Hà Tĩnh: Nhà thầu thi công dối trá, dân đổ ra đường yêu cầu dừng lại

Thứ ba - 06/06/2017 18:10
Chiều 20.11, người dân thôn Đại Lợi, xã Đức Thanh (Đức Thọ-Hà Tĩnh) đã đổ ra đường yêu cầu Công ty CP Việt Thành Năng dừng ngay việc đổ bê tông tuyến đường GTNT trong xã vì không đảm bảo chất lượng.
Đường dự án nước ngoài “được” thi công hết sức cẩu thả!

Đường GTNT ở xã Đức Thanh thuộc gói thầu 110,2/HIRDP/XL do Ban Quản lý Dự án HIRDP-ICDP Hà Tĩnh quản lý. Công trình có tổng chiều dài 1km, gồm 2 tuyến: tuyến đi qua thôn Đại Lợi dài 406m và tuyến qua thôn Thanh Đình dài 600m, do Công ty CP Việt Thành Năng, có trụ sở tại thị trấn Đức Thọ thi công. Đây là công trình do nước ngoài tài trợ nhằm phát triển giao thông vùng nông thôn Hà Tĩnh.

Chiều ngày 20.11.2016, khi nhà thầu đang đổ bê tông tuyến đường qua thôn Đại Lợi thì bị người dân ở đây đổ ra ngăn cản, yêu cầu dựng lại vì tuyến đường thi công không đảm bảo chất lượng. Lúc này, tuyến đường trên đã đổ bê tông được chừng 150/406m.

Mặt đường quá yếu, chỗ thấp, chỗ cao nhưng nhà thầu vẫn tiến hành đổ bê tông bình thường.

Theo phản ánh của người dân, chất lượng kém nhất của công trình là ở nền đường. Dọc cả tuyến đường này không có chỗ nào nền đường đạt yêu cầu. Có những đoạn do nền đường quá yếu nên nhà thầu buộc phải “phối hợp” vừa đổ bê tông vừa san đất làm nền.

Ông Đinh Sỹ H. cho biết: “Do không được lu lèn kỹ, lớp đất phong hóa được bóc rất sơ sài nên khi xe bồn chở bê tông chạy vào, mặt đường cứ trồi lên trụt xuống, đàn hồi, co giãn. Đặc biệt, một số đoạn cơ đường bị yếu, lằn bánh xe tạo thành hai rãnh sâu chừng 20cm, khi đổ bê tông, nước xi măng chảy xuống đó hết”.

Đúng như sự bức xúc của người dân, phần nền đường có nhiều dấu hiệu kém chất lượng. Công việc phong hóa, lu lèn không đảm bảo làm cho mặt nền nứt nẻ, nham nhở từ đầu đến cuối.  

Mặc dù cả tuyến đường mới đổ bê tông được chừng 150 mét nhưng đã có nhiều đoạn xuất hiện các lổ hổng do trong quá trình đổ không được đầm nén kỹ. Ở hai mép mặt đường, bê tông dù đã được đổ qua ngày nhưng chất lượng kết dính rất kém, chỉ cần lấy chân nhấn xuống là bê tông đã vỡ ra.

Bà Nguyễn Thị T bức xúc: “ Đoạn đường này thường xuyên ngập nước, với chất lượng công trình quá kém như thế này thì chẳng được bao lâu mà hư. Đường mới mà làm như thế này thì để nguyên đường củ mà đi có khi lại hay hơn”.

Cả tuyến này chỗ nào cũng thế!

Ông Nguyễn Văn Mão, một người dân ở địa phương đồng thời là công nhân đổ bê tông cho đơn vị thi công đã không tiếp tục làm việc khi thấy sự phản ứng của người dân là hợp lý.

Trao đổi với PV, ông Mão chia sẻ: “Tôi là người làm thuê cho đơn vị thi công, nhưng tôi thấy người dân phản ứng như vậy là đúng. Tôi làm thuê, không làm chỗ này thì đi làm chỗ khác nhưng lợi ích của người dân phải được đảm bảo. Việc này tôi cũng đã có ý kiến với cán bộ xã rồi. Tôi mà tiếp tục làm, mai mốt đường bị hư người dân lại đem tôi ra chửi thì nhục lắm”.

Ông Mão cũng cho biết thêm, không chỉ có nền đường kém, chất lượng bê tông cũng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Xi măng được dùng ở đây có nhiều bao bị vón từng cục như cái ấm, nhưng nhà thầu vẫn lấy để làm.

Khi chúng tôi có mặt cũng là lúc ông Nguyễn Trọng Thiều - Phó chủ tịch UBND xã Đức Thanh xuất hiện. Hỏi về chất lượng công trình, ông Thiều xác nhận: “Đúng là việc xử lý nền đường không được đảm bảo, nhiều đoạn bồng bềnh, co giãn như cao su. Nền đường quá yếu nhưng nhà thầu vẫn thi công mặc dù 02 ngày trước đó Thanh tra Sở Giao thông đã về làm việc”.

 “Tôi đã gọi cho bộ phận kỹ thuật của Ban Quản lý dự án rồi và yêu cầu họ có ý kiến với nhà thầu. Không chỉ có tuyến đường này nền đường bị yếu mà tuyến đường ở thôn Thanh Đình cũng thế. Chúng tôi đang yêu cầu Công ty CP Việt Thanh Năng phải bóc phong hóa và lu lèn lại cho đạt rồi mới được thi công”, ông Thiều nói thêm.

Có một “hiện tượng lạ” là dù cho bê tông đã được trộn (cách vị trí đang thi công khoảng 200m - PV), rồi cho xe bồn chở đến hiện trường, nhưng khi đổ ra thi công, nhà thầu lại cho người lấy xẻng xúc xi măng khô rồi rải tứ tung lên trên mặt đường. PV hỏi thì được trả lời là làm thế để cho mặt đường tốt hơn???

Một “điều bất thường” nữa là trong quá trình thi công, chỉ có một quản lý của nhà thầu cùng 06 công nhân làm đường. Tuyệt nhiên không hề thấy bóng dáng của giám sát thi công, giám sát cộng đồng... Trong khi đó chi phí cho giám sát thi công là một khoản tiền không hề nhỏ.

Dự luận không khỏi quan ngại rằng, công trình có vốn đầu tư nước ngoài liệu có tương xứng với giá trị và ý nghĩa của nó. Vai trò của các ban ngành, các cơ quan quản lý ở đâu mà để cho nhà thầu một mình độc diễn như vậy?

Theo Sỹ Thông - Khánh Linh (http://nguoihanoi.com.vn)

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây