Một đặc điểm nổi bật của nghề “đồng nát”, người lao động hầu hết là nữ. Đồ nghề của họ chỉ là chiếc xe đạp cà tàng, ít cái bì đựng đồ phế liệu và một chiếc còi tự chế bằng chai nhựa và ống sắt. Trẻ con phố tôi hay gọi là những bà “bì bọp” theo âm thanh của chiếc còi độc đáo. Cứ mỗi sáng tầm 9h là đội ngũ này đã có mặt trên khắp các đường phố, con hẽm với tiếng bọp bọp quen thuộc.
Với nhiều người, nghề phụ này lại là nguồn thu chính của cả gia đình |
Vào những ngày nghỉ cuối tuần thì họ đi sớm hơn. Vì dân ở thành phố đi làm suốt tuần, ngày nghỉ thường hay tranh thủ dọn dẹp nhà cửa và “thanh lý” đồ phế phẩm, là dịp “làm ăn được”. Có lẽ không có ngõ ngách nào mà những người mua hàng này không tìm đến. Có những ngày nắng hè oi bức nhưng họ vẫn đi mua hàng đến giữa trưa bóng tròn, vì khi dó người đi làm về nên có thể mua thêm hàng. Những ngày mưa rét số lượng người đi mua ve chai vẫn đông, bởi đó đã là kế sinh nhai, là miếng cơm manh áo của họ.
Bà H. xã Thạch Đồng (55 tuổi) ở TP Hà Tĩnh, cho biết: nhà bà có 2 đứa con, một đã lấy chồng, đứa sau đang đi học nhưng cũng hết sức vất vả. Năm vài vụ mùa chẳng đáng là bao hết ngày mùa là tranh thủ “đi hàng”. Thu nhập của nghề này rất bấp bênh, có khi may mắn, gặp được nhiều hàng, có cơ quan nào bán giấy loại hoặc gặp người kêu vô dọn nhà thì chủ nhà sẽ cho chỗ phế liệu dọn được, về bán được 100-200 ngàn, nhưng cũng có hôm đạp rã chân mà chiều về chỉ vỏn vẹn 20-30 ngàn đồng. Dù vậy, cũng phải đi, bởi không đi thì lấy tiền đâu mà trang trải cuộc sống.
Những người làm nghề đồng nát thường đi cả ngày, buổi trưa thì tụ tập nhau lại chỗ thu mua phế liệu hoặc sân vận động dở cơm đem nhà ra ăn, mắc võng nghỉ ngơi chút ít rồi lại lên đường. Vất vả là vậy, nhưng với những người như bà H., đây tuy là nghề phụ nhưng lại là thu nhập chính. Thế nên, quanh năm suốt tháng họ gắn bó với chiếc xe đạp trên khắp phố phường hơn những sào ruộng ngoài đồng.
Không chỉ tập trung ở thành phố, lực lượng này còn về các vùng nông thôn, vùng núi để thu mua. Ở đâu có “hàng” là họ tìm đến. Số lượng người làm nghề ngày càng đông nên số lượng hàng mua được giảm xuống buộc họ phải “mở rộng” địa bàn.
Chị T. 47 tuổi, ở xã Thạch Môn - TP Hà Tĩnh, kể: nhà có 3 đứa con, đứa đầu học Đại học Vinh năm cuối, đứa thứ hai học trường nghề Việt Đức và đứa út học phổ thông; cha làm thợ xây, nhà làm ruộng, nuôi lợn, làm lạc nhưng không đủ cho 3 đứa con ăn học. Tiền nhà nước hỗ trợ cho vay mỗi năm hơn 8 triệu đồng không thể trang trải đủ nên mẹ phải chịu khó đi kiếm thêm tiền vì “bây giờ con đi học quan trọng hơn cửa nhà”. Theo lời chị, có những nhà còn nuôi 3 đứa con học đại học, số tiền vay vốn sinh viên lên đến hàng chục triệu đồng. Con ra trường kiếm được việc làm thì còn đỡ đần được bố mẹ nhưng thời buổi bây giờ đâu phải ai học ra cũng tìm được việc nên “cục nợ” đó bố mẹ phải còng lưng kiếm trả.
Số lượng người mua đồng nát ngày càng đông, có những người còn đi cả Hương Sơn, Hương Khê hay những vùng hẻo lánh khác, một nhóm khoảng 10 – 15 người, ngày đi mua hàng tối về nhập cho chủ phế liệu và chung nhau thổi cơm ăn một góc nơi nhà chủ hàng cho mượn, mỗi chuyến đi như thế trên dưới 10 ngày.
Cơ cực là thế nhưng các bà, các chị vẫn chịu khổ, chịu khó để “củng cố đời con”. Cái tảo tần của người phụ nữ Việt Nam, sự hi sinh hết lòng vì con cái đã khiến cho những người phụ nữ chân yếu tay mềm này mạnh chân hơn trên mỗi vòng xe kiếm sống.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn