Cung thanh trên sóng nhạc La Giang

Thứ hai - 05/06/2017 08:57
Sau nhiều nỗ lực của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo địa phương, tháng 1/2011 cầu Linh Cảm 2 đã hợp long. Từ đó, đôi bờ Vĩnh Khánh – Tùng Ảnh của Đức Thọ như xích lại gần nhau hơn, những gian nan của nhân dân “ốc đảo” Vĩnh Khánh đã được xóa bỏ. 2 miền văn hóa Hà Tĩnh và Nghệ An như được nối liền…

Cầu Linh Cảm 2 tiền thân là một bến phà bắc qua sông La đoạn nối 2 làng Vĩnh Khánh (Trường Sơn) và Tùng Ảnh. Mặc dù không có tên chính thức nhưng đã xuất hiện từ thời chiến tranh chống Pháp và trở thành điểm nối mạch những tuyến đường cho cán bộ, chiến sỹ cách mạng ở Hà Tĩnh và Nghệ An hoạt động. Đặc biệt, trong chiến tranh chống Mỹ, nơi đây là một địa điểm xung yếu nối liền 2 cung đường chiến lược Bắc Nam ở Hà Tĩnh và Nghệ An. Hàng trăm, hàng ngàn chuyến xe chở vũ khí, hàng hóa, cán bộ từ hậu phương ra tiền tuyến đã đi qua đây rồi từ đó theo đường 15 qua Ngã ba Đồng Lộc vào Nam. Chính vì thế đây cũng là địa điểm bị địch đánh phá ác liệt không kém gì bến phà Linh Cảm (nối đường 8A sang chiến trường Lào).

Mặc dù vậy, với lòng yêu nước nồng nàn, với tấm lòng kiên trung và được sự chở che của nhân dân đôi bờ Trường Sơn – Tùng Ảnh, những cán bộ phụ trách bến phà vẫn bám sông, bám phà để những chuyến xe đi qua đây được an toàn. Những ngôi làng ven sông bao lần bị bom đạn cày xới giờ nằm yên bình như bức tranh sơn thủy hữu tình. Đứng trên ngọn núi của làng Tùng Ảnh nhìn sang, tưởng như vẫn còn thấy thấp thoáng bóng dáng những vành lá ngụy trang dập dờn trên sóng nước mênh mang. Thế hệ những cán bộ chiến sỹ đã từng công tác ở đây và đi qua đây, có người đã đi xa, có người còn ở lại nhưng tôi tin rằng trong ký ức chiến tranh của họ vẫn có một bến phà không tên mà gọi về nhiều thương nhớ!

Cầu Linh Cảm 2 như cung thanh bắc qua sóng nhạc La Giang êm đềm

Hòa bình lập lại, bến phà vẫn hoạt động phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Được mệnh danh là “ốc đảo” bởi vị trí nằm khá biệt lập, nhân dân làng Vĩnh Khánh vốn rất vất vả trong việc đi lại. Không chỉ xa chợ, xa trường, xa bệnh viện, làng còn xa cả ruộng nương bởi đất canh tác của làng lại nằm phía địa phận xã Sơn Tân (Hương Sơn). Giờ đây khi bến phà xưa được thay thế bằng một cây cầu thì hẳn rằng trong ký ức người dân làng Vĩnh Khánh hồi ấy không thể không có hình ảnh những con nôốc chở người và cả trâu bò qua sông cày ruộng. Họ cũng không thể quên hình ảnh những sớm những chiều các mẹ, các chị lại gồng gánh qua sông trên những chuyến phà để đi chợ huyện…

Đất nước phát triển, đời sống nhân dân cũng được quan tâm hơn, trên những khúc sông quê hương có thêm những cây cầu mới để nối những bờ vui. Cầu Linh cảm 2 bắc qua sông La nối liền 2 xã Tùng Ảnh và Trường Sơn (Đức Thọ) nhưng đồng thời cũng nối liền 2 miền văn hóa Nghệ An – Hà Tĩnh. Với chiều dài 373m, bề rộng 9m, tổng mức đầu tư gần 231,5 tỷ đồng cầu Linh Cảm 2 được xây dựng nhằm hoàn chỉnh Quốc lộ 15A, tạo thành mạng lưới giao thông đường bộ nối quốc lộ 46 thị trấn Nam Đàn (Nghệ An) sang quốc lộ 8A (Hà Tĩnh), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, trong đó có phát triển về du lịch tâm linh, sinh thái của các địa phương.

Còn nhớ, thuở xưa, vào thế hệ bà nội, bà ngoại tôi trở về trước, ngoài việc làm ruộng còn gồng gánh bán buôn sang làng Vực (Nam Đàn) bằng con đường đi xuyên qua núi Thiên Nhẫn vô cùng vất vả. Tiếng là nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn nhưng nguyên liệu hồi ấy như đậu tương, mít non chủ yếu vẫn do những nông dân Hương Sơn, Đức Thọ mang sang bán. Có lẽ do mang hương vị của 2 miền đất nên các sản phẩm ẩm thực này mới ngon và nổi tiếng đến thế. Rồi từ làng mộc Trung Cần nổi tiếng của Nam Đàn nhiều thợ mộc ở Đức Thọ, Hương Sơn đã được truyền nghề. Chính vì thế, ngày nay nhiều ngôi chùa ở Hà Tĩnh và Nghệ An có lối kiến trúc và kỹ thuật khắc, khảm giống nhau là vì thế.

Không chỉ có thế, từ thời kỳ chống Pháp, nhân dân các xã Nam Đàn giỏi hát tuồng lại qua sông, qua phà sang Đức Thọ, Hương Sơn đàn hát rồi kết duyên cùng thôn nữ các làng ven sông vốn đẹp nổi tiếng. Có người Hà Tĩnh theo chồng về Nghệ An nhưng cũng có những người Nghệ An vì cảm mến đất và người Hà Tĩnh đã ở lại sinh cơ, lập nghiệp. Ngày nay tuy những tập tục, sinh hoạt xưa không được duy trì nữa, nhưng với sự thuận tiện của giao thông, những sản vật của đôi bên vẫn theo thương lái đi về trong đời sống nhân dân. Đặc biệt, từ khi cầu Linh Cảm 2 được khánh thành và đưa vào hoạt động, khách du lịch bốn phương cũng thuận lợi hơn trong việc tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của Nghệ An và Hà Tĩnh.

Từ quê Bác, du khách có thể sang Hà Tĩnh thăm quê hương Trần Phú, Phan Đình Phùng, rồi từ đó theo các ngả đường để lên Hương Sơn, vào Đồng Lộc… Ngược lại những du khách đến Đức Thọ cũng có thể qua cầu Linh Cảm 2 để sang Nam Đàn và các địa chỉ du lịch khác của Nghệ An.

Cầu Linh Cảm 2 như một cung thanh bắc qua sóng nhạc sông La không chỉ riêng nối âm sắc đời sống những làng quê ven sông mà còn là mấu chốt gắn liền 2 miền văn hóa Nghệ An - Hà Tĩnh. Để trong mỗi câu hò, điệu ví, trong văn hóa ẩm thực lẫn sự phát triển của đời sống kinh tế luôn có sự giao lưu, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

                                                                                                                  Theo Báo Hà Tĩnh

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây