Người dân chen chúc nhau làm giấy thông hành ở Phòng QLXN cảnh CA Nghệ An. Ảnh: V.T
Đua nhau đi tìm việc Vào những ngày này, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an tỉnh Nghệ An chật kín người. Chỉ tính riêng các dịch vụ như trông giữ xe, chụp ảnh hộ chiếu, viết hộ tờ khai... cũng đã thu bạc triệu mỗi ngày. Cơ quan công an đã phải "trưng dụng" luôn cả nhà xe để làm nơi nhận thủ tục cấp giấy thông hành sang Lào cũng không thể tiếp hết lượng người mỗi lúc một đông.
Anh Đặng Văn Kỳ ở huyện Yên Thành cho biết: Hôm nay anh đi làm giấy thông hành cho một số LĐ mà anh vừa tuyển được để sang làm thợ xây. Anh Kỳ vốn là nông dân, đi làm thợ hồ lâu ngày bên Lào, nay nhận thầu được một số công trình nên tuyển người sang làm. Theo anh Kỳ, bên Lào dễ tìm việc hơn, tiền công cũng cao hơn làm trong nước. Vả lại, chỉ mất một ngày là có thể về tới quê, nếu có việc cần về. Do vậy mà người dân sang Lào làm ăn ngày một nhiều.
Vẫn lo ngại rủi ro Em Nguyễn Văn Hợi ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) cũng cho biết: Từ năm ngoái, tốt nghiệp THPT xong, không có việc làm nên em đã theo người làng sang Lào làm ăn. Hợi đi theo đường cửa khẩu Nậm Cắn, làm thợ hồ ở tỉnh Xiêng Khoảng, tiền công tuy có thấp hơn ở Viêng Chăn nhưng thuận tiện đi về, sáng lên xe khách ở Lào, chập chiều đã có mặt ở nhà. Hợi nói: Đúng là công việc thì nhiều, tiền công cao hơn làm thợ hồ trong nước, nhưng LĐ tự do rất nhiều rủi ro. Nói là làm cho chủ thầu nhưng thực ra cũng là thợ xây, do quen biết mà họ nhận được công trình rồi thuê mình làm công, không hợp đồng, không cam kết gì cả. Lỡ bị tai nạn, hay bị quỵt tiền thì tự mình phải chịu. "Nhưng mà không đi thì biết làm gì. Thôi thì có việc làm, có thu nhập là tốt rồi" - Hợi nói.
Đúng như Hợi nói, rất nhiều rủi ro đang rình rập NLĐ, thậm chí đã có những cái chết hết sức thương tâm. Cách nay chưa lâu, rạng sáng 18.12.2012, một vụ lật xe ở thị xã Pake, thuộc tỉnh Champasak đã làm 10 người dân thuộc hai xã Nam Thanh và Vân Diên của huyện Nam Đàn (Nghệ An) thiệt mạng, 5 người khác bị thương. Những người dân này, trong lúc nông nhàn, được anh Trần Bá Anh - người cùng quê - tuyển sang làm thợ xây. Ra đi những mong kiếm thêm thu nhập, đỡ đần gia đình. Tai họa ập xuống, người mất mà chẳng có ai chịu trách nhiệm cả, đã mất người, gia đình lại thêm kiệt quệ.
Anh Nguyễn Thanh An, ở xã Liên Thành huyện Yên Thành (Nghệ An) - người đã có gần 20 năm làm ăn ở Lào - cho biết: Ở Lào người ta xây dựng nhiều, từ nhà riêng đến các công trình công cộng, do vậy mà rất cần thợ hồ. Các công trình lớn thì chủ yếu là người Trung Quốc trúng thầu, mình chỉ làm những công trình nhỏ, hoặc là thầu lại nhân công. Tuy thế, thu nhập cũng khá, người làm việc chăm chỉ có thể kiếm được gần 10 triệu đồng/tháng, còn bình thường cũng có 5 triệu đồng.
Anh Lê Văn Tư ở huyện Diễn Châu, đã từng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Nhưng vì tiền công cơ khí quá thấp nên anh đã bỏ về để sang Lào làm ăn. Theo anh Tư, không chỉ làm việc ở Lào cho thu nhập cao hơn mà cả tinh thần cũng thoải mái hơn.
Trong lúc đó, đại diện lãnh đạo Sở LĐTBXH Nghệ An cho biết, đây là LĐ tự do, không qua cấp phép nên sở không nắm được. Vị đại diện cũng rất chia sẻ với những NLĐ này vì có rất nhiều rủi ro đối với họ khi mà LĐ không có hợp đồng, không có người đại diện...
Không chỉ sang Lào làm thợ hồ, mà người dân nhiều xã ở Nghệ An như Đô Thành (Yên Thành), Diễn Tháp, Diễn Hồng (Diễn Châu) còn rủ nhau sang Lào buôn bán, trao đổi hàng hóa, thu mua phế liệu...
Theo http://laodong.com.vn