Thông tin này được đưa ra tại hội nghị "Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2015; Tổng kết công tác năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016", do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 25/12.
Khoa học công nghệ góp phần tăng GDP
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, 5 năm qua, nhờ bám sát các định hướng, nhiệm vụ và triển khai tương đối đồng bộ các giải pháp trong Chiến lược, giai đoạn 2011-2015 đã cơ bản hoàn thành được nhiều mục tiêu quan trọng.
Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2015; Tổng kết công tác năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016
Theo đó Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Theo tính toán, giá trị sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đóng góp ngày càng nhiều vào Tổng sản phẩm quốc nội giai đoạn 2011-2013 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 11,7%, 19,1% và 28,7%. Nếu duy trì được đà tăng trưởng này, chỉ tiêu đạt 45% Tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2020 là khả thi.
"Vai trò của KH&CN ngày càng được coi trọng. Phát triển KH&CN và nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, là đòn bẩy của quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Các mục tiêu, định hướng và giải pháp phát triển KH&CN của Chiến lược là cơ sở quan trọng để Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương ban hành các chiến lược ngành, quy hoạch, kế hoạch trung hạn và chương trình hành động, lồng ghép các nội dung phát triển KH&CN vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phục vụ các mục tiêu tăng trưởng của ngành, lĩnh vực và địa phương" - Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định.
Theo đó, sau 5 năm thực hiện Chiến lược, với các đóng góp thiết thực của KH&CN, nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện.
Chỉ rõ thêm về đóng góp của khoa học và công nghệ thời gian qua, ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng nêu rõ khoa học công nghệ đang đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Cụ thể, thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào GDP cho thấy KH&CN đã góp một phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Xu hướng gia tăng đóng góp của KH&CN trong tăng trưởng GDP 5 năm qua là kết quả của những đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN trước đây, đặc biệt là nhờ những đổi mới cơ chế quản lý KH&CN trong những năm gần đây, đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi và các biện pháp thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đầu tư nước ngoài gia tăng trong lĩnh vực công nghệ cao.
Theo đó giai đoạn 5 năm 2011-2015, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP đạt mức trung bình là 28,04%, và có xu hướng tăng đều qua các năm. Riêng năm 2015, TFP ước tính đóng góp tới 39,92% tăng trưởng GDP, tức là gần 2/5 mức tăng của GDP.
Cần tiếp tục đổi mới
Ghi nhận những kết quả đã thực hiện được của ngành khoa học công nghệ trong giai đoạn 5 năm qua, Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng: Trong 5 năm qua bộ Khoa học và Công nghệ đã làm được rất nhiều việc, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều điểm còn cần phải cố gắng, thậm chí phải thay đổi trong tư duy của mỗi người mới mong khoa học công nghệ có những bước đi đột phá hơn.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Để đổi mới rất gian khổ bởi không chỉ là cơ chế, chính sách, động lực mà còn là thói quen. Có những thói quen ai cũng thấy không tốt nhưng lặp lại hoài rồi cũng quen. Dù gì cũng phải thấy rõ dù kết quả đạt được còn chưa được như mong muốn song với những gì đã đạt được của ngành khoa học cũng cần rất đáng biểu dương”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Thừa nhận việc đổi mới không hề dễ dàng như lời nói, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: khó cũng phải làm. Biết rằng việc thay đổi tư duy từ trong nếp nghĩ là không đơn giản nhưng khó cũng phải làm, từ việc tập trung vào trọng điểm đúng nghĩa, đột phá đúng nghĩa và làm cho bằng được thì mới có kết quả.
Trên thực tế giai đoạn 2011-2015 Chiến lược đặt mục tiêu tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10 - 15%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và trên 20%/năm giai đoạn 2016 – 2020. Theo kết quả tính toán sơ bộ của Bộ KH&CN, giai đoạn 2011-2014, Việt Nam có tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10,68%/năm, đạt mục tiêu chiến lược đề ra là 10-15%/năm.
Về số lượng công bố quốc tế, Chiến lược đặt mục tiêu số lượng công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu sử dụng NSNN tăng trung bình 15 - 20%/năm. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2011-2015, tổng số bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế của Việt Nam là 11.738, gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng bình quân là 19,5%/năm, đạt mức cao so với mục tiêu của Chiến lược.
Toán học, Vật lý, Hoá học tiếp tục là những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam, chiếm 40% tổng công bố quốc tế trong 5 năm qua. Riêng Toán học, chúng ta có số lượng công bố quốc tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Tính tổng số công bố quốc tế trong giai đoạn 2011-2015, chúng ta xếp thứ 59 trên thế giới (so với thứ 66 trong giai đoạn 2006-2010 và thứ 73 giai đoạn 2001-2005) và thứ 4 của Đông Nam Á, sau Singapore (thứ 32 thế giới), Malaysia (thứ 38) và Thái Lan (thứ 43).
Một trong các lý do quan trọng làm tăng số lượng công bố quốc tế của Việt Nam trong 5 năm qua xuất phát từ việc tăng quy mô, hiệu quả hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản từ nguồn NSNN thông qua Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED).
Về số cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao, Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2015, hình thành 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao; năm 2020, hình thành 60 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao.
Hiện Việt Nam có 9 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Mục tiêu hình thành được 30 cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao vào năm 2015 khó hoàn thành do không thể sắp xếp được nguồn vốn đầu tư từ NSNN cho các đơn vị có nhu cầu hình thành các cơ sở ươm tạo.
Bộ KH&CN sẽ đánh giá lại nhu cầu của xã hội đối với các cơ sở ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao cũng như các tiêu chí của một cơ sở ươm tạo cần có để đáp ứng được nhu cầu của các nhóm khởi nghiệp với công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh lại mục tiêu này trong giai đoạn 5 năm cuối thực hiện Chiến lược.
Đồng tình với những kết quả đã được cũng như những kiến nghị mà Bộ Khoa học và Công nghệ nêu ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần chủ động hơn, đổi mới, sáng tạo trong chính sách tiếp cận và xử lý các vấn đề thuộc về phần mình, từ đó góp phần đổi mới trong quản lý trên toàn ngành.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng trong giai đoạn 5 năm tới các mục tiêu của Chiến lược cần được rà soát lại và cụ thể hơn.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn