Hà Tĩnh chấn chỉnh hoạt động công chứng và đấu giá tài sản

Thứ hai - 04/03/2024 12:44
Hà Tĩnh đang tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện các biện pháp chấn chỉnh hoạt động công chứng và đấu giá tài sản trên địa bàn. Điều này nhằm mục đích củng cố sự chính trực, minh bạch và công bằng trong quản lý, góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.
D2024030410 1

Thời gian qua, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh đã góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hoạt động đấu giá tài sản từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy vậy, hoạt động công chứng, đấu giá tài sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công chứng trong trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của tổ chức tín dụng chưa đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng nhưng đã ký trước vào hợp đồng; công chứng trong trường hợp thiếu chữ ký của người yêu cầu công chứng tại các trang của hợp đồng, giao dịch; hồ sơ công chứng, lời chứng, việc sửa lỗi kỹ thuật chưa đảm bảo đúng quy định; việc ban hành quy chế cuộc đấu giá, thông báo công khai, hồ sơ tham gia đấu giá chưa đầy đủ, chưa phù hợp với quy định…
 
D2024030410 2
Thời gian qua, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh đã góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. (Ảnh minh họa: M.H)

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy kết quả đạt được, tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước (QLNN) đối với hoạt động công chứng, đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh; xét đề nghị của Sở Tư pháp tại Văn bản số 213/STP-HC&BTTP ngày 01/02/2024; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung tại các Văn bản của UBND tỉnh số 7075/UBND-NL ngày 08/12/2022 về tăng cường QLNN đối với hoạt động đấu giá tài sản, số 2690/UBND-NC3 ngày 31/5/2023 về tăng cường QLNN đối với hoạt động công chứng; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 18/02/2021 của UBND tỉnh về tăng cường QLNN đối với hoạt động đấu giá tài sản; Quyết định số 1873/QĐ-UBND ngày 07/8/2023 của UBND tỉnh về ban hành Đề án tăng cường QLNN đối với hoạt động công chứng.

Tổ chức thực hiện việc đánh giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản theo các tiêu chí quy định tại khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; Văn bản số 1949/BTP-BTTP ngày 14/6/2022 của Bộ Tư pháp về triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTP, đảm bảo tính công khai, minh bạch, góp phần hạn chế tiêu cực trong lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

Tăng cường công tác giám sát quá trình tổ chức đấu giá tài sản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám sát. Kịp thời phối hợp các cơ quan có liên quan xử lý các đơn thư phản ánh (nếu có) trước, trong và sau khi tổ chức cuộc đấu giá; thanh toán chi phí, thù lao dịch vụ đấu giá tài sản cho các tổ chức đấu giá tài sản đầy đủ, đúng thời hạn theo thỏa thuận tại hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

Đối với Sở Tư pháp: Tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả QLNN về hoạt động công chứng, đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng, đấu giá tài sản (nếu có).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Hà Tĩnh: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ liên quan đến công chứng hợp đồng trong hoạt động tín dụng (như đăng ký chữ ký mẫu của người có thẩm quyền giao kết hợp đồng tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định tại Điều 48 Luật Công chứng và ký vào từng trang của hợp đồng khi thực hiện công chứng theo quy định tại Điều 40 Luật Công chứng).

Theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức tín dụng nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến hoạt động công chứng.

Đề nghị Hội Công chứng viên tỉnh: Tiếp tục tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm nhằm nâng cao kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp cho công chứng viên; tăng cường vai trò giám sát hội viên trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng và Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động công chứng để phối hợp Sở Tư pháp báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh: Tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về công chứng, trình tự, thủ tục công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề. Đảm bảo người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Nghiêm cấm việc công chứng "khống", công chứng "treo".

Yêu cầu công chứng viên kiểm tra kỹ hồ sơ yêu cầu công chứng, xem xét đề nghị người yêu cầu công chứng thực hiện điểm chỉ đồng thời với việc ký theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 48 Luật Công chứng năm 2014 nhằm bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng, hạn chế xảy ra tranh chấp giữa các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Không thực hiện chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch (trừ các trường hợp theo quy định của pháp luật). Chứng thực bản sao phải kiểm tra, đối chiếu kỹ với bản chính. Không được công chứng, chứng thực hồ sơ trái pháp luật giúp nhà thầu gian lận về năng lực, kinh nghiệm để tham gia đấu thầu, trúng thầu.

Đề nghị các tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh: Thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, Quyết định số 57/2019/QĐ-UBND ngày 18/10/2019 của UBND tỉnh về ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất và đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, quy định pháp luật khác có liên quan và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tư pháp về hoạt động đấu giá tài sản; thực hiện hoạt động đấu giá đảm bảo nguyên tắc trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan.
 
D2024030410 3
Hoạt động đấu giá tài sản từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. (Ảnh minh họa: M.H)

Ban hành Quy chế cuộc đấu giá đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản và người tham gia đấu giá. Thực hiện việc thông báo, niêm yết công khai việc đấu giá đầy đủ, đúng thời hạn. Kiểm soát chặt chẽ điều kiện của người tham gia đấu giá, hồ sơ tham gia đấu giá, các nội dung liên quan đến việc ủy quyền tham gia đấu giá,… đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

Các tổ chức hành nghề công chứng và tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh tập trung khắc phục triệt để các hạn chế, vi phạm được các Đoàn thanh tra, kiểm tra chỉ ra. Thực hiện các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm và các chế độ khác cho người lao động đầy đủ, đúng thời gian theo quy định.

Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Văn bản này; định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo UBND tỉnh theo quy định; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND và cơ quan có thẩm quyền khi có các vấn đề phát sinh./.

Theo Phúc Nhân  reatimes.vn

Link gốc: Hà Tĩnh chấn chỉnh hoạt động công chứng và đấu giá tài sản (reatimes.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây