Cũng thuộc trách nhiệm quản lý nước của Xí nghiệp này, 2 toà chung cư N09B1 và N09B2 (KĐT Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) đã rơi vào tình trạng thiếu nước trong các ngày của trung tuần tháng 4 vừa qua. Việc mất nước đột ngột chưa từng có tiền lệ tại đây khiến người dân phải rơi vào tình trạng dở khóc dở cười. Nhiều gia đình phải mua cả bình nước sinh hoạt 20l để dội toilet cho đỡ nặng mùi vì không có nước, rồi việc rồng rắn xếp hàng đi vét nước ở bể ngầm y như thời bao cấp.
Mất nước, nước bẩn vẫn tồn tại giữa lòng thủ đô.
Chưa kể, nhiều khu dân cư cũng luôn đối diện với việc bị cắt nước. Mới đây, người dân sống trong ngõ 18 đường Quán Thánh (quận Ba Đình) phản ánh, đã từ lâu hơn 100 hộ dân ở đây thường lâm vào tình cảnh thiếu nước.
Mặc dù tình trạng mất nước không kéo dài nhưng việc thiếu nước trên địa bàn một phường ngay giữa thủ đô khi cao điểm nắng nóng mùa khô còn chưa tới đã gây rất nhiều bức xúc và bất tiện cho sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Không những thiếu nước, thời gian qua câu chuyện về nước nhiễm bẩn tại nhiều khu đô thị cũng khiến nhiều người dở khóc dở cười. Trước đó là khu Mỹ Đình, Nam Đô, 250 Thăng Long, ... Sau khi báo chí vào cuộc, tình hình ở các khu này đã được cải thiện hơn.
Nhưng mới đây nhất, lại đến cư dân ở khu chung cư được coi là cao cấp, kiểu mẫu - Mulberry Lane (Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội) - đồng loạt lên tiếng về việc nước sinh hoạt của họ không đảm bảo.
Được chủ đầu tư giới thiệu như một chiếc vương miện lộng lẫy, với chất lượng vượt trội, môi trường sống cao cấp, chung cư Mulberry Lane được nhiều người mua và đưa vào sử dụng khoảng 2 năm nay.
Bông lọc trong bể cá của một căn hộ đổi màu.
Tuy nhiên, mới đây, hàng trăm người sống trong tòa chung cư cao cấp đã đồng loạt ký vào đơn đề nghị Ban quản lý, chủ đầu tư tòa nhà phối hợp với cơ quan có trách nhiệm làm rõ việc này và tìm phương án khắc phục.
Ông Nguyễn Văn Chỉnh (sống tại căn hộ A2106 thuộc khu chung cư cao cấp Mulberry Lane) cho biết, gia đình ông bán đất dọn về đây sống trong căn hộ hơn 100m2 với giá khoảng 3 tỷ đồng. Đi cùng với tiếng "cao cấp", phí dịch vụ và giá nước sinh hoạt cũng cao không kém.
Nước trong bồn cầu có màu đen và nhớt.
Nhưng theo ông Chỉnh, mọi chuyện đều có thể chấp nhận được ngoại trừ nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn. Ông Chỉnh chỉ vào một xô nước khá trong và nói chúng tôi sờ thử xuống đáy. Rất bất ngờ là bên dưới rất nhiều cặn đọng lại. Ông Chỉnh bảo rằng, đây là nước lấy từ vòi cách đây 2 ngày.
Ông chủ nhà cũng chỉ cho chúng tôi bể nước xả bồn cầu đen kịt. Theo ông Chỉnh, bình thường, nếu để lâu, bể nước này đều bị chuyển màu đen do rêu bám. Tuy nhiên, việc chuyển màu ở đây không giống thông thường mà nước đóng những lớp cặn dày, đen sì như nhựa đường.
Chúng tôi khảo sát tại một số gia đình khác trong khu chung cư đều được phản ánh có hiện tượng như vậy. Anh Lê Đức Thắng ở căn 2107 cho biết, anh chuyển về đây ở từ trước Tết. Lúc đầu không để ý, nhưng trong quá trình sửa chữa, anh phát hiện ra nước sinh hoạt ở đây bẩn hơn bình thường.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy hầu hết cư dân ở đây đều trang bị trong nhà máy lọc nước để nấu ăn. Một số gia đình như anh Thắng sắm cả máy lọc nước thô để tắm giặt. Anh Thắng cho rằng, nếu tắm bằng nước chảy trực tiếp từ vòi, anh thấy ngứa ngáy, khó chịu. Đặc biệt, gia đình anh lại có trẻ nhỏ. Có gia đình còn cho biết, con nhỏ trong nhà từng bị mẩn ngứa sau khi tắm.
Hiện nay, cư dân ở chung cư Mulberry Lane không được nhà máy nước phân phối trực tiếp mà phải do chủ đầu tư làm trung gian. Theo đó, chủ đầu tư ký hợp đồng với Công ty Nước sạch Hà Đông, mua trọn gói rồi bán lại cho người dân.
Làm việc với chúng tôi, ông Vũ Gia Bình (Phó TGĐ Công ty Capital Hoàng Thành - chủ đầu tư khu chung cư) khẳng định, doanh nghiệp này đã xây dựng và vận hành hệ thống chứa và dẫn nước đảm bảo vệ sinh đúng quy định. Ông Phó TGĐ còn lấy một cốc nước từ vòi của tòa nhà uống thử trước mặt chúng tôi để cho rằng, nước ở đây vẫn trong sạch.
Tuy nhiên, đại diện chủ đâu tư này xác nhận đã nhận được phản ánh của cư dân. Capital Hoàng Thành đã đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra lại nguồn nước.
"Nguồn nước trước khi vào tòa nhà thế nào thì chúng tôi không rõ. Nhưng chúng tôi khẳng định, nước từ bể chứa đến các gia đình không hề bị thay đổi", vị đại diện chủ đầu tư nói.
Hàng trăm người dân gửi đơn kiến nghị.
Cũng theo ông Bình, hiện chủ đầu tư chưa có điều kiện để công ty nước bán trực tiếp đến tay người dân. Nhưng về lâu dài, chủ đầu tư sẽ có lộ trình thực hiện việc này. Hiện tại, chủ đầu tư cũng không lấy chênh lệch một đồng nào trong phân phối nước cho cư dân.
Trong khi đó, đại diện Công ty nước sạch Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, nguồn nước do đơn vị cung cấp vẫn đảm bảo chất lượng. Theo vị đại diện, có thể do cảm quan nên cư dân cho rằng nước nhiễm bẩn.
Vị đại diện cũng xác nhận, lâu nay, sau khi cư dân ở Mulberry Lane phản ánh, cơ quan chức năng đã nhiều lần xuống lấy mẫu nước kiểm tra và đánh giá nước sinh hoạt vẫn đảm bảo. Lần mới đây nhất là đầu tháng 5, cán bộ kiểm định lại lấy mẫu nước và hiện đang chờ kết quả. Tuy nhiên vị lãnh đạo khẳng định nước không có vấn đề gì.
Trong khi đó, theo phiếu kiểm nghiệm nước trong 3 lần lấy mẫu của Công ty Nước sạch Hà Đông do người dân cung cấp, kết quả không đồng nhất với nhau. Mẫu kiểm tra tháng 1/2015 cho thấy chỉ tiêu Pecmanganat cao hơn giới hạn cho phép. Nhưng 2 lần sau, mẫu nước lại cho kết quả đảm bảo chỉ tiêu.
Trong khi chờ kết quả lần 4, cư dân Mulberry Lane vẫn tiếp tục phải sắm máy lọc nước để đối phó với tình hình.
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn