Hà Tĩnh: Chi 3,3 tỉ đồng dỡ Trạm thu phí Cầu Rác có hợp lý?

Thứ hai - 31/05/2021 17:32
Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 (thuộc Cục quản lý đường bộ 2, Tổng cục đường bộ Việt Nam) đã lý giải về đề xuất trích 3,3 tỉ đồng để tháo dỡ Trạm thu phí Cầu Rác ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
20210531020
Tai nạn xảy ra khi ôtô đâm vào Trạm thu phí Cầu Rác. Ảnh: TT.
 
Ngày 31.5, trả lời phóng viên Lao Động, ông Võ Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 xác nhận, đơn vị đã đề xuất cho phép thực hiện công trình “Sửa chữa đột xuất tháo dỡ, thanh lý Trạm thu phí Cầu Rác Km539+100, Quốc lộ 1; hoàn trả nền mặt đường và hệ thống An toàn giao thông”. Đề xuất đó cũng đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi đến Bộ GTVT.

Giải thích vì sao tên công trình là "sửa chữa đột xuất", ông Giang cho hay, vì bình thường thực hiện các công trình là phải theo định kỳ với kế hoạch hàng năm, còn ở đây là công trình liên quan đến mất an toàn giao thông nên phải xin riêng để xử lý đột xuất.

Về việc khi công trình được phê duyệt sẽ lựa chọn nhà thầu thế nào, có đấu thầu hay không, ông Giang cho biết, vẫn thực hiện đúng theo quy định của Luật Đấu thầu.

Với câu hỏi dư luận cho rằng đề xuất số kinh phí 3,3 tỉ đồng để thực hiện công trình nói trên là quá cao? Ông Giang nói: “Nếu chỉ tháo dỡ Trạm thu phí thì không hết mấy đồng. Nhưng ở đây còn phải làm lại mặt đường để đồng bộ với kết cấu mặt đường Quốc lộ 1 nữa”.
 
20210531021
Hình ảnh tháo dỡ Trạm thu phí Đèo Ngang năm 2020. Ảnh: TT.

Phóng viên đặt câu hỏi so sánh năm 2020, tháo dỡ và hoàn trả Trạm thu phí Đèo Ngang (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) chỉ hết 1,8 tỉ đồng, ông Giang giải thích tùy khối lượng, diện tích của từng công trình khác nhau thế nào.

Ông Giang khẳng định đơn vị làm khái toán là có cơ sở, đã tính toán ra diện tích thảm lại mặt đường bao nhiêu, khối lượng tháo dỡ bao nhiêu…

Tuy nhiên, khi hỏi cụ thể công trình trạm thu phí Cầu Rác khối lượng, diện tích mặt đường cần hoàn trả bao nhiêu thì ông Giang không trả lời mà nói rằng để chờ Bộ cho phép đầu tư đã, còn giờ chưa cho phép nên chưa nói trước được, vì đang phải thẩm định.

Mặc dù vậy, dư luận vẫn bức xúc cho rằng trạm thu phí đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp chủ đầu tư dự án, nhưng khi hết hạn thu phí thì ngân sách phải chi tiền tỉ để tháo dỡ.

Như Lao Động đã phản ánh, Trạm thu phí Cầu Rác dùng để thu phí Dự án BOT Quốc lộ 1A đoạn tránh TP.Hà Tĩnh có chiều dài khoảng 16 km, hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 1.2009.

Dự án do Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (Tổng Công ty Sông Đà) làm chủ đầu tư được đặt trạm thu phí Cầu Rác ở xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên cách tuyến đường tránh thành phố Hà Tĩnh hơn 30 km về phía nam. Đây cũng là trạm thu phí từng bị người dân huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh tập trung phản đối vì cho rằng họ không đi mét đường tránh nào cũng bị… thu phí.

Ngày 21.2.2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chủ đầu tư trạm thu phí Cầu Rác tạm dừng hoạt động để có cơ sở tính toán và chốt phương án tài chính của dự án.

Cuối tháng 12.2020, trạm thu phí Cầu Rác được bàn giao lại cho Chi cục Quản lý đường bộ 2.3 quản lý. Sau hơn 2 năm dừng hoạt động nhưng chưa được tháo dỡ, trạm thu phí này đã gây cản trở giao thông, và đã xảy ra một số vụ tai nạn do phương tiện đâm vào “chướng ngại vật” này.
TRẦN TUẤN
Theo laodong.vn
 
Lin gốc: https://laodong.vn/xa-hoi/ha-tinh-chi-33-ti-dong-do-tram-thu-phi-cau-rac-co-hop-ly-915098.ldo?fbclid=IwAR22VZ0EjUkVZKQI5du65ZC1BqoW5CZerSVJbgR-R6rIFKqVgHb6VHhcWQc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây