Hà Tĩnh: Nhường đất cho dự án thép, dân bấp bênh trên khu tái định cư

Thứ tư - 07/06/2017 14:02
(Hatinhnews) - Để phục vụ dự án khu liên hiệp gang thép và cảng Sơn Dương - Formosa Hà Tĩnh, hơn 6.000 hộ của năm xã của huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phải di dời đến nơi ở mới nhưng cuộc sống hiện tại đầy bấp bênh, khó khăn….

Năm 2008, Tập đoàn kinh tế Formosa (Đài Loan) cho tiến hành triển khai dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương ở Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh) với số vốn đầu tư qua hai giai đoạn gần 15 tỉ USD. Đến năm 2009, Hà Tĩnh bắt tay vào một cuộc di dân chưa từng có trong lịch sử. Người dân 5 xã Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Thịnh Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Thịnh, Kỳ Liên, Kỳ Phương lần lượt lên ở trên 5 khu tái định cư nằm dưới dãy núi Hoành Sơn, được cho là “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.

Người phụ nữ này chứa chất nhiều lo lắng bởi cuộc sống bếp bênh. Ảnh chụp tại Khu tái định cư của xã Kỳ Phương. Ảnh: VĐ

“Nằm nghe đá thở”

Đến bây giờ 283 hộ dân ở xóm 10, xã Kỳ Lợi vốn sống quen với nghề chài lưới lại không ngờ bị di dời lên trên một ngọn đồi hoang sơ thuộc địa phận xã Kỳ Trinh. Khó khăn như bủa vây lấy họ khi nghề nghiệp không, một tấc đất làm hoa màu, làm lúa cũng không… Đi một vòng khu tái định cư, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những chị em phụ nữ vốn thạo đan vá lưới chài thì nay chỉ biết ngồi tựa cửa nhìn ra đường chờ chồng đi làm về. Thanh niên hầu như bỏ xứ đi tìm kế sinh nhai, còn lại lũ trẻ nheo nhóc ngồi nghịch đá, cát trên những bãi đất trống.

Trước đây, sống nhờ vào biển, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tiến (47 tuổi) luôn có đồng vào, đồng ra. Ngày nào biển động, chồng không đi biển thì chị chạy chợ còn kiếm đồng ra đồng bào lo áo quần, sách vở cho con cái đến trường, không phải lo lắng như giờ. Từ ngày lên khu tái định cư, hầu như chị ngồi bó gối nhìn đồi núi thở, còn chồng lúc chạy xe ôm, lúc đi phụ hồ được ba cọc, bà đồng chỉ đủ đong gạo, mua thức ăn. “Làm được nhà ở xem như tiền đền bù không còn một đồng. Tuổi như tui sống ở khu tái định cư rất khó tìm được việc làm, cuộc sống gia đình chỉ trông vào những ngày chồng đi làm thuê, làm mướn”, chị ngậm ngùi.

Đường dẫn vào nhà vợ chồng anh Trần Văn Thanh và chị Lê Thị Hồng Thuyết vẫn chưa hoàn thành khi nhà thầu bỏ bê công trình. Được 120 triệu đồng tiền đền bù, anh chị phải vay mượn thêm 60 triệu đồng mới làm được ngôi nhà xây. Nhưng mới ở hơn một năm, tường nhà rạn nứt vì nền đất khu tái cư có chất lượng lu lèn kém. Sống trong túng quẫn, không có việc làm anh Thanh thường tìm đến rượu để quên đi cuộc sống. Thương chồng con, chị Hồng đạp xe hàng chục cây số nhặt rác bán lấy lấy tiền đong gạo. Chị nói như khóc: “Không một ai muốn bỏ làng, bỏ biển lên đây sống. Việc làm không ổn định nên cuộc sống cứ bấp bênh mãi".

Ông Nguyễn Hồng Lam, bí thư, kiêm trưởng xóm 10, cho biết bà con xã Kỳ Lợi lên sống trên khu tái định cư ở Kỳ Trinh đã được gần bốn năm. Đời sống người dân gặp muôn vàn khó khăn khi Nhà nước chưa có một chính sách nào hiệu quả tạo việc làm cho người dân. Đến nhiều hạng mục ở khu tái định cư như: đường, điện chiếu sáng, nước ngọt sinh hoạt đang còn ngỗn ngang, dang dở. “Đất đai nông nghiệp không, người dân thất nghiệp đầy ra chỉ biết ngồi hóng gió Lào, nằm nghe đá thở. Đến chế độ chính sách cấp gạo cho người dân cũng bị cắt giảm. Khó mà nói hết nỗi vất vả của người dân”.

Dân đang chờ?

Khu tái định cư của bà con xã Kỳ Phương xem ra khang trang hơn khi đường xá, trường trạm được xây mới gần như đầy đủ. Nhưng không khí đìu hiu, buồn vắng ở đây không khác gì các khu tái định cư khác. Sáng sớm đàn ông đi lên thị trấn, khu công nghiệp tìm việc làm. Chị em phụ nữ lại tụ tập buôn “dưa lê” hết buổi vì không có việc gì làm.

“Mấy năm trước, cứ đến thời điểm này chị em chúng tôi đầu tắt mặt tối ngoài đồng áng. Giờ rảnh tay suốt ngày mà nẫu cả ruột gan”, chị Mai Thị Yến, 36 tuổi, ở xóm Quyết Tiết ngán ngẩm kể. Khi làng chưa di dời, kinh tế nhà chị Yến rất ổn định với nghề ngư - nghiệp. Hàng ngày chồng chị đi biển, chị ở nhà nuôi lợn, thả gà cho thu nhập khá. Sau gần bốn năm sống ở khu tái định cư, đến chăn nuôi cũng bị cấm vì chính quyền sợ gây ô nhiễm. Chồng chị nhiều lần muốn quay lại nghề của cha ông, nhưng không thể do biển quá xa nên đành chấp nhận chờ…

Khu tái định cư của ba con xã Kỳ Lợi ở địa phận xã Kỳ Trinh đang còn dang dở

Xã Kỳ Phương có 786 hộ sống ở khu tái định cư đều có hoàn cảnh như chị Yến. Mỗi hộ dân chỉ được cấp 400m2, cuộc sống khó khăn khi việc làm không, đất canh tác cũng không. “Những người trong độ tuổi lao động đa số thất nghiệp, một số ít đi làm thuê nhưng tạm bợ qua ngày. Hiện vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho các lao động ở tái định cư hiệu quả, người dân đang mong chờ Nhà nước có một luồng gió mới”, ông Trần Đình Thành - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương cho hay.

Hầu như lãnh đạo ở khu tái định cư nào, khi được hỏi về đời sống người dân đều có tâm trạng lo lắng như ông Trần Đình Thành. Sau khi nhường đất cho dự án Formosa người dân các khu tái định cư Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Lợi và Kỳ Thịnh đều lâm vào cuộc sống bấp bênh vì không có việc làm, đất canh tác không. Bên cạnh đó người dân ở các khu tái định cư này còn đối mặt với chất lượng công trình xuống câp. Thậm chí có những hạng mục nhà thầu bỏ bê không thi công khiến người dân bức xúc.

Khó cho người dân

Ông Nguyễn Kiên Quyết, trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh cho biết, từ năm 2008 Hà Tĩnh đã triển khai một số đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân ảnh hưởng của Dự án Formosa nhưng chưa có hiệu quả khi đang có một số lượng lớn người ở độ tuổi lao động đang cần việc làm. Nhiều khóa dạy nghề được mở ra như mây tre đan xuất khẩu, nuôi lợn công nghiệp... nhưng chưa có hiệu quả. “Nuôi lợn ở khu tái định cư vấp phải ô nhiễm, mây tre đan không có đầu ra, giá thành rẻ, một số con em được đưa đi đào tạo hiện chưa có việc làm, các doanh nghiệp đòi hỏi lao động có trình độ, kỷ thuật tay nghề cao. Thành ra việc giải quyết việc làm cho người dân ở các khu tái định cư rất nan giải đối với lãnh đạo huyện và tỉnh”, ông Quyết thở dài.

“Hiện nay Nhà nước có chương trình đào tạo nghề giải quyết việc làm cho người dân trong vùng ảnh hưởng Dự án Formosa, nhưng do giai đoạn hiện nay nguồn lực tập trung rất khó khăn khi Nghị quyết 11 ra đời cắt giảm đầu tư công. Ngoài ra chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư và doanh nghiệp thuộc dự án phải có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo nghề cho lao động trong vùng dân cư bị thu hồi đất đai để sau khi dự án hoàn thành, đi vào hoạt động đưa con em vào làm ngay. Thực chất các nhà máy của Dự án Formosa cần nguồn nhân lực chất lượng cao, rất khó cho lao động phổ thông”, ông Lê Trọng Bính, Bí thư huyện Kỳ Anh nói.

Theo infonet.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây