Mạch ngầm thất thoát, lãng phí

Thứ hai - 05/06/2017 08:49
Thất thoát, lãng phí vốn nhà nước đầu tư xây dựng các công trình cơ bản như mạch ngầm vẫn chảy. Vụ làm kênh 27 triệu đồng, nhưng hồ sơ quyết toán khai khống… hơn 1 tỉ đồng vừa bị phanh phui tại xã Ia Peng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai là một ví dụ.
Có lẽ vụ việc đã không bị phát giác khi lãnh đạo xã này có sự điều chuyển nhân sự. Ông chủ tịch xã mới về nhậm chức đã tá hỏa khi thấy mình tiếp nhận cả khoản nợ to tướng. Bởi trên thực tế, hồ sơ nghiệm thu và đề xuất quyết toán đã được phê duyệt.


Nhắc đến thất thoát, lãng phí vốn đầu tư xây dựng cơ bản phải kể đến ở tất cả các khâu, từ chủ trương đầu tư, khảo sát thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng, chọn nhà thầu, thi công xây lắp... đến khâu nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.

Mặc dù chưa có một cơ quan, tổ chức nào đưa ra được tỷ lệ hay số liệu chính xác về thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản là bao nhiêu. Những con số dự tính thất thoát từ 10%, 20% hay 30% theo nhận định của các chuyên gia đều chưa được kiểm chứng trên thực tế. Song, với từng dự án cụ thể, như dự án ở xã Ia Peng đã có thể kiểm đếm được.

Còn nhớ, tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lúc ấy đã xót xa thốt lên rằng, dự án kênh mương thủy lợi đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng chỉ thiếu trục kênh dẫn nước mà phải đắp chiếu vì thiếu vốn. Đó cũng là một dạng lãng phí.

Trên diễn đàn Quốc hội khóa XIII, không ít đại biểu trăn trở về vấn đề này. Trong phiên chất vấn gần đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc (tỉnh Hà Tĩnh) đã đặt câu hỏi cho 3 bộ liên quan đó là các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng. Đại biểu đề nghị các Bộ tính toán, định lượng những thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng các công trình sử dụng vốn nhà nước.

Theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nếu cộng các số liệu do Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và thanh tra của các bộ, ngành thì có thể ra con số thất thoát lãng phí, tuy nhiên con số này không đủ. 

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư khi đó cũng phải thừa nhận: “Chúng ta thống nhất với nhau là cái này lớn nhưng lớn bao nhiêu, định lượng được trên tất cả các lĩnh vực thì không phải đơn giản. Nếu nói có thể tính được không thì 3 Bộ có thể làm được điều đó, tất nhiên chỉ ở mức độ nhất định, song phải có thời gian”. Như vậy, vẫn chưa có câu trả lời vì... phải chờ.

"Sử dụng vốn tiết kiệm và hiệu quả"- Đó là phương châm thuộc nằm lòng của những người làm công tác tài chính- ngân sách, cũng như yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư phải thực hiện. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn có khoảng trống.

Hành lang pháp lý đồng bộ đã hoàn thiện là cơ sở vững chắc để siết lại kỷ luật ngân sách trong chi tiêu công. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Ðấu thầu (sửa đổi), Luật Ðất đai (sửa đổi); Luật NSNN (sửa đổi), Luật Ðầu tư công... được ban hành mới và sửa đổi cho phù hợp thực tiễn sẽ có đủ sức mạnh để siết chặt lại các quy định, góp phần sử dụng vốn nhà nước hiệu quả. 

Trở lại câu chuyện ở xã Ia Peng. Người đứng đầu gian dối, "ăn" tiền thuế của dân sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tham nhũng, lãng phí là có tội với nhân dân.

Theo Báo Hải quan

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây