Từ sáng qua, 4/5, phương án điều chỉnh giá xăng dầu đã được liên bộ Công Thương - Tài chính trình Thủ tướng nhưng đến giờ phút này, vẫn chưa có quyết định nào được công bố.
Tính đến hôm nay, 5/5, mức lỗ mỗi lít xăng hiện nay đã lên tới 3.050 đồng/lít. Tỷ lệ tăng của giá cơ sở và giá bán lẻ đã lên tới mức kỷ lục: 17,65%.
Sau khi giá xăng bù 991 đồng/lít từ Quỹ bình ổn giá, theo cơ chế áp dụng từ ngày 13/4, mức lỗ trên sẽ giảm còn 2.059 đồng/lít.
Xăng dầu dồn dập báo lỗ. |
Trong khi đó, các mặt hàng dầu cũng đang âm. Đặc biệt, dầu diezen dù đã được giảm thuế xuống mức 12% nhưng cũng không đảo ngược được tình thế khó khăn. Loại dầu này đang lỗ 274 đồng/lít, tương ứng tỷ lệ giá cơ sở tăng hơn 1,97% so với giá bán lẻ.
Kể cả khi đã bù từ Quỹ bình ổn, dầu diezen vẫn còn lỗ.
Một sự thật không thể phủ nhận rằng, những con số trên sẽ chấm dứt chuỗi 15 lần hạ nhiệt liên tục nửa cuối năm 2014 và sẽ phá tan nỗ lực 4 lần giữ giá trong 3 tháng qua. Đương nhiên, những khoản lỗ to đùng trên cũng sẽ thúc giá xăng dầu bắt đầu phi nước đại, không chỉ có một lần tăng như ngày 11/3.
Ngoại trừ, nếu có sự khác biệt nào đó thì sẽ là do Nhà nước dùng các biện pháp điều tiết khác để kìm nén, áp đặt giá lên thị trường này.
Nguyên nhân đầu tiên là vì giá thế giới!
Quả vậy, không ngừng nghỉ 2 tháng qua, giá xăng A92 trên thị trường Singapore đã bò từ ngưỡng trên dưới 65 USD/ thùng lên ngưỡng vượt 80 USD/thùng.
Phiên giao dịch hôm 4/5 tại thị trường Singapore đã chốt xăng thành phẩm A92 là 80,89 USD/thùng, kết thúc chuỗi ngày giá bắt đầu bằng số 7, cách biệt 5,07 USD/thùng so với giá 15 ngày trước.
Dầu diezen giờ cũng leo lên mức 78.05 USD/thùng, tăng 4,01 USD/thùng so với 15 ngày trước.
Song, còn một nguyên nhân quan trọng khác: Từ 1/5, thuế bảo vệ môi trường đã tăng gấp 3 lần!
Mỗi lít xăng phải gánh thêm 3.000 đồng/lít, chiếm tới 17% trong giá bán lẻ. Mỗi lít dầu diezen cũng phải cõng 1.500 đồng/lít, bằng 9% trong giá bán lẻ.
Lời hứa và tình huống khó
Trở lại câu hỏi nóng ở trên, liệu có tăng giá xăng thêm 3.000 đồng/lít hay không?
Với các nhà quản lý, câu trả lời sẽ luôn là, giá xăng dầu đã theo cơ chế thị trường, việc điều hành thực hiện đúng quy định của Nghị định 83 và khi giá tăng trên 7% thì phải xin kiến Thủ tướng phê duyệt.
Tình huống khó đang đặt ra cho các nhà điều hành giá xăng. |
Nhưng phải nói rằng, đang xảy ra một tình huống khó cho nhà điều hành ở đây! Đầu tháng 3, khi thay mặt Chính phủ trình Quốc hội về phương án tăng thuế bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã quả quyết: "Việc tăng thuế bảo vệ môi trường không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước".
Thậm chí, Bộ trưởng còn cho rằng, người dân vẫn được hưởng lợi khi giá xăng dầu thế giới giảm vì việc tăng thuế này chỉ nhằm bù đắp một phần giảm thu ngân sách ( giảm 28.200 tỷ đồng) do cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Kể cả khi tăng thuế, giá trong nước vẫn thấp hơn giá xăng dầu ở Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, tiếp tục tái khẳng đinh "không làm thay đổi giá" tại cuộc họp báo cuối tháng 4 của Bộ Tài chính về vấn đề này.
Không vị quan chức nào nhắc đến giá thế giới - một yếu tố hiển nhiên nhất quyết định sự tăng hay giảm của giá bán lẻ trong nước.
Các phương án tăng thuế chỉ tính đến kịch bản giá thế giới giảm, duy trì ở mức thấp, mà không hề đả động đến kịch bản giá thế giới tăng và leo thang liên tục.
Trong khi đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu sau 3 tháng sử dụng giờ rất cạn kiệt. Nếu Bộ Tài chính yêu cầu trích Quỹ "âm" tới 3.000 đồng/lít cho xăng, thì nghĩa là, các doanh nghiệp sẽ phải chịu lãi vay ngân hàng và ai sẽ là người trả khoản lãi này thì chưa rõ?
Rốt cục, giá xăng dầu trong nước vẫn chực chờ tăng! Và nếu tăng, giá của Việt Nam sẽ cao hơn giá xăng Trung Quốc khoảng hơn 857 đồng/lít.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn