Cơ quan BHXH huyện Đức Thọ
Tình trạng vi phạm Luật BHXH - BHYT trong các cơ quan, doanh nghiệp trên cả nước là chuyện "biết rồi, khổ lắm...", nhưng "vẫn phải nói" vì đang diễn biến phức tạp, nhiều dạng thức trong thời kì kinh tế suy thoái và những người lao động thấp cổ bé miệng lãnh hậu quả . Tamnhin.net khởi đăng loạt bài phản ánh tình trạng này và phân tích nguyên nhân từ nhiều phía, trong đó lưu ý trách nhiệm của các cơ quan chức năng và cùng tìm kiếm giải pháp nhằm góp tiếng nói đưa Luật BHXH - BHYT vào cuộc sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. |
DN “nói không” với cơ quan BHXH Trên địa bàn huyện Đức Thọ hiện có hơn 100 doanh nghiệp (DN), trong đó nhiều DN nợ đọng BHXH. Đến cuối tháng 3/2012, có 8 đơn vị nợ đọng BHXH ba tháng trở lên với số tiền lên tới 500 triệu đồng. Hiện cơ quan BHXH Đức Thọ đã khởi kiện một đơn vị (Trung tâm thừa kế y học cổ truyền) ra tòa, chuẩn bị khởi kiện một số đơn vị khác. Mặc dù các cán bộ BHXH rất tích cực vận động, đòi nợ, nhưng các DN tỏ ra không mấy mặn mà, thậm chí khó chịu khi thấy cán bộ BHXH xuất hiện.
Ông Nguyễn Hữu Bằng, Phó Giám đốc BHXH Đức Thọ cho biết: “Tình trạng DN nợ đọng BH khá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Chúng tôi chỉ là người đòi quyền lợi cho người lao động, nhưng cũng thấy khó. Nguyên nhân do DN gặp khó khăn, song cũng xuất phát từ tâm lý chây ỳ, thiếu trách nhiệm của DN. Nếu DN làm ăn khó khăn thì cần thực hiện các chính sách tinh giản lao động, cho thôi việc…theo quy định của pháp luật lao động. Còn nếu vẫn còn sử dụng lao động thì phải đóng nộp bảo hiểm”. “Điển hình” là Công ty CP Xây dựng và DVTM Sông La, có 63 lao động tham gia BHXH mà nợ đọng hơn 300 triệu đồng tiền BH.
Không chỉ nợ đọng bảo hiểm, nhiều DN còn “nói không” với BHXH – BHYT. Trong năm 2012, vẫn còn 24 DN “nói không” với các loại hình BH. Vận động mãi, mới có 9 DN tham gia, trong đó những DN khá “hoành tráng” nhưng chỉ có mỗi một giám đốc tham gia “cho có”.
Người lao động chịu thiệt thòi Không chỉ các DN mà còn nhiều cơ quan, đơn vị sự nghiệp không tuân thủ đúng Luật BHXH – BHYT và các quy định của pháp luật lao động. Hiện nay hầu hết các nhân viên phụ trách Bưu điện văn hóa xã chỉ được trả một mức lương quá thấp, không được tham gia BHXH. Hầu như các nhân viên bảo vệ trường học và một số cơ quan khác cũng được trả lương rất thấp và không được tham gia BHXH – BHYT. Đây là quyền lợi chính đáng của người lao động và là nghĩa vụ bắt buộc của người sử dụng lao động, thế nhưng hầu hết các vị đứng đầu cơ quan, DN đều coi đây như một kiểu “ban ơn”, thích thì cho, không thì thôi.
Theo thông báo của BHXH huyện Đức Thọ, đến tháng 3/2012, Công ty CP Xây dựng và DVTM Sông La, có 63 lao động tham gia BHXH, nợ đọng hơn 315 triệu đồng tiền BH. |
Người lao động ít hiểu biết về pháp luật, lại mang mặc cảm “thấp cổ bé họng” của người làm thuê nên không dám có ý kiến. Trong khi đó, tổ chức công đoàn hầu như không có tiếng nói bảo vệ quyền lợi người lao động. Ông Bùi Ngọc Nhật, Phó Liên đoàn lao động huyện Đức Thọ cho biết: “Hiện nay trên địa bàn có 109 DN nhưng chỉ có 4 tổ chức công đoàn. Do đó, tiếng nói của tổ chức công đoàn để bảo vệ đoàn viên lao động cũng chưa có sức nặng”.
Theo quy định, các hành vi vi phạm pháp luật về lao động, về Luật BHXH – BHYT đều đã có chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND huyện lên tới 30 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, trong khâu triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Ở cấp huyện muốn lập biên bản xử phạt phải thành lập đoàn thanh tra liên ngành. Cơ quan BHXH không có thẩm quyền xử phạt hành chính.
Được biết, mặc dù tình trạng vi phạm pháp luật về lao động trên địa bàn huyện Đức Thọ rất phổ biến nhưng cho đến nay cơ quan chức năng chưa xử phạt hành chính một đơn vị, DN nào.
Phải chăng do cơ quan chức năng chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến việc bảo vệ quyền lợi người lao động?
TheoTamnhin.net