Lãng phí tiền tỷ tại dự án bãi rác Lộc Hà

Thứ tư - 02/05/2018 12:58
Đưa vào sử dụng đến nay mới chỉ hơn 2 năm, nhiều hạng mục của dự án bãi xử lý rác thải huyện Lộc Hà đã hư hỏng, xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả

Hệ thống mái taluy dương của dự án bãi xử lý rác đã bị nứt toác, sập, sạt lở nghiêm trọng

Dự án bãi xử lý rác thải huyện Lộc Hà (huyện nằm ven cửa biển của tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng tại khu vực Khe Cấy (xã Hồng Lộc) với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, đưa vào sử dụng đến nay mới chỉ hơn 2 năm, nhiều hạng mục của dự án đã hư hỏng, xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả.

Lãng phí hàng chục tỷ đồng


Dự án có vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng, do Công ty CP Xây dựng Liên Minh thi công trên diện tích 5ha, được khởi công xây dựng từ năm 2014, gồm các hạng mục như: hồ chôn lấp rác, hồ chứa nước rỉ rác, hồ sinh học, hệ thống cấp - thoát nước, bãi phân loại rác, bãi chứa đất phủ rác, đường giao thông nội bộ, điện chiếu sáng, nhà làm việc, nhà ở cán bộ nhân viên, nhà để xe, kho chứa hóa chất… Dự án đã góp phần giải quyết tốt các vấn đề về rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường cho 13 xã trên địa bàn (trong đó chủ yếu là các xã nằm dọc ven biển) và một số xã vùng phụ cận… Đầu năm 2015, dự án cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, đến tháng 5-2015, huyện Lộc Hà đề xuất Sở Xây dựng bổ sung thêm hạng mục hệ thống ốp bê tông vào mái taluy sát chân đồi.

Thế nhưng, mới chỉ hơn 2 năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục của dự án đã bộc lộ hoạt động kém hiệu quả, hư hỏng xuống cấp, thậm chí gây lãng phí khiến người dân bức xúc. Ngày 27-6, có mặt tại dự án bãi xử lý rác huyện Lộc Hà, chúng tôi chứng kiến bên trong có nhiều hồ tập kết rác lớn được phủ bạt chống thấm màu đen, một số vị trí bạt chống thấm đã bị rách từng mảng...; cạnh đó có 3 dãy nhà cấp 4, một nhà bảo vệ lợp mái tôn được xây dựng mới kiên cố, khang trang, tuy nhiên từ lâu nay các cửa phòng đều khóa chặt và vắng bóng người, bên trong bàn ghế và các vật dụng bị bụi và mạng nhện bám… Tại hệ thống mái taluy dương đổ bằng bê tông dày khoảng 5cm, chiều dài 200 - 300m, cao hơn 2m, nằm áp sát dưới chân đồi, xuất hiện chi chít đường nứt gãy ngang dọc, nhiều vị trí bê tông đã bị sập, sụp lún, sạt lở từng mảng và khoét hàm ếch rất nghiêm trọng, kéo dài nhiều mét; hệ thống mương thoát nước cũng bị đất đá vùi lấp… 

Đặc biệt, tại khu vực nhà để xe có một chiếc xe chuyên dụng dùng để thu gom, chở và ép rác (gọi là xe ép chở rác) được đầu tư hơn 1 tỷ đồng, tuy nhiên kể từ khi mua về đến nay đã hơn 2 năm vẫn đang bị “đắp chiếu”.

Đầu tư mà không thể sử dụng

Trao đổi với chúng tôi, ông Đạt, cán bộ Ban Xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà (đại diện chủ đầu tư) cho biết, giai đoạn đầu khi tiến hành thi công xây dựng hệ thống mái taluy của dự án, cũng đã tính toán đến các yếu tố tác động, nhưng để xây dựng kiên cố cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi đó nguồn kinh phí của địa phương không có. Sau khi dự án hoàn thành được 1 năm, hệ thống mái taluy này vẫn đảm bảo an toàn, nhưng sau đó do nước đổ từ trên đồi xuống mạnh, bản chất đất ở khu vực yếu dẫn đến xói mòn và làm mái taluy bị nứt nẻ và sạt lở. Để đảm bảo an toàn cho công trình, trước mắt cũng chỉ là sửa chữa khắc phục tạm thời, còn về lâu dài đang tính toán lập phương án cụ thể để trình lên UBND tỉnh và Sở Xây dựng xin tiếp tục đầu tư kinh phí (ước tính khoảng 15 tỷ đồng) để xây dựng lại mái taluy dương mới kiên cố, bằng cách đúc mái dầm chịu lực, ghép bê tông, tạo các rãnh thoát nước… Lý giải về việc mua xe ép chở rác trị giá hơn 1 tỷ đồng nhưng không sử dụng, một cán bộ Ban Xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà cho biết, do các cơ sở gom rác tại các xã trên địa bàn chưa có thùng rác đồng bộ để ráp vào xe chuyên dụng nên chiếc xe bị bỏ không.

Ông Phan Văn Hồng, cán bộ hợp đồng của Ban quản lý (BQL) cụm công nghiệp huyện Lộc Hà (đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành bãi rác), thừa nhận, việc xe ép chở rác chưa sử dụng đúng là lãng phí. Hiện BQL đang đề xuất huyện, để sử dụng xe ép rác, các HTX tại 13 xã trên địa bàn huyện cần phải có các thùng đựng rác đồng bộ, đúng kích cỡ. Trước mắt, để xe đỡ hư hỏng, hàng tuần đơn vị sẽ cho nổ máy xe (!).

Đề cập về dự án bãi xử lý rác được đầu tư xây dựng quy mô, với hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, nhưng lại không sử dụng hết công năng, ông Hồng cho biết, hiện tại đơn vị được giao quản lý vận hành bãi rác gồm có 5 người (trong đó có 1 lái máy, 2 bảo vệ, 1 phun thuốc dọn rác, 1 quản lý), nhưng đơn vị chỉ ký hợp đồng làm việc từng tháng với BQL cụm công nghiệp, do đó với cơ sở hạ tầng hiện tại rõ ràng là có sự lãng phí.

Với những bất cập trên, các cơ quan chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà cần khẩn trương vào cuộc để dự án bãi xử lý rác huyện Lộc Hà thực sự mang lại hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Theo Dương Quang SGGP

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây