Bộ phận "một cửa" Sở KH&ĐT Hà Tĩnh kiên quyết không đăng ký kinh doanh cho những cá nhân thiếu hồ sơ không có trong quy định

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, thời gian qua Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã tự dựng lên một số “rào cản” pháp lý trong thủ tục hành chính trái với Luật liên quan đến việc các cá nhân, tổ chức đăng ký thành thành lập mới doanh nghiệp hoặc đăng ký bổ sung ngành nghề có ngành nghề xây dựng. 

Cụ thể, Sở này đã yêu cầu phía cá nhân, tổ chức khi đăng ký thành lập doanh nghiệp mới hoặc bổ sung ngành nghề mới trong lĩnh vực xây dựng, ngoài các ngành nghề thuộc lĩnh vực gồm: Giám sát thi công công trình xây dựng; Khảo sát xây dựng; Thiết kế xây dựng công thì khi đăng ký các ngành nghề khác như: Xây dựng nhà các loại; Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng; Hoạt động xây dựng chuyên dụng,… phải “thêm điều kiện” là có bản sao y bằng Đại học xây dựng với chuyên ngành tương ứng và phải có bản gốc để đối chiếu, nếu không có hoặc ngành nghề không trùng với bằng thì doanh nghiệp không được đăng ký.

Cùng với nhu cầu cung ứng hàng hóa, hoạt động dịch vụ ở khu vực các Khu kinh tế như: Khu Kinh tế Vũng Áng, Khu Kinh tế Cầu Treo thì nhu cầu thành lập mới doanh nghiệp tại tỉnh Hà Tĩnh cũng diễn ra nhiều. Tuy nhiên, khi người dân đến thành lập doanh nghiệp trong phạm vi các Khu kinh tế trên thì ngoài giấy tờ quy định tại Luật Doanh nghiệp, Nghị định 43/2010/NĐ - CP thì Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh buộc doanh nghiệp phải cung cấp thêm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cho phép thành lập doanh nghiệp. Điều kiện này được xem là không thể thiếu. Đối với những trường hợp này, thời gian thành lập doanh nghiệp cũng theo đó mà kéo dài có thể 15 đến 30 ngày, phụ thuộc vào sự trả lời của các Ban quản lý Khu kinh tế. Điều này trái quy định của Nghị định 43/2010/NĐ - CP quy định thời hạn giải quyết hồ sơ thành lập doanh nghiệp là trong thời hạn 07 ngày.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Sơn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: “Chúng tôi cũng đã nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp liên quan tới những điều kiện mới khi thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng như điều kiện đăng ký ngành nghề kinh doanh, cụ thể như phải trình thêm các văn bằng chứng chỉ hành nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh ngoài những văn bằng chứng chỉ hành nghề đã có trong quy định chung. Nhiều doanh nghiệp phản ứng, cho rằng đó là trái Luật. Thực chất, thêm những điều kiện trong đăng ký thành lập doanh nghiệp khiến doanh nghiệp bức xúc đó là chúng tôi cũng căn cứ theo các Quyết định số 39 năm 2012 của UBND tỉnh, Quy chế phối hợp số 669 của UBND tỉnh trong lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng. Trước những phản ánh của phía doanh nghiệp, chúng tôi cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh, và sắp tới đây những văn bản trái Luật sẽ được bãi bỏ. UBND tỉnh muốn chặt chẽ hơn trong công tác giám sát, quản lý nên mới đưa ra những văn bản phối hợp, quy định thêm như vậy”.

Nói như ông Sơn, nghĩa là những “điều kiện” mà Sở KH&ĐT yêu cầu người dân, tổ chức khi tới đăng ký thành lập doanh nghiệp mới phải có thêm ngoài quy định Luật doanh nghiệp là do UBND tỉnh Hà Tĩnh đặt ra.

Tại cuộc trao đổi, ông Sơn cũng thừa nhận, những việc đó là không phù hợp, đối với văn bằng thuộc lĩnh vực đã được Luật quy định thì cũng đã khá chặt chẽ. Và việc UBND tỉnh Hà Tĩnh cần rà soát lại, bãi bỏ những văn bản chưa phù hợp với Luật, chưa thực tế là điều hết sức đúng đắn.

Thể hiện quan điểm về “hàng rào” thủ tục pháp lý thêm mới của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu trên, Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng văn phòng Luật sư An Phát (Hà Tĩnh) cho rằng: “Căn cứ theo Luật xây dựng, có 03 loại ngành nghề cần có chứng chỉ ngành nghề gồm: Giám sát thi công công trình xây dựng; Khảo sát xây dựng; Thiết kế xây dựng công trình thì buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Các ngành nghề còn lại trong lĩnh vực xây dựng ngoài các giấy tờ quy định tại Luật doanh nghiệp, Nghị định 43/2010/NĐ - CP, ngày 15/4/2010 của Chính phủ, Nghị định 05/2013/NĐ - CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 43/2010/NĐ - CP quy định thì không buộc nộp thêm giấy tờ gì khác khi đăng ký doanh nghiệp mới”.

Việc thêm những thủ tục hành chính nói trên của UBND tỉnh Hà Tĩnh không chỉ là vấn đề đi ngược lại với những quy định của Luật, mà còn vô hình chung đi ngược lại chủ trương của Chính phủ trong việc xu hướng giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, hết sức tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp. Hơn thế đó là đi ngược lại với những ưu ái mà Chính phủ dành cho các doanh nghiệp thành lập trong các Khu kinh tế để tạo đà phát triển tại các Khu kinh tế. 

“Chúng tôi năm lần bảy lượt nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp lên Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh, thế nhưng đều bị trả lại và yêu cầu thêm những thủ tục hành chính không có trong Quy định của Luật. Việc làm đó là gây phiền hà cho chúng tôi, đó là điều không cần thiết. Hơn nữa, quá trình tiếp nhận đến việc trả hồ sơ lại phía Sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cũng không thực hiện bằng văn bản theo quy định, mà chỉ trả lời bằng miệng những thắc mắc của chúng tôi, kiểu làm việc như vậy là không được”, nhiều doanh nghiệp phản ứng gay gắt khi phóng viên đề cập đến vấn đề này.

Thực hiện quản lý chặt chẽ đối với cách doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thiết nghĩ, đó không phải là việc thực hiện chặt chẽ các thủ tục, thêm nhiều thủ tục hành chính không bắt buộc, trái Luật khi cá nhân, tổ chức đến làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Mà cốt lõi nằm ở chỗ giám sát, quản lý trong quá trình doanh nghiệp hoạt động, thực hiện tốt công tác hậu kiểm, giám sát hoạt động của doanh nghiệp thường xuyên theo quy định. Có làm tốt công tác này thì mới đảm bảo được việc các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh luôn hoạt động đúng Luật và phát triển.

Mong rằng UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ nhanh chóng xử lý nội dụng mà doanh nghiệp phản ánh, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, cũng như thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ trong công tác. Tránh việc vừa kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, thành lập doanh nghiệp tại các Khu kinh tế, vừa ban hành những văn bản không phù hợp với Luật, khiến doanh nghiệp bất bình, gặp khó khăn, dẫn tới hiện tượng “gậy ông đập lưng ông”, chồng chéo trong công tác quản lý, điều hành.
 
Theo Hoàng Phạm phương nam