Chỉ tay về phía trước, nơi hàng loạt xe ben đang hối hả ngoạm xúc, chở đất trên đập dâng Lạc Tiến rộng gần 200 ha, anh Thưởng cho biết: Khu kinh tế Vũng Áng rộng đến gần 23 ngàn ha, với 5 khu chức năng chính là cảng biển và dịch vụ hậu cảng; công nghiệp nặng luyện cán thép; đô thị; du lịch – dịch vụ; mậu dịch tự do; Trong tương lai 20 năm tới KKT Vũng Áng sẽ là một TP công nghiệp, thương mại. Mỗi ngày ở đây sẽ cần tới 1,5 triệu m3 nước. Nhưng hiện tại, vùng Nam Kỳ Anh này hồ đập không đủ cung cấp. Vì vậy. Chính phủ và UBND tỉnh quyết định đầu tư vào đây một siêu dự án cấp nước cho KKT Vũng Áng và nông nghiệp Nam Kỳ Anh. Công ty CP Đầu tư & Phát triển Vũng Áng là đơn vị thành viên của Tập đoàn Hoành Sơn, được chọn làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đến hơn 4.415 tỷ đồng, bao gồm 3 tiểu dự án là Nhà máy nước; hệ thống thủy lợi Rào Trổ (công trình hồ, đập dâng Lạc Tiến, tuynel và kênh dẫn). Cống ngăn mặn, giữ ngọt thoát lũ Kỳ Hà. Tuy có mức đầu tư rất cao, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước khó khăn nhưng vì là một dự án quan trọng, quyết định lớn đến sự hoạt động và phát triển của cả KKT Vũng Áng nên nhà nước và doanh nghiệp đều ưu tiên tập trung vốn vào đây. Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ không quá 819 tỷ đồng từ phần vốn nhà nước; tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ 700 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, xây dựng một số hạng mục công trình. Về phần Hoành Sơn Group, theo Giám đốc Phan Hoành Sơn, các ngân hàng trong nước và một số ngân hàng quốc tế có ý định sẵn sàng đổ vốn vào đây. Bởi lẽ, các hạng mục của dự án đều nằm trong quy hoạch: tất cả đều có khả năng thực hiện đúng tiến độ, và đặc biệt là đã được các nhà đầu tư đăng ký mua, do nước là hàng hóa thuộc loại độc quyền có đầu ra ổn định. Formosa, dự án lớn nhất và cũng sẽ là khách hàng lớn nhất nằm trong KKT Vũng Áng có dự định đề nghị cho Hà Tĩnh vay 100 tỷ VNĐ để đầu tư vào dự án này. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh, và các bộ, ngành hữu quan phối hợp chỉ đạo, giúp đỡ để dự án đạt kết quả, đúng lộ trình đề ra, vì đây là dự án có tính cấp bách để đảm bảo cấp nước cho dự án Formosa và cả KKT Vũng Áng. Dự án này mang tính đặc thù rất cao, bởi lần đầu tiên ở Hà Tĩnh nó được thực hiện theo kiểu Doanh nghiệp đầu tư, trực tiếp quản lý và thực hiện, nhà nước hỗ trợ; một dự án mà từ Chủ tịch Quốc hội đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh đều có sự quan tâm đặc biệt. Bộ NN&PTNT có một tổ chuyên gia do GS Phan Sỹ Kỳ nguyên Thứ trưởng của Bộ làm tổ trưởng, trực tiếp hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho dự án. Về phần tỉnh, UBND đã thành lập hẳn một “siêu” Ban chỉ đạo từ tháng 5/2012 do 2 đồng chí Phó Chủ tịch làm trưởng, phó ban, 8 Giám đốc sở và 1 Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện dự án. Đây là cách làm mới, có tính đột phá của Hà Tĩnh về vai trò nhà nước chuyển giao dự án sang cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Từ ngày hoạt động đến nay, rất mừng là mọi việc diễn ra khá suôn sẻ. Tất nhiên khái niệm hỗ trợ phải hiểu là cho dự án chứ không phải cho doanh nghiệp.
Giám đóc Trần Quang Thưởng giới thiệu với chúng tôi làm quen với 3 đơn vị đang thi công trên khu vực hầm tuynel, đạp dâng Lạc Tiến là Công ty Nga Sơn, Công ty Lũng Lô và Công ty Hoàng Hiệp. Dẫn mọi người thị sát một vòng quanh công trường, Chỉ huy trưởng Nguyễn Huy Hùng (Công ty Lũng Lô- Tập đoàn Sông Đà) cho biết: “ Ở đây không có khái niệm tết nhất, lễ lạt, bởi mọi người bắt đầu một ngày làm việc từ 6 giờ sáng, kết thúc vào 3 giờ sáng của ngày hôm sau. Công nhân, thợ máy thay ca ngay tại công trường để đảm bảo các máy móc, thiết bị liên tục vận hành. Chủ đầu tư Hoành Sơn đã huy động vào đây tiểm lực cao nhất của mình. Ngoài hàng trăm xe máy, thiết bị máy móc, phương tiện làm việc cả 3 ca, 4 kíp, Tập đoàn còn liên doanh liên kết với nhiều đơn vị khác để tăng thêm nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ các hạng mục của dự án.” Giám đốc Thưởng cho biết thêm: “Tiến độ gấp gáp quá mức. Tất cả các điểm mốc cấp nước, thời gian phải bàn giao đã được định trước, chủ đầu tư chỉ có cách treo đồng hồ đếm ngược thôi. Các anh biết đó, các hạng mục dự án rất nhiều. Địa bàn thi công lại diễn ra từ vùng Thượng xuống Hạ Kỳ Anh đến 100km, qua nhiều vùng rất phức tạp như núi cao, biển, cảng….Ở mảnh đất “Chảo lửa, túi mưa” này, mưa ra mưa, nắng ra nắng, kỹ thuật công trình đòi hỏi cao, sơ sểnh một chút là rất nguy hiểm. Trong lúc đó nhân lực cả chất lượng cao đến lao động phổ thông ở vùng Thượng này rất khó tìm, công lao động vì thế cao hơn nhiều so với các nơi khác.Máy móc, thiết bị trục trặc, hư hỏng không có chỗ sửa, phải kéo ra tận Vinh, nhiêu khê lắm!” Biết tính Thưởng, nói khó, kể khổ là để báo chí thông cảm, chia sẻ và đồng hành với mình thôi, chứ ở con người anh không có chuyện bàn lùi, thối chí, dù việc khó đến đâu. Vì thế mà đến nay các hạng mục Nhà máy nước giai đoạn I công suất 40 ngàn m3/ ngày đêm đã cơ bản hoàn thành và tiến hành cấp nước đợt đầu cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng. Đập dâng Lạc Tiến, tuynel và kênh dẫn, Hồ Rào Trổ đã được triển khai khá đồng bộ. Thi công kênh dẫn là Công ty TM & DV Nga Sơn đã đào được hơn 8000m3 / 903.750m 3. Vị trí cửa vào đã đào đến cao trình + 42,0 với chiều dài 60m. Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô tiến hành khoan hầm và đổ bê tông tuynel đã đạt được 80m/198m. Đập dâng Lạc Tiến do Công ty TNHH Hòa Hiệp, Công ty TM&DV Nga Sơn và Công ty CP ĐT& XD 24 thi công, đã đào đắp hố móng bờ phải đập được khoảng 140 ngàn/150 ngàn m3. Các công trình trên cùng với Hồ Rào Trổ, cống ngăn mặn giữ ngọt và tiêu thoát lũ Kỳ Hà đều quyết tâm đạt tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý III/2014. Lướt qua một số thông số khối lượng chính để thấy rõ quy mô to lớn của dự án khi hoàn thành. Đào đất, đá các loại: 2.125.595m3, đắp đất 3.399.060m3, đổ bê tông 87.306m3, sử dụng 67.023 m3 đá xây, lát và 3.530.835 kg thép các loại. Tất cả sự nỗ lực, cố gắng trên của hàng ngàn con người, bao gồm các nhà lãnh đạo, quản lý, kỷ thuật đến đội ngũ công nhân được huy động vào đây đều nhắm tới một mục đích quan trọng. Đó là cấp 774 ngàn m3 nước/ ngày đêm cho KCN Vũng Áng, thị trấn Kỳ Anh và cảng Vũng Áng; cấp nước tưới ổn định cho 1.335 ha đất canh tác và 300 ha đất nuôi trồng thủy sản cho 8 xã và thị trấn Kỳ Anh. Ngoài ra dự án còn có thêm mục đích là cấp nước trả lại môi trường lòng sông Rào Trổ vào các tháng mùa kiệt và giảm lũ cho hạ du, góp phần cải thiện môi trường, tạo cảnh quan phục vụ du lịch. Quả là một kỳ tích! Chỉ vài năm nữa khi dự án hoàn thành, cả một vùng Thượng và Nam KỳAnh sẽ không còn cảnh thiếu nước. Giòng nước ngọt từ Hồ Rào Trổ sẽ theo hệ thống kênh mương dài 22 km chảy vào đập dâng Lạc Tiến, xuống Hồ Thượng Sông Trí, cùng với Hồ Kim Sơn, Hồ Mộc Hương phục vụ cho đại dự án Formosa, tưới mát hàng ngàn ha ruộng đồng, khu nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt cho cả thị trấn Kỳ Anh và KCN Vũng Áng. Theo Khắc Hiển (Congluan.vn) |
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn