Hương Sơn (Hà Tĩnh): Thu nhập hàng trăm tỷ đồng từ nghề nuôi hươu lấy nhung

Thứ tư - 02/05/2018 18:44
Nghề nuôi hươu lấy nhung và cung cấp con giống tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) từng tồn tại hàng trăm năm nay, nhưng chưa bao giờ đem lại nguồn thu nhập cao như đầu năm 2018 này. Ước tính trên toàn huyện Hương Sơn vào thời điểm hiện tại thu hoạch được từ nghề nuôi hươi gần 150 tỷ đồng, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng ngàn lao động.

Cô Lê Thị Hương, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn đang chăm sóc đàn hươu nái

Tăng đàn

Mấy năm gần đây, đàn hươu ở huyện miền núi Hương Sơn, Hà Tĩnh tăng nhanh. Theo số liệu Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hương Sơn, tổng đàn hươu Hương Sơn có 32.500 con (tăng 1,5 lần so với năm 2015). Nghề nuôi hươu thăng trầm. Năm 2003, sau khi giá hươu nái tăng đột biến, khoảng 52 triệu/1 con nái 3 tháng tuổi, sau đó thị trường hươu bỗng đóng băng, nhiều người làm nghề nuôi hươu không còn mặn mà với nghề nữa.

“Mười  năm trở lại đây, con hươu trở về đúng thực giá trị. Nhung hươu được khách hàng lựa chọn để chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe nên sản phẩm nhung được tiêu thụ dễ dàng. Hươu giống có giá trị đích thực, không còn giá trị ảo như trước nên nghề nuôi hươu cho thu nhập khá, nhiều hộ gia đình đã  nuôi hươu xóa được đói, giảm được nghèo, nhiều hộ gia đình giàu lên nhờ nuôi hươu. Từ thực tiễn ấy, UBND tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Hương Sơn đã có chính sách “kích cầu” khuyến khích chăn nuôi hươu. Cụ thể, năm 2011 hộ gia đình nuôi 10 con được hỗ trợ  20 triệu đồng, hộ chăn nuôi đàn hươu từ 50 con trở lên được hỗ trợ 200 triệu đồng. Nhờ chính sách kích cầu ấy mà các mô hình chăn nuôi hươu phát triển”. Ông Lê Quang Hồ- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn chia sẻ.

Ngày xưa hươu được nuôi ở các xã Sơn Trung, Sơn Châu, Sơn Giang, Sơn Lâm, Sơn Ninh… nhưng hiện nay, hươu đã phát triển đến vùng sâu vùng xa . Những xã Sơn Kim1, Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng, Sơn Mai, Sơn Hàm cũng đã phát triển nghề nuôi hươu. Theo ông Nguyễn Song Hào- Chủ tịch UBND Sơn Trung, tại Sơn Trung có 500 hộ nuôi hươu và nghề nuôi hươu hiện nay là nghề phát triển kinh tế tương đối ổn định

Theo điều tra của PV, ở Hương Sơn có 450 mô hình nuôi từ 10 con  trở lên, trong đó có 5 mô hình nuôi 50 con  trở lên. Chị Trần Thị Tuyết (thôn Hải Thượng, xã Sơn Trung) có đàn hươu 100 con (50 con hươu đực lấy nhung và 50 con hươu nái giống). Xã nuôi hươu nhiều nhất là Sơn Trung có 3800 con, sau đó là xã Sơn Giang 2800 con, thứ 3 và xã Sơn Lâm, Sơn Ninh, Sơn Quang 2500 con mỗi xã.

Nằm dưới chân núi Giăng màn, phía Tây tỉnh Hà Tĩnh, nơi đây có điều kiện tự nhiên khí hậu nhiệt đới, Hương Sơn là địa bàn lý tưởng để nuôi hươu. Nguồn thức ăn tự nhiên (lá, cỏ ở trong rừng, ven sông suối, nguồn phế liệu từ sản phẩm nông nghiệp). Hiện nay đồng cỏ chăn nuôi ở Hương Sơn có diện tích 642 ha (tăng gấp đôi so với năm 2010). Do vậy, nghề nuôi hươu có thể chủ động về nguồn thức ăn.

 

Sản phẩm nhung hươi  Hương Sơn hiện tại có giá từ 9 triệu đến 1,1 triệu đồng/1kg

Tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Nhụy- chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn cho biết: “Tổng đàn hươu cả huyện Hương Sơn là 32.500 con, trong đó có 22.500 hươu đực, khoảng 20.000 con cho thu hoạch nhung. Nếu tính trung bình 0,55 kg/1 con thì tổng sản lượng nhung là 11 tấn, giá nhung hiện tại 10 triệu đồng/1 kg, ước tính thu hoạch từ nguồn nhung  khoảng 110 tỷ đồng. Ngoài ra đàn hươu nái ước tính 10.000 con, trong đó có khoảng 70% sinh sản sẽ có 7.000 con giống. Mỗi cặp giống 3 tháng tuổi giá hiện thời khoảng 10 triệu đồng trở lên, tổng thu nhập khoảng 35 tỷ”.

Cô Lê Thị Hương ( xã Sơn Lâm) có đàn hươu 50 con, mỗi năm cho thu nhập 250 triệu đồng. “Ngoài chăn nuôi hươu, gia đình chúng tôi còn làm nghề dịch vụ nhung hươu cũng như cung cấp hươu giống. Năm 2017, chúng tôi cung cấp cho khách hàng 120 cặp giống và vài tạ nhung, thu hoạch từ nguồn này cũng được vài ba trăm. Nhà cửa, tiện nghi sinh hoạt, con cái học hành, đầu tư phát triển kinh tế gia đình…đều  từ nguồn thu nhập chăn nuôi hươu".


Sản phẩm nhung hươu  Hương Sơn hiện tại có giá từ 9 triệu đến 1,1 triệu đồng/1kg

Để nghề nuôi hươu phát triển bền vững…

Mặc dầu thị trường nhung hươu và con giống đã trở lại, nhưng chủ yếu là thị trường nội địa. Sản phẩm nhung hươu chủ yếu tiêu thụ bằng hình thức thô chưa qua chế biến nhất là chế biến thành những bài thuốc có giá trị, vì vậy, nghiên cứu để sử dụng nhung hươu cần được khuyến khích và có sự phối kết hợp của các cấp các ngành nhất là của Hội đông y Hải Thượng Lãn Ông.

Hiện nay, UBND, Hội đồng nhân dân huyện Hương Sơn đang có chính sách khuyến khích “Doanh nghiệp, Hợp tác xã thu mua, chế biến nhung hươu trên địa bàn huyện. Mức hỗ trợ không quá 250 triệu đồng/ Doanh nghiệp, Hợp tác xã”, nhưng  chưa  thấy xuất hiện cơ sở chế biến trên đất Hương Sơn.

Hương Sơn là huyện có truyền thống nuôi hươu từ lâu đời. Nghề nuôi hươu chủ yếu bằng hình thức chăn nuôi gia đình, vì vậy, không thể tránh khỏi hiện tượng đồng huyết/ cận huyết. Vì vậy, cần quan tâm đến việc cải tạo nòi giống, kiểm soát phối giống cận huyết, bổ sung nguồn gien hoang dã, truy xuất nguồn gốc, loại bỏ dần hươu còi cọc khỏi đàn, xây dựng thương hiệu hươu Hương Sơn là giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để phát triển nghề nuôi hươu bền vững.

LÊ VĂN VỴ

Theo báo Dân sinh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây