Dự án thoát nước 14 tỷ khó hoàn thành

Thứ tư - 07/06/2017 10:24
Mặc dù dự kiến ban đầu của công trình sẽ triển khai trong vòng 120 ngày, với mức vốn đầu tư 14 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay sau hơn 1 năm thi công, hệ thống mương tiêu úng thoát lũ đi qua 4 xã ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa hoàn thành.

Nghiêm trọng hơn khi công trình đang còn xây dang dở, nhưng nhiều người dân nơi đây phản ánh chất lượng yếu kém của nó, nhà thầu thi công sai với thiết kế gây bức xúc trong dư luận.

Đoạn bờ giằng thi công sai đang được dở bỏ.

Thiết kế một đường, thi công một nẻo

Công trình mương tiêu úng đi qua 4 xã gồm: Xuân Yên, Xuân Mỹ, Xuân Thành, Xuân Hải của huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh dài hơn 6km được đầu tư từ nguồn vốn bão lụt, do UBND huyện Nghi Xuân trực tiếp làm chủ đầu tư, với tổng số vốn 14 tỷ đồng.

Đơn vị trúng thầu là công ty TNHH xuất nhập khẩu Châu Tuấn (trụ sở tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân). Đơn vị giám sát là công ty CP xây dựng Hoàng Sơn. Trung tuần tháng 9/2011 công trình mương tiêu úng chính thức được khởi công, dự kiến sẽ hoàn thành sau 120 ngày triển khai.

Vậy nhưng, sau hơn một năm thi công, công trình vẫn dậm chân tại chỗ gây bức xúc trong nhân nhân, hơn thế nữa nhiều người dân còn cho rằng nhà thầu đã rút ruột công trình khiến chất lượng bờ kênh không được đảm bảo. Chỉ đến khi người dân phát hiện và phản ánh nhà thầu mới dỡ bỏ, thi công lại phần đã thi công sai.

Cụ thể, công trình được thiết kế bằng đá hộc kè tường hai bên và được đổ giằng bê-tông, cốt thép nhưng trong quá trình thi công nhà thầu đã rút ruột công trình bằng cách bớt các đai thép.

Thậm chí có đoạn đổ bê-tông mà không có cốt thép. Chưa hết, tỷ lệ mác vữa bê-tông cũng không đảm bảo, nay nhiều điểm đã nứt nẻ, có biểu hiện hư hỏng xuống cấp...

Đoạn mương tiêu úng qua xã Xuân Yên trong quá trình thi công không đảm bảo chất lượng, thi công sai đã được nhà thầu khẩn trương phá bỏ.

Ông Nguyễn Văn T., một trong những người làm công, đập phá dầm bê-tông thi công thiếu thép này cho biết: “Tôi cũng không biết dự án này tên gì, của ai, chỉ biết là người ta thuê bọn tui đập làm lại cho đúng nên tôi làm thôi”.

Cơ quan chức năng nói gì?

Trong quá trình thi công, đơn vị giám sát lẫn chủ đầu tư không hề hay biết việc thi công sai thiết kế, chỉ đến khi người dân phát hiện, phản ánh thì mới yêu cầu nhà thầu làm lại.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Anh Tuấn, trưởng ban quản lý các dự án công trình xây dựng huyện Nghi Xuân cho biết: "Hạng mục giằng bờ kè của công trình kênh tiêu úng chỉ có sai sót ở xã Xuân Yên khi có khoảng 1,5m bờ giằng không có sắt. Thế nhưng, sau khi phát hiện nhà thầu thi công sai thiết kế chúng tôi đã đình chỉ và bắt phải thi công lại cho đúng”.

Ông Tuấn cũng bày tỏ quan điểm, dự án này gặp khó khăn trong việc thi công khi rất nhiều địa điểm bị nước ngập nặng, nhất là ở xã Xuân Hải và hiện tượng cát chảy khiến việc nạo hút nước để xây mương gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian, tiền bạc hơn so với dự kiến ban đầu.

Về vấn đề bờ kè không có sắt đoạn qua xã Xuân Yên, trao đổi với chúng tôi ông Phan Văn Lịch, chủ tịch xã Xuân Yên cho hay: Khi nhận được thông tin của quần chúng nhân dân phản ánh chất lượng yếu kém của bờ giằng, đích thân đồng chí Phạm Tiến Hưng, phó chủ tịch hội đồng nhân dân huyện đã thành lập đoàn về giám sát lại công trình. Chính quyền xã hôm đó cũng đã đi cùng đoàn kiểm tra ra hiện trường để cùng làm việc. Hiện đoạn bờ giằng đó đã được nhà thầu thi công lại theo đúng quy chuẩn.

Các ông Phạm Anh Tuấn, ông Phan Văn Lịch (chủ tịch xã Xuân Yên), ông Lê Văn Bình (chủ tịch xã Xuân Mỹ) đều có cùng ý kiến khi cho rằng dự án này một phần gặp khó khăn vì không có đơn vị giám sát cộng đồng. Do vậy, công trình thiếu đi sự giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công tại các địa phương.

Ông Nguyễn Viết Tuấn, giám đốc công ty CP xây dựng Hoàng Sơn cho biết: Khi nhận được thông tin bờ giằng không có sắt tại xã Xuân Yên, tôi cùng mấy người trong công ty đã trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra.

Ông Tuấn khẳng định: “Đoạn sắt đó bị mất chắc chắn là do người dân ở đó rút trộm vì khi xuống đó tôi đã bắt gặp một số người dân đang tìm cách rút thanh sắt, còn chỗ thi công thiếu thép hôm đó do trời mới mưa chúng tôi đã yêu cầu nhà thầu không được phép thi công”.

Ông bày tỏ quan điểm, nếu giám sát viên nào làm sai sót thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ông cũng sẽ không ký hồ sơ nghiệm thu và bắt phải thi công lại khi nào đúng mới ký.

Tìm hiểu về vấn đề này tại công ty TNHH xuất nhập khẩu Châu Tuấn, bà Bạch Thị Hường, giám đốc công ty lại nói rằng, đoạn bờ giằng không có thép chỉ dài khoảng hơn 1m, chính tổ thợ thi công hôm đó đã tự làm sai thiết kế. Chúng tôi đã lập biên bản lại sự việc và bắt buộc tổ thợ thi công ngày hôm đó phải đập bờ giằng để xây lại theo đúng quy chuẩn. Toàn bộ chi phí sửa chữa đội thợ phải gánh chịu hoàn toàn. Công ty vẫn còn giữ lại biên bản xử lý sự việc hôm đó.

Công trình tiêu úng nước hiện đang dang dở khi đoạn qua xã Xuân Hải vẫn chưa thi công với lý do bị nước ngập nặng. Và với tốc độ thi công như hiện nay thì không biết cho đến khi nào dự án mới được hoàn thành, người dân 4 xã Yên – Thành – Mỹ - Hải không biết lúc nào được hưởng lợi từ dự án của huyện nhà.

                                                                                                                       Theo Nguoiduatin.vn

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây