Điều đáng nói, nhiều cơ quan công quyền cấp huyện đã ra bản cam kết gửi tới các chủ nhà hàng, quán karaoke, khách sạn… trên địa bàn đề nghị đẩy mạnh việc sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn.
Để tìm hiểu thực hư sự việc, PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại một số quán tạp hóa, đại lý, nhà hàng trên địa bàn một số huyện như Nghi Xuân, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh.
Chủ một đại lý kinh doanh hàng tạp hóa tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân) cho biết: Thời gian gần đây, sau khi có chủ trương của tỉnh về việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà cụ thể là mặt hàng bia Sài Gòn, phía quản lý thị trường đã tới kiểm tra tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh. Tại đây, quản lý thị trường đã nhắc, khuyến khích và yêu cầu chủ cửa hàng nên ưu tiên bán, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn để góp một phần vào việc hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Các đại lý, ki ốt kinh doanh được yêu cầu phải trưng bày sản phẩm bia Sài Gòn, bia 333
“Khi kiểm tra, phía quản lý thị trường yêu cầu đại lý nên ưu tiên trưng bày bia Sài Gòn, bia 333 trước cửa hàng. Do vậy hầu hết các cửa hàng tại đây đều có bán sản phẩm bia Sài Gòn. Tình ngay lý gian trong sự việc này là nếu đoàn đến kiểm tra, phát hiện không có bia Sài Gòn thì sẽ bị phạt các lỗi khác như không niêm yết giá sản phẩm, một số mặt hàng chưa đăng ký giấy phép kinh doanh… Các lỗi này nếu bị phạt ít nhất cũng phải 500.000 đồng”, chủ một đại lý hàng hóa tại thị trấn Xuân An cho biết.
Ngoài ra, qua tìm hiểu tại một số cửa hàng kinh doanh được biết, đã có lần đoàn kiểm tra yêu cầu một cửa hàng phải trưng bày ngay sản phẩm bia Sài Gòn và bia 333 ra phía ngoài khi thấy chủ cửa hàng này trưng bày loại bia khác.
Một người kinh doanh hàng tạp hóa cho PV biết: "Chúng tôi buôn bán là tùy thuộc vào nhu cầu thị hiếu của khách hàng, họ yêu cầu loại nào thì chúng tôi cung cấp loại đó, còn việc ép buộc khách hàng mua loại này không mua loại khác là chúng tôi không làm được. Phía quản lí thị trường không thể bắt ép chúng tôi chỉ bán một loại bia theo yêu cầu của họ được".
Tại TP Hà Tĩnh, các chủ đại lý, nhà hàng cũng trong cảnh tương tự. Theo chị T., chủ một cửa hàng kinh doanh cho biết: "Cửa hàng chị cũng được khuyến khích, đề nghị bán và trưng bày các sản phẩm bia Sài Gòn. Nếu bán được một thùng bia Sài Gòn, chủ cửa hàng sẽ được hưởng hoa hồng là 25.000 đồng từ phía công ty.
Các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn phải ký cam kết với nội dung: “Ưu tiên đưa các sản phẩm sản xuất trong tỉnh vào kinh doanh như: Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim
Qua tìm hiểu, các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn còn phải ký cam kết với nội dung: “Ưu tiên đưa các sản phẩm sản xuất trong tỉnh vào kinh doanh như: Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim…; tích cực mời chào để người tiêu dùng sử dụng sản phẩm sản xuất trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách trên địa bàn”. Dù biết việc này là không hợp lý, tuy nhiên, trước áp lực “ở trên”, để dễ làm ăn, không bị gây khó dễ, chủ các ki ốt kinh doanh đóng trên địa bàn vẫn chấp nhận trưng bày, ký cam kết sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn.
Điều đáng nói, nhiều cơ quan công quyền cấp huyện đã ra bản cam kết gửi tới các chủ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, karaoke… trên địa bàn với nội dung đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn.
Cụ thể, tại địa bàn huyện Đức Thọ, UBND huyện đã ra bản cam kết vô thời hạn với chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, karaoke… trên địa bàn. Bản cam kết ghi rõ: “Kể từ ngày ký, nhà hàng chúng tôi cam kết ưu tiên sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong tỉnh như bia Sài Gòn, bia 333, nước khoảng Sơn Kim…. là góp phần tăng thu ngân sách cho tỉnh, chung tay xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới”.
Lãnh đạo huyện xác nhận ra cam kết yêu cầu đại lý tiêu thụ bia Sài Gòn, bia 333
Khi đem vấn đề này trao đổi với lãnh đạo huyện Đức Thọ, ông Đặng Giang Trung, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Thọ xác nhận, đơn vị này vừa ra bản cam kết như trên, gửi tới các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, karaoke, các đại lý, ki ốt… trên địa bàn về việc ưu tiên tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn.
Bản cam kết giữa UBND huyện Đức Thọ và chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn, karaoke…trên địa bàn về việc tiêu thụ sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh
Theo ông Trung, việc UBND huyện Đức Thọ ra bản cam kết như trên là thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Tại huyện Cẩm Xuyên, việc tương tự cũng diễn ra. Qua trao đổi, bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên xác nhận, đơn vị cũng vừa ký văn bản số 199/UBND-VHTT gửi tới các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở kinh doanh, dịch vụ… trên địa bàn về việc đẩy mạnh, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn.
Nội dung văn bản nêu rõ: Yêu cầu UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường thời lượng phát thanh, tuyên truyền, chỉ đạo các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng vận động khách hàng ưu tiên sử dụng bia Sài Gòn.
Điều đáng nói, văn bản này còn yêu cầu Ban quản lý Khu du lịch Thiên Cầm (thuộc huyện Cẩm Xuyên), các Phòng Văn hóa - Thông tin; Kinh tế - Hạ tầng… phối hợp kiểm tra, tổng hợp công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong kinh trong đó có bia Sài Gòn và báo cáo về UBND huyện qua Văn phòng HĐND - UBND huyện trước ngày 20 hàng tháng.
Văn bản của UBND huyện Cẩm Xuyên
Liên quan đến những bản cam kết và văn bản "lạ" nói trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ông Nguyễn Đình Khoa, Đội trưởng Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Hà Tĩnh). Theo đó, ông Khoa cho biết, sự việc trên phía đơn vị cũng đã có nghe thông tin. Tuy nhiên, việc xử phạt đại lý, chủ cửa hàng vì không bán bia Sài Gòn là không có. Để xử phạt thì phải có lý do, có lỗi vi phạm theo quy định, nghị định. Đội QLTT chỉ làm công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện lỗi để xử lý chứ không có chuyện xử phạt vì không bán bia, trưng bày bia.
“Từ trước đến nay, đội chưa từng xử lý trường hợp nào vì lý do không bán bia Sài Gòn. Để phạt một hộ kinh doanh số tiền khoảng 500.000 đồng thì phải có một quyết định kiểm tra, một biên bản kiểm tra xem lỗi đó là lỗi gì, chứ không có chuyện lỗi không bán bia Sài Gòn, không bán nước khoáng Sơn Kim”, ông Khoa nói.
Còn về việc ký cam kết với các chủ đại lý, cơ sở kinh doanh trong vấn đề ưu tiên sử dụng, tiêu thị hàng sản xuất trong tỉnh, ông Khoa cho hay: “Vấn đề này báo chí làm việc với sở. Phía đội QLTT chỉ kiểm tra xem việc buôn bán tại các cửa hàng là phải bán đúng pháp luật, hàng không quá hạn, đó là những điều yêu cầu đầu tiên đối với đại lý, cửa hàng kinh doanh. Chứ không thể yêu cầu họ bán cái này, cái kia. Vấn đề này thì phía đội cũng không nhận được chỉ đạo hay công văn nào”.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, PV cũng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương. Ông Lộc cho hay, về mặt hàng bia Sài Gòn, cơ quan này chỉ chỉ đạo trên cơ sở ưu tiên sử dụng chứ không thể bắt ép mọi người sử dụng bia Sài Gòn mà bỏ qua các loại bia khác.
Khi được hỏi về việc, Sở có các văn bản chỉ đạo tới các huyện về việc cam kết với các chủ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, karaoke… trên địa bàn với nội dung đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn, ông Lộc cho biết, vấn đề này ông không nắm được vì lĩnh vực này thuộc sự quản lý của ông do có sự phân công cấp lãnh đạo.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn