nền cấp phối đá dăm có những đoạn "mỏng" hơn so với thiết kế 

Ngoài ra, nguồn nước để trộn bê tông được đơn vị vi công “lợi dụng” bơm từ mương nước tại gần đó mặc dù nguồn nước lẫn nhiều tạp chất. Không những thế, điểm tập kết vật liệu cũng như điểm trộn bê tông được đặt ngay bên tuyến đường hẹp, nước trộn lẫn bê tông chảy lênh láng gây cản trở giao thông, nguy hiểm cho người đi đường.

Trước những vấn đề trên, PV được một người tên Hoàng xưng là kỹ thuật lý giải: “Do bạt xác đắt nên thay bằng bạt nilon cho đỡ tốn kém mà cũng đảm bảo như nhau. Trên công trường thì không thể nào đạt được hoàn hảo cả, có gì anh chị thông cảm”.

Nước dùng để trộn bê tông dược lấy từ mương nước 

Trao đổi với ông Trần Văn Hữu – Chủ tịch UBND xã Kim Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết: “Cảm ơn những thông tin mà báo chí phản ánh, do nguồn ngân sách xã không có mà chỉ tiêu năm nay về đích nông thôn mới nên phía doanh nghiệp cũng kêu gọi nguồn về để làm đường thôn xóm để hoàn thành tiêu chí đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, nhưng không vì vậy mà làm sai trái được. Tôi sẽ kiểm tra lại”.

Còn việc PV yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các hồ sơ liên quan đến dự án thì ông Hữu từ chối với lý do: “Các anh chị phản ánh như vậy là được rồi, có gì tôi sẽ nhắc nhở đơn vị thi công còn hồ sơ thì đầy đủ các thủ tục nên không cần thiết phải xem”.

Thiết nghĩ, công trình chỉ vừa mới thi công đã xuất hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, nhà thầu thi công ẩu, tự ý “rút ruột”, chủ đầu tư thờ ơ thì liệu sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng có đảm bảo được chất lượng không? và kéo dài được bao lâu?

Nguồn tin: Đại lộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây