Dấu hiệu bất cập tại Dự án nâng cấp Tỉnh lộ 553 ở huyện miền núi Hà Tĩnh

Thứ năm - 10/11/2022 05:57
Dự án có tổng mức đầu tư 266 tỷ đồng nhằm mục tiêu phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ vùng phía Tây Nam huyện Hương Khê nhưng vừa triển khai thi công đã thấy nhiều dấu hiệu bất cập.
Nhằm phục vụ nhu cầu dân sinh trong vùng phía Tây Nam huyện Hương Khê phát triển kinh tế - xã hội, công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa lũ; đảm bảo an ninh quốc phòng và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông dự án nói chung và hoàn thiện đường tỉnh ĐT.553 theo quy hoạch được duyệt, ngày 17/8/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 2926/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải ký về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh ĐT.553 đoạn từ Lộc Yên - đường Hồ Chí Minh (gần 8,8 km).

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư 266 tỷ đồng (GPMB gần 30 tỷ đồng, chi phí xây dựng hơn 220 tỷ đồng). Dự án hoàn thành đảm bảo tiến độ và chất lượng sẽ góp phần hoàn thiện đường tỉnh ĐT.553 theo quy hoạch được duyệt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho nhân dân khu vực Tây Nam huyện miền núi Hương Khê, kết nối và rút gắn khoảng cách khu vực này với các vùng khác trên tuyến đường và thành phố Hà Tĩnh, tạo ra sự lưu thông hàng hoá và các sản phẩm công, nông nghiệp giữa các vùng được thuận lợi hơn. Đồng thời Dự án hoàn thành cũng góp phần để Hà Tĩnh thực hiện tốt Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025”.

Mặc dù vậy, Dự án vừa mới đấu thầu, đang giải phóng mặt bằng và bắt đầu thi công một số hạng mục nhưng Tạp chí Kinh tế nông nông đã nhận được phản ánh của người dân về những bất cập của dự án này.

Bài 1: Thi công cầu chưa đúng hồ sơ thiết kế?

Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh ĐT.553 đoạn từ Lộc Yên - đường Hồ Chí Minh (gần 8,8 km) với tổng mức đầu tư 266 tỷ đồng đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và bước vào thi công hạng mục đầu tiên là 2 cây cầu nhưng có dấu hiệu thi công chưa đúng hồ sơ thiết kế.


Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (QLDA ĐTXD CTGT) tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư và Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế và Xây dựng giao thông 4 và Công ty CP GAMA Miền Trung là đơn vị tổ chức tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Đây là công trình giao thông cấp III, nhóm B với thiết kế nền đường rộng 9m, mặt đường rộng 6m, lề đường gia cố hai bên mỗi bên rộng 1m. Trên tuyến đường xây dựng mới 4 cầu và nhiều cống… bằng bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực. Có tổng mức đầu tư là 266 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng gần 30 tỷ đồng, giá dự toán xây lắp hơn 221 tỷ đồng); trong đó, ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 200 tỷ đồng. Dự án được phát hành hồ sơ mời thầu rộng rãi, qua mạng từ ngày 24/6 - 1/7/2022 nhưng kết quả chỉ có một nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu.
 
D2022111004 1
Người dân phản ánh nhiều bất cập khi Dự án mới bắt đầu triển khai thi công những hạng mục đầu tiên.

Theo Quyết định số 603/QĐ-BQLDAGT ngày 18/7/2022 của Ban QLDA ĐTXD CTGT tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 06.XL:  xây dựng nền, mặt đường và công trình trên tuyến theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được duyệt thuộc dự án cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 553, đoạn từ Lộc Yên - đường Hồ Chí Minh (Km39+030 ÷ Km47+830) thì đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phú Tài miền Trung - Công ty TNHH Vĩnh Phúc - Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Biển Đông với giá trúng thầu 220,663 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,18%.

Sau đó, Liên doanh nhà thầu nói trên trình các nhà thầu phụ, thì ngày 27/7/2022, Ban QLDA ĐTXD CTGT tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 646/QĐ-BQLDAGT chấp thuận thêm 5 nhà thầu phụ tham gia thực hiện dự án. Năm nhà thầu phụ gồm: Công ty TNHH xây dựng Khánh Môn (số 65, đường Đồng Môn, TP Hà Tĩnh); Công ty CPTVĐT và XD Miền Trung (Số 112, đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh); Công ty TNHH XD và TM Hoàng Ngọc (khối 8, thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh); Công ty CPTV và ĐTXD Tuấn Anh (số 68A Lê Quý Đôn, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh); Công ty CPXD hạ tầng giao thông 207 (số 286A, Lê Thanh Nghị, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
 
D2022111004 2
Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phú Tài miền Trung - Công ty TNHH Vĩnh Phúc - Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Biển Đông là nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu.

Đơn vị tư vấn giám sát là Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế và Xây dựng giao thông 4 và Trung tâm Tư vấn kỹ thuật Giao thông Hà Tĩnh.

Một dự án có tổng mức đầu tư lớn với những mục tiêu rất quan trọng, được sự đồng thuận, ủng hộ và quan tâm của người dân địa phương, nhất là bà con nông dân, nhưng khi mới triển khai những hạng mục đầu tiên thì Tạp chí Kinh tế nông thôn đã nhận được phản ánh  về những bất cập của dự án này.

Sau khi nhận được phản ánh của người dân về các bất cập trong quá trình thi công 2 cây cầu trên tuyến của dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh ĐT.553 đoạn từ Lộc Yên - đường Hồ Chí Minh, PV Kinh tế nông thôn đã có mặt tại công trình. Qua tìm hiểu, 2 cầu đang được thi công là: Cầu tại Km43 + 366,82: Bề rộng cầu B=9m+2x0,5m=10m, bố trí với sơ đồ nhịp 1x18m, chiều dài toàn cầu tính đến đuôi mố Lc = 30,10m, có giá trị 6,19 tỷ đồng do Công ty TNHH XD và TM Hoàng Ngọc (thầu phụ của Công ty CP Tập đoàn Phú Tài miền Trung) thi công; Cầu tại Km44+944,17: Bề rộng B=8m+2x0,5m=9m, bố trí với sơ đồ nhịp 1x18m, chiều dài toàn cầu tính đến đuôi mố Lc=26,10m, có giá trị 5,8 tỷ đồng, do Công ty TNHH Vĩnh Phúc thi công.

Qua phản ánh và sau 2 lần PV có mặt tại công trình để tìm hiểu thì được biết dự án đang trong quá giải phóng mặt bằng, mặt bằng chưa được bàn giao, chỉ mới có mặt bằng để thi công 2 cây cầu nói trên, mặc dù dự án mới bước vào thi công những hạng mục đầu tiên nhưng đã có nhiều dấu hiệu bất cập.
 
D2022111004 3
 
D2022111004 4
Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được thẩm định và phê duyệt thì biện pháp thi công cọc khoan nhồi là sử dụng khoan xoay, có cần cẩu (như hình trên) và bơm dung dịch bentonite bảo vệ thành vách.

Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và bản tính chi tiết dự toán hạng mục thì biện pháp thi công cọc khoan nhồi của 2 cây cầu trên là sử dụng khoan xoay, có cần cẩu, bơm dung dịch bentonite trên cạn với khối lượng hơn 120m3 để bảo vệ thành vách. Trong quá trình thi công, phải có thùng trộn bentonite, có thí nghiệm đầu vào, có thí nghiệm bentonite.

Nhưng tại hiện trường, 2 nhà thầu nói trên thi công không đúng với hồ sơ thiết kế và dự toán, khi tiến hành thi công cọc khoan nhồi lại sử dụng khoan đập cáp, không bơm dung dịch bentonite để bảo vệ thành vách.
 
D2022111004 5
 
D2022111004 6
Thực tế tại công trình khi thi công cọc khoan nhồi, nhà thầu sử dụng khoan đập cáp và không bơm dung dịch bentonite bảo vệ thành vách như hồ sơ đã phê duyệt.

Riêng bơm dung dịch bentonite, mỗi cầu có dự toán với khối lượng khoảng 120m3, theo giá thị trường hiện nay cũng lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng cả 2 đơn vị thi công là Công ty TNHH XD và TM Hoàng Ngọc và Công ty TNHH Vĩnh Phúc đều không thực hiện bơm bentonite để bảo vệ thành vách trong quá trình thi công cọc khoan nhồi.
 
D2022111004 7
 
D2022111004 8
Theo hồ sơ và dự toán thì bê tông được sản xuất bằng trạm trộn hiện trường 50m3/h nhưng nhà thầu đã sử dụng máy xúc xúc cát, sỏi  và xi măng để trộn bê tông mà không có bảng cấp phối.

Cũng theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của công trình thì bê tông cọc khoan nhồi 30Mpa, đá 1x2, được sản xuất bằng trạm trộn hiện trường 50m3/h, vận chuyển bê tông bằng ô tô 6m3, cự ly 0,5km. Nhưng qua ghi nhận của PV tại công trình cầu tại Km43 + 366,82 do Công ty TNHH XD và TM Hoàng Ngọc thi công thì bê tông được trộn tại chỗ, theo cảm tính, không có định lượng, không có bảng cấp phối. Cụ thể, khoảng 9 giờ 25 phút ngày 27/9, tại công trình cầu Km43 + 366,82 do Công ty TNHH XD và TM Hoàng Ngọc thi công, PV ghi nhận được, đơn vị này đang dùng máy xúc để xúc sỏi, cát và xi măng đổ vào bồn để trộn bê tông.
 
D2022111004 11
Khi phát hiện sự có mặt của PV và biết đang bị ghi hình, công nhân ngay lập tức dừng lại không tiếp tục trộn bê tông.

Dầm bản 15m bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, bê tông dầm bản 40Mpa, đá 1x2, được sản xuất bằng trạm trộn hiện trường 50m3/h, vận chuyển bê tông bằng ô tô 6m3, cự ly 0,5km. Nhưng trong quá trình thi công đúc dầm cả 2 nhà thầu nói trên đều không có trạm trộn theo hồ sơ dự toán mà sử dụng bê tông tươi được vận chuyển từ nơi khác đến.

Thi công dầm bản (dự ứng lực căng kéo trước) thiết bị thanh căng không đúng hồ sơ thiết kế: theo hồ sơ thiết kế là thép hình I600 phần đáy và thanh gia cố thép bản, nhưng tại công trình mà 2 nhà thầu trên đang thi công lại sử dụng khung căng bằng thanh bê tông không rõ nguồn gốc, nếu sự cố xẩy ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người thì đơn vị nào chịu trách nhiệm.
 
D2022111004 9
 
D2022111004 10
Cả 2 nhà thầu tiến hành đúc dầm bản không đúng biện pháp thi công trong hồ sơ bản vẽ thi công đã được phê duyệt.

Để làm rõ và xác minh lại lần nữa những phản ánh của người dân, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 6/10, PV Kinh tế nông thôn lần thứ 2 có mặt tại công trường, nhưng cũng như lần 1, biện pháp thi công của 2 nhà thầu nói trên đều được thực hiện không đúng với hồ sơ thiết kế và dự toán của công trình.

Đặc biệt, cả 2 lần PV có mặt tại công trình để tìm hiểu làm rõ những nội dung phải ánh của người dân thì đều không thấy sự có mặt của cán bộ kỹ thuật, cán bộ đơn vị tư vấn giám sát và chủ đầu tư. Khi PV trực tiếp hỏi công nhân đang thi công tại công trình về cán bộ kỹ thuật, cán bộ đơn vị tư vấn giám sát và chủ đầu tư thì nhận được câu trả lời là không rõ và không có mặt.

Vấn đề được dư luận quan tâm là nhà thầu không thi công theo các biện pháp thi công đã được phê duyệt trong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình mà thay đổi biện pháp thi công như vậy liệu có đảm bảo chất lượng của công trình hay không? Những biện pháp thi công mà 2 nhà thầu đang thực hiện đã được sự chấp thuận và phê duyệt của các cơ quan mà trực tiếp ở đây là Ban QLDA ĐTXD CTGT tỉnh Hà Tĩnh hay chưa? Thi công không đúng biện pháp với hồ sơ thiết kế và dự toán đã được phê duyệt nếu có xảy ra tai nạn thì đơn vị nào chịu trách nhiệm?

Bài 2: Nhà thầu thích làm thế nào thì làm nhưng phải đảm bảo chất lượng?!
Khánh Trình
Theo Kinhtenongthon.vn

Link gốc: Dấu hiệu bất cập tại Dự án nâng cấp Tỉnh lộ 553 ở huyện miền núi Hà Tĩnh (kinhtenongthon.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây