Thạch Kim đã có tiếng tăm nghề cá từ lâu đời. Hết thập kỷ này đến thập kỷ khác, nguồn hải sản vô tận của biển cùng với kinh nghiệm đánh bắt của ngư dân đã đưa lượng thực phẩm dồi dào tới mọi miền quê Hà Tĩnh. Chợ Hà Tĩnh, chợ Cày (Thạch Hà), chợ Nghèn (Can Lộc) không có phiên họp nào không có cá Thạch Kim. Cá tươi xếp hàng rổ, cá khô chất đầy thúng, mủng. Người dân đã quen dùng trong bữa cơm hàng ngày các loại cá trích, nục, thu...
Khi các xí nghiệp chế biến tôm, mực đông lạnh xuất khẩu được hình thành thì vùng biển Cửa Sót trở thành nơi trao đổi hàng hóa nhộn nhịp. Không ít doanh nghiệp cho ngư dân ứng tạm tiền trước và điều chỉnh giá cả rất hợp với những biến động của thị trường, tạo được mối liên kết hai bên cùng có lợi.
Niềm vui ngày lặng sóng
Thạch Kim có “tiếng thơm” về cá, nhưng cũng là địa phương có bề dày truyền thống đoàn kết, thương yêu nhau. Người dân không chịu bó hẹp trong những tư duy cũ lỗi thời và luôn năng động vươn lên, mở rộng tầm nhìn xa để xây dựng làng xóm giàu mạnh. Với địa lý “làng một bên, biển một bên”, người dân Thạch Kim có bản lĩnh và nghị lực lớn để đương đầu với bão tố, triều cường.
Hiện tại, Thạch Kim có hơn 1.900 gia đình, với số dân hơn 1 vạn người. Nhà cửa san sát, đường ngang, đường dọc đều hẹp nhưng đều được kiên cố bằng bê tông. Suốt ngày, suốt đêm, làng biển ồn ào, náo nhiệt như một thành phố công nghiệp. Ô tô, xe máy chạy rần rần, người đi như mắc cửi. Người Thạch Kim biết bảo vệ cảnh quan môi trường và gìn giữ đạo đức trong kinh doanh.
Gìn giữ môi trường là một cuộc cách mạng lâu dài, kiên trì và quyết liệt. Cuộc vận động “sạch từ nhà ra đường, sạch từ đường ra biển” đồng bộ trong cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị. Cán bộ từ xã tới thôn, tổ liên gia phải gương mẫu đi đầu để mọi người cùng làm theo. Mặt khác, Thạch Kim đã thành lập đội, tổ an ninh môi trường. Những ai vi phạm như xả rác, đổ rác ra đường hoặc đưa xác súc vật chết vứt trên bờ biển đều bị “tuýt còi” xử phạt. Chỉ cần một lời nhắc nhở trên loa công cộng cũng làm họ thấy xấu hổ, nhận thức ra vấn đề.
Thuyền xa bờ mùa trước gọi mùa sau
Những dấu chân in dày trên cát... Những dấu chân đi, những dấu chân về từ ngàn đời nay chính là những bàn chân ngư dân “sống cùng biển, chết không rời biển”. Bờ biển Thạch Kim trải dài hơn 2 km, từ bao đời nay ở đâu có những con thuyền neo đậu, ở đấy có những dấu chân. Hết sáng lại chiều, hết thuyền vào đến thuyền ra. Những vẻ đẹp bình dị hàng ngày ấy đã ăn sâu vào tâm khảm tôi. Những con thuyền nhỏ chỉ 25-35 sức ngựa, cưỡi sóng ra khơi, tung chài thả lưới, ngày nào cá, tôm cũng chất đầy bụng thuyền. Hồi ấy, các HTX đánh cá Thạch Kim cũng thu được từ 1.400-1.500 tấn hải sản/năm. Năm cao nhất đạt kỷ lục 2.600 tấn. Thạch Kim được suy tôn là “ngọn hải đăng” sáng nhất làng biển Hà Tĩnh.
Tùy theo từng chủng loại cá, thứ đưa vào kho đông lạnh, thứ các mẹ, các chị quảy ngay ra chợ quê
Trong cơ chế thị trường, nghề cá làng biển Thạch Kim lại càng phất lên như buồm căng gặp gió. Nhờ chính sách Nhà nước hỗ trợ ngư dân, cùng với sự thông thoáng của ngành ngân hàng, Thạch Kim đã có hàng trăm con thuyền công suất lớn. Với những chuyến đi dài ngày, thuyền đánh cá của họ ra tận Cát Bà, Bạch Long Vĩ.
Chiều nay trở lại Thạch Kim, tôi vừa lững thững ra bến cảng Cửa Sót, tình cờ gặp chủ thuyền cá Nguyễn Văn Hòa vừa mới trải 3 ngày bám biển. Thuyền ông Hòa vừa cập bến, từng khay cá được khệ nệ bưng lên. Tùy theo từng chủng loại cá và sức mua từng người, thứ đưa vào kho đông lạnh, thứ các mẹ, các chị quảy ngay ra chợ quê, thứ đưa vào than hồng nướng ngày mai lên chợ tỉnh. Nhiều mẻ cá lại được đưa vào chum, vào chượp chưng cất thành nước mắm.
Một bạn thuyền tiết lộ: “Ông Hòa là một trong những chủ thuyền đánh bắt khá nhất vùng biển này. Với công suất 320 CV và hơn 20 bạn thuyền, có những lần vươn khơi chỉ trong mấy tiếng đồng hồ đánh bắt, tàu ông đã thu hơn 1 tấn cá cơm”.
Khi tôi hỏi về sự kiện cá chết bất thường ở Kỳ Anh có ảnh hưởng lớn đến chuyện làm ăn của ngư dân không, ông Hòa trả lời: “Buổi đầu, cả làng tôi đều buồn vì sức mua đột ngột giảm, giá bán hạ. Nhưng bây giờ chúng tôi không buồn nữa, phải đủ bản lĩnh để mưu sinh hàng ngày. Chúng tôi tin sự thật vẫn là sự thật, cá Thạch Kim đã thành thương hiệu, lẽ nào khách hàng lại quay lưng. Dầu kẻ xấu cố tình kích động, nhưng phá làm sao được sức mạnh của lòng dân”.
Ông Hòa tâm sự tiếp: “Tôi là một ngư dân bình thường nhưng tôi thật sự xúc động trước nghĩa cử của cấp trên. Đảng đã đến cùng dân trong lúc gặp rủi ro, hoạn nạn. Từ những bao gạo cho từng gia đình đến chính sách mới thu mua nguồn hải sản sạch, hay hỗ trợ vốn kích cầu tiếp sức cho con thuyền… càng làm ngư dân Thạch Kim vững tin hơn”.
Thuyền neo đậu trên cảng Cửa Sót. Ảnh: Mạnh Hà
Tôi tới thăm các chủ kho đông lạnh Tứ Toàn, Nguyệt Quyền, Huyền Thanh... Trên gương mặt các bà chủ kho đã tươi tắn trở lại. Chị Trần Thị Tứ vui vẻ: “Đã hơn 10 ngày qua, đều đặn gia đình em thu mua mỗi ngày từ 4-6 tấn mực cho bà con ngư dân đánh bắt về. Nhà có 2 kho cấp đông lớn đủ chứa 200 tấn hải sản. Em chỉ mong sao khách xa gần chớ hoài nghi, đồng hành để chúng em tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất”.
Bà Phạm Thị Nhơn - Giám đốc HTX Chế biến thủy sản Thiên Phú, suốt ngày tất bật với chuyện xuất nhập hải sản cho các thành viên trong đơn vị chia sẻ: “Không lẽ trong lúc khó khăn mình lại chịu bó tay. Mình sẽ đồng hành cùng dân tháo gỡ, không để dân thất vọng vì hàng bị trễ hay không có người thu mua”.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn