Sông Lô đang bị bằm nát: Cuộc chiến giữa đôi bờ Vĩnh - Phú

Thứ hai - 05/06/2017 08:46
Được thiên nhiên ban tặng trữ lượng cát vàng cực đẹp, giá cả đắt đỏ nên sông Lô không khác gì kho báu khổng lồ khiến giới khai thác cát sỏi không thể ngồi yên.

Thủ đoạn, triền miên và bền bỉ. Trộm cắp có, núp bóng dự án có, lợi dụng giấy phép có, người ta đã tìm đủ mọi cách để móc ruột dòng sông, kể cả việc đè lên luật pháp. Dường như dòng sông không có lấy một ngày yên ả.

Và thời điểm này, khi hoạt động khai thác cát được đánh giá siêu lợi nhuận, không thua mấy so với buôn ma túy, cũng chính dòng sông Lô đang chứng kiến biết bao bi kịch của những ngôi làng ở hai bên bờ.

Không biết tự bao giờ, khúc sông Lô phân định ranh giới hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc biến thành đại công trường khai thác cát rầm rập suốt ngày đêm. Chỉ biết, dưới sông, tàu cuốc, tàu hút miệt mài bới múc tài nguyên, còn hai bên bờ, những cuộc chiến dai dẳng giờ đã lên đỉnh điểm.  

Vĩnh Phúc làm Phú Thọ chịu

Năm 2014, khi Bộ GTVT giao cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Cục ĐTNĐ) ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp thực hiện các dự án khơi thông luồng lạch theo hình thức xã hội hóa, hàng loạt doanh nghiệp đã chồng hồ sơ lên Cục ĐTNĐ bằng mọi giá xin xuống sông Lô thực hiện dự án.

Người dân xã Bình Bộ canh giữ cát tặc

Ngay từ thời điểm ấy, Báo NNVN đã có hàng loạt bài viết cảnh báo vấn nạn lợi dụng dự án để khai thác cát trái phép, thuê bảo kê tranh giành ranh giới và ngăn chặn người lạ xuống sông. Mặc dù vậy, cuối cùng các doanh nghiệp gồm Cty xây dựng và thương mại Linh Hải và Cty TNHH xây dựng và phát triển hạ tầng Vân Hội vẫn được thực hiện dự án trong nhiều năm liền.

Kể từ khi có chủ trương khơi thông luồng lạch, khúc sông Lô này chẳng khác gì một đại công trường. Rất nhốn nháo, bất cập và nhiều phức tạp. Cộng thêm cả những doanh nghiệp được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp mỏ, nhiều thời điểm, chỉ một khúc sông nhưng có tới hàng trăm chiếc tàu các loại hoạt động liên tục bất kể ngày đêm. Dòng sông Lô dường như hung hãn hơn trước tiếng gầm rú rung trời của hàng trăm loại động cơ, máy móc. Gần khu vực dự án, có những chỗ bị ngoạm vào sát chân đê, vượt qua cả mốc chỉ giới an toàn.

Và hệ lụy đến nay đã rõ. Hai bờ sông Lô, nhân dân các ngôi làng thuộc huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) và huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đang phải sống trong cảnh không khác gì thời loạn lạc.

Xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, một trong những xã nằm chạy dọc theo bờ sông Lô. Người dân xứ này thuần nông, và có lẽ, họ sẽ sống yên ổn như bao vùng quê khác nếu phía ngoài bãi sông không có những vỉa cát khổng lồ nằm dưới những bãi soi đất màu.

Câu chuyện thời sự nhất trong thời gian này là việc giữ đất, chống tàu trộm cát. Làng trên, xóm dưới, từng tốp nhân dân được các tổ, các khu cắt cử thay phiên nhau ra bờ sông canh đất. Hễ thấy tàu từ phía bên kia sông thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc có dấu hiệu lấn sang thì hô hào để người làng ra truy đuổi. Thậm chí, ban đêm cũng phải mang chăn chiếu ra nằm canh giữ.

Cán bộ khu dân cư số 3 dẫn chúng tôi ra bãi sông, nơi một tốp người làng đang lập chốt canh như thế. Những ánh mắt mệt mỏi vì thiếu ngủ nhưng thường trực nhìn ra sông không một phút lơ là, còn nỗi bức xúc cứ dâng trào như hơn cả dòng chảy sông Lô mùa nước lũ. Giữa sông, tàu bè rầm rập khai thác cát. Tiếng máy gầm rú, tàu bè nườm nượp khai thác, vận chuyển không khác gì một đại công trường. Trơ lì như thể muốn thách thức thêm nỗi căm hận của người dân Bình Bộ.

Đại công trường khai thác cát trên sông Lô
Người Bình Bộ nói, chính nạn khai thác cát khiến họ mất gần 20ha đất phù sa màu mỡ xuống sông Lô. Chỉ một vài năm trước, khoảng cách từ chân đê ra mép nước dài khoảng 300m, trong đó diện tích giao cho dân canh tác 270m, vậy mà bây giờ chỉ còn lại chưa đây 50m. Dù sổ đỏ vẫn trong tay nhưng nhiều chục hộ dân đã mất đất canh tác. Và, nếu dân không quyết tâm giữ thì có lẽ bây giờ đã không còn một tấc đất nào nữa.

Vấn nạn khai thác cát ám ảnh Bình Bộ từ nhiều năm trước, đến nỗi, nguyên Chủ tịch UBND xã từng nhận án tù 20 năm vì dám bảo kê tống tiền doanh nghiệp. Nhưng bi kịch thực sự mới chỉ bắt đầu từ mấy năm nay.

Đặc biệt là năm 2014 khi địa phương này nhận được thông báo phía tỉnh Vĩnh Phúc và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho phép Cty TNHH xây dựng và phát triển hạ tầng Vân Hội thực hiện dự án khơi thông luồng lạch kết hợp tận thu cát sỏi.

Chứng kiến thực trạng tàu khai thác cát từ Vĩnh Phúc đánh sang tàn phá các bãi soi trồng hoa màu, người Bình Bộ không chỉ lập chốt canh giữ mà liên tục có đơn thư cầu cứu khắp các cấp.

3 chi bộ các khu có diện tích đất ở bãi soi tổ chức 4 cuộc họp khẩn rồi kiến nghị lên cấp trên nhưng kết quả chỉ nhận được duy nhất một công văn của tỉnh Phú Thọ về việc chuyển đơn cho huyện Phù Ninh giải quyết.

Cực chẳng đã, người dân phải tự sắm phương tiện truy đuổi, vây bắt cát tặc. Đỉnh điểm vào ngày 21/11/2016 dân làng tổ chức bắt giữ một chiếc tàu cẩu và một chiếc tàu vận chuyển đang đánh cát ở bãi soi của xã.

Việc bắt giữ lập tức có hiệu quả. Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ và Bí thư Huyện ủy Phù Ninh về xã tổ chức đối thoại với người dân. Bao nhiêu cam kết được đưa ra, kể cả câu nói quen thuộc rằng không dẹp được nạn cát tặc sẽ cởi áo về vườn, vậy mà khi dân bàn giao lại tàu khai thác cát trái phép cho công an thì bị mất một cách rất khó hiểu.

Người dân xã Bình Bộ canh giữ cát tặc

Trời tối, dân không cảnh giác là hút

“Dự án được cấp bên phía sông của tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đêm đến lại thấy tàu thuyền kéo sang Phú Thọ hút cát. Những chiếc tàu khai thác bị tháo biển số đăng ký, buộc dây neo vào đầu tời phía bên kia sông. Cứ nhằm trời tối, dân mất cảnh giác lại đánh sang khai thác, gặp dân chống cự lại tời về. Liên tục suốt một thời gian dài như thế thử hỏi đất đai nào chịu cho nổi”, bà Lê Thị Huyền, một người dân ở khu dân cư số 10 (xã Bình Bộ) kể bằng giọng không thể bức xúc hơn.

“Sau khi công an tiếp nhận việc giữ tàu, họ lập chốt canh, kéo điện sáng trưng cả một khúc sông. Nhưng được vài ba hôm, tự nhiên dân làng thấy ngoài sông tắt điện, kéo nhau ra thì không còn nhìn thấy tàu đâu nữa. Hỏi các chú công an thì các chú ấy nói mất rồi.

Nói thật chứ dân mất trộm con gà công an còn bắt được nữa là cả cái tàu cát. Trạm trên không bắt thì trạm dưới bắt được chứ sao. Nhưng rồi tàu vẫn bị mất như thường. Dân tôi đồn, tàu có cổ phần của lãnh đạo nên mới mất dễ dàng như thế”, người Bình Bộ thay nhau kể và đặt ra những nghi vấn.  

Phú Thọ cũng phải “cầu cứu” Trung ương

Sự kiện UBND tỉnh Bắc Ninh có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ vì các dự án nạo vét khơi thông luồng lạch kết hợp tận thu cát sỏi dường như là đỉnh điểm của vấn nạn núp bóng dự án của Bộ GTVT để khai thác cát sỏi trái phép. Nhưng ít ai biết rằng UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã kêu cứu từ năm ngoái.

Tiếp nhận những nguồn tin phản ánh của người dân và các ban ngành chức năng về thực trạng tàu hút, tàu cuốc thuộc các dự án phía sông Lô Vĩnh Phúc liên tục lấn sang Phú Thọ, giữa năm 2016, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét dừng toàn bộ các dự án nạo vét luồng đường thủy quốc gia, tận thu sản phẩm các đoạn cạn trên sông Lô thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh giáp ranh.

Văn bản nêu rõ: Nhân dân và các ngành chức năng của tỉnh Phú Thọ cho biết có một số phương tiện tàu, cẩu lợi dụng việc nạo vét lòng sông Lô phía tỉnh Vĩnh Phúc có hiện tượng di chuyển sang địa phận tỉnh Phú Thọ để khai thác cát sỏi trái phép.

Khai thác cát đe dọa các công trình đê kè ở sông Lô

Việc này đã gây ảnh hưởng môi trường, thất thoát tài nguyên, khoáng sản, mất an toàn đê điều, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và gây bức xúc trong nhân dân. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, ra hiện trường thì các phương tiện lại nhổ neo cho tàu di chuyển về phía tỉnh Vĩnh Phúc và không khai thác nên không đủ cơ sở và thẩm quyền để xử lý.

Cùng chung cảnh bị tàu khai thác cát từ Vĩnh Phúc sang đánh trộm, nhưng khác với người dân Bình Bộ, người dân xã Vĩnh Phú (huyện Phù Ninh) quyết liệt hơn nhiều.

Bằng việc huy động mỗi gia đình đóng góp 300 ngàn đồng, người dân thôn Long Châu đã bắt quả tang 4 chiếc tàu khai thác cát sỏi ngoài chỉ giới của DN Thái An bên Vĩnh Phúc sang đánh cát trộm. Sau rất nhiều lần răn đe nhưng không có kết quả, tháng 4/2016, người dân trong thôn đã tổ chức theo dõi và bắt giữ hai chiếc tàu khai thác của DN Thái An.

Theo người dân địa phương đây chính là những chiếc tàu thường xuyên hút, nạo vét trộm cát sỏi trên dòng sông Lô gây sạt lở đất đai sản xuất. Quá bức xúc, ngay buổi chiều hôm đó người dân địa phương đã dội xăng đốt cháy một tàu cuốc của DN này.

Theo Hoàng Anh Báo Nông nghiệp

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây