Báo Giao thông vừa đăng bài "Gần 2km đường ven biển 1.500 tỷ ở Hà Tĩnh bong tróc, nứt nẻ phải thảm lại" và "Đường ven biển rạn nứt: Chủ đầu tư từ chối cung cấp kết quả kiểm tra", phản ánh tuyến đường ven biển (tỉnh lộ 547) đoạn qua xã Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh), Hà Tĩnh xuất hiện một số vị trí bị hư hỏng, rạn nứt mặt đường.
Có 15 điểm hư hỏng, rạn nứt trên tuyến đường ven biển qua Hà Tĩnh đoạn xã Kỳ Ninh, buộc phải cào lên thảm lại
Đây là dự án đường ven biển qua địa phận Hà Tĩnh, có số vốn lên đến 1.500 tỷ đồng. Theo thống kê, đã xuất hiện 15 điểm rạn nứt mặt đường sau khi thông tuyến 14 tháng, đến mức chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu bóc toàn bộ lớp mặt đường rồi làm lại theo vệt dài.
Chủ đầu tư và tư vấn giám sát gói thầu đường ven biển ở Hà Tĩnh cùng là 1 đơn vị, đó là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh.
Mặc dù đến thời điểm hiện tại, các vị trí hư hỏng cơ bản đã được sửa chữa nhưng với một sản phẩm lỗi ngay từ khi mới đưa vào sử dụng, thì không ai có thể khẳng định được tuổi thọ công trình sẽ kéo dài được bao lâu. Cũng không ai đứng ra cam kết nếu đường hỏng tiếp sẽ bỏ kinh phí sửa chữa.
Một cán bộ có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực xây dựng các công trình cầu đường, chia sẻ: Khi công trình vừa đưa vào sử dụng, đang trong thời gian bảo hành mà hư hỏng thì chắc chắn là có vấn đề.
Điều đáng nói là dù công trình có vấn đề bất thường như vậy, song trách nhiệm lại không được cơ quan chức năng làm rõ.
Để có cái nhìn khách quan, đa chiều hơn, PV có đề xuất tiếp cận các kết quả kiểm tra công trình. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban QLDA từ chối cung cấp. Về trách nhiệm của các bên liên quan, đại diện chủ đầu tư cho rằng, trách nhiệm ở đây thuộc về đơn vị thi công thảm nhựa là 484.
Ông Trần Quốc Phòng, chuyên viên Phòng Quản lý xây dựng 1, Cục QLXD, Bộ GTVT cho biết: Hồ sơ dự án, kết luận kiểm tra không đóng dấu mật là tài liệu của cơ quan Nhà nước.
Theo quy định, Ban QLDA sẽ phải cung cấp khi có đề nghị từ cơ quan chức năng, cung cấp cho báo chí theo Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí hiện hành.
Đối với sự cố công trình, khi xảy ra sự cố, các bên phải có báo cáo. Tùy theo mức độ sự cố công trình mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức xác định nguyên nhân.
Đối với sự cố có liên quan đến chất lượng công trình thì các bên liên quan phải chịu trách nhiệm hết vòng đời dự án chứ không chỉ dừng lại trong thời gian bảo hành.
Theo quy định, đối với công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do Ban QLDA tỉnh làm chủ đầu tư thì khi xảy ra hư hỏng, trách nhiệm trước tiên là của đại diện chủ đầu tư - pháp nhân ký hợp đồng với nhà thầu.
Tư vấn giám sát chịu trách nhiệm đánh giá hư hỏng rồi báo cáo chủ đầu tư dự án. Nếu nguyên nhân chủ quan do quá trình thi công không đảm bảo thì nhà thầu, tư vấn sẽ phải chịu trách nhiệm chính, cũng như phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với một công trình sử dụng vốn ngân sách lên tới 1.500 tỷ đồng, vừa đưa vào sử dụng nhưng đã xuất hiện hỏng hóc, trong khi chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm là một điều thực sự vô lý, bất thường.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm và năng lực của Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh, năng lực tư vấn giám sát (bao gồm năng lực về chuyên môn, tài chính, nhân lực, máy móc, thiết bị) của đơn vị này.
Một đơn vị gánh cả hai vai chủ đầu tư và tư vấn giám sát để xảy ra hư hỏng công trình sau khi đưa vào sử dụng mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì, kể cả trách nhiệm trả lời câu hỏi của công luận sẽ là một tiền lệ xấu cho sự thiếu minh bạch trong quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông.