Hồ sơ mời thầu yêu cầu, phần mềm công nghệ hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông tự động phải có chứng nhận bản quyền của Cục Bản quyền tác giả. Ảnh minh họa: MQ st
Theo phản ánh của Nhà thầu, HSMT yêu cầu chủng loại vật tư phải đáp ứng tiêu chí kỹ thuật với việc ghi rõ model thiết bị trong Gói thầu như: Module cấp điện dự phòng ATLS-S3; phần mềm điều khiển Module kết nối trung tâm ATLS-S13…
Đặc biệt, HSMT yêu cầu, phần mềm công nghệ hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông tự động phải có chứng nhận bản quyền của Cục Bản quyền tác giả. Nhà thầu cho rằng: “Với yêu cầu này thì coi như hàng hóa cung cấp cho Gói thầu là hàng hóa độc quyền. Điều này vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu vì làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu”.
Cũng theo Nhà thầu, đèn tín hiệu giao thông không phải là hàng hóa đặc biệt, thiết bị là hàng hóa phổ biến trên thị trường. Đây chỉ là hệ thống đèn tín hiệu giao thông của tuyến đường địa phương mà HSMT yêu cầu sản phẩm phải có bản quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả chứng nhận thì làm khó cho nhà thầu.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Thành Công, cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà (chủ đầu tư/bên mời thầu - CĐT/BMT) cho biết, Ban đã tiếp thu một số phản ánh của Nhà thầu. Theo đó, bỏ tiêu chí “Module cấp điện dự phòng ATLS-S3; phần mềm điều khiển Module kết nối trung tâm ATLS-S13…”; gia hạn thời gian đóng/mở thầu tới ngày 9/6/2021 thay vì ngày 5/6/2021 để nhà thầu có thời gian chuẩn bị HSDT tốt nhất.
Tuy vậy, ông Công cho hay, Ban bảo lưu tiêu chí: “Phần mềm công nghệ… có chứng nhận bản quyền của Cục Bản quyền tác giả”, bởi đây là tiêu chí đã được nghiên cứu kỹ và Ban hoàn toàn chịu trách nhiệm về yêu cầu đưa ra trong HSMT.
Cho ý kiến đối với yêu cầu này, một chuyên gia đấu thầu trong lĩnh vực giao thông cho rằng, tiêu chí phần mềm công nghệ hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông tự động phải có chứng nhận bản quyền của Cục Bản quyền tác giả cần phải được xem xét lại.
Theo vị chuyên gia, quy định của pháp luật về đấu thầu nêu rõ, khi xây dựng HSMT, yêu cầu về kỹ thuật không được nêu ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo ra lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Đồng thời, cũng không được đưa ra các yêu cầu kỹ thuật quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu…
Với Gói thầu trên, chuyên gia đánh giá, đây chỉ là gói thầu lắp đặt cụm đèn tín hiệu cho tuyến giao thông bình thường và là hàng hóa thông thường, không phải là hàng hóa đặc biệt được đặt hàng… Vì thế, trong trường hợp này, nhà thầu cần đề nghị CĐT/BMT làm rõ yêu cầu “có bản quyền” đối với phần mềm điều khiển hệ thống đèn tín hiệu này cụ thể hơn, tránh hạn chế sự tham dự của nhà thầu.
Một chuyên gia lĩnh vực sở hữu trí tuệ nhìn nhận, theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ thì quyền của tác giả là quyền nhân thân, chỉ có 1 người hoặc một nhóm người (đồng tác giả) có đối với 1 sản phẩm. Trong khi đó, quyền sở hữu (quyền công bố, sử dụng, chuyển giao, khai thác thương mại) không đồng nhất với quyền của tác giả. Do vậy, chuyên gia về sở hữu trí tuệ cho rằng, CĐT/BMT cần làm rõ mức độ yêu cầu “bản quyền” nêu trên để tạo thuận lợi cho nhà thầu tham dự.
Luật sư Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam cho rằng: “Việc HSMT đưa ra yêu cầu bản quyền đối với phần mềm hệ thống điều khiển đèn tín hiệu là hợp lý nhằm tránh mua phải phần mềm không có xuất xứ rõ ràng dẫn đến rủi ro, phiền phức”. Tuy vậy, ông Hòa cho rằng, trong trong hợp này, CĐT/BMT cần làm rõ cho nhà thầu đối với yêu cầu về bản quyền với phần mềm ở mức độ là quyền tác giả hay quyền khai thác sử dụng, để tạo thuận lợi cho nhà thầu tham dự.
“Nhà thầu tham dự chỉ cần chứng minh được phần mềm cung cấp trong gói thầu là hợp pháp để tham gia đấu thầu”, Luật sư nói.
Theo Việt Anh baodauthau.vn
Link gốc: https://baodauthau.vn/goi-thau-lap-den-tin-hieu-giao-thong-o-ha-tinh-can-lam-ro-yeu-cau-ve-ban-quyen-post107886.html?fbclid=IwAR1sbju8cm-s1qdAcp_6pGpoYR0EeqCZjsxbudYJ7SSGJSPlMWnZGYhdlLQ