Mô hình nuôi hươu 17 con của gia đình anh Hoàng Đình Chiến ở xóm Tân Hưng |
Anh Chiến vui mừng cho biết: Sau gần 3 tháng, đàn hươu 17 con của gia đình anh đang sinh trưởng, phát triển tốt. Việc xây dựng thành công mô hình nuôi hươu không chỉ mở ra hướng làm ăn mới cho gia đình mà còn thu hút nhiều người dân ở trong và ngoài xã đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Vì nuôi hươu vốn dĩ là nghề truyền thống, cho thu nhập cao của vùng đất Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh còn đối với huyện Vũ Quang lại là nghề khá mới mẻ.
Cũng như anh Chiến, những năm qua, phát huy tiềm năng, lợi thế đất rừng, anh Nguyễn Văn Dũng ở xóm Cao Phong đã đầu tư trồng cây ăn quả, trồng cao su và chăn nuôi gà thả vườn. Hiện nay trên diện tích đất đồi rộng lớn anh đã quy hoạch trồng 750 cây cao su, trên 400 gốc cây ăn quả các loại và chăn nuôi gần 1000 con gà thả vườn. Nhờ đầu tư đúng hướng nên việc phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng của gia đình anh đã mang lại hiệu quả cao. Riêng từ đầu năm đến nay anh đã thu hoạch gần 2 tấn chanh, 3 tạ cam, khoảng 7 tạ gà thịt cùng một số nguồn thu nhập khác, sau khi trừ các khoản cho phí còn lãi ròng trên 100 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi gà thả vườn của anh Nguyễn Văn Dũng ở xóm Cao Phong |
Với sức trẻ, khát vọng làm giàu và đặc biệt được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi nên tháng 7 vừa qua, anh Dũng đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 26 của UBND tỉnh để mở rộng sản xuất. Anh Dũng dự tính thời gian tới sẽ thuê thêm một số diện tích đất đầu tư nuôi 1300 con gà, vịt, 70 con hươu, dê trồng từ 3-4 ha chanh và thành lập Hợp tác xã kinh doanh, dịch vụ tổng hợp Nông Phát.
Tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyễn Xuân Thê - Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết: Để nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất theo theo Quyết định 26 của UBND tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, xã Đức Lĩnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc việc bình xét, lựa chọn chủ hộ có năng lực kinh tế, định hướng đầu tư rõ ràng. Chính vì vậy, sau khi có vốn tất cả các hộ dân đều đã tập trung đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, xây dựng mô hình theo hướng hàng hóa. Nổi bật là hiện nay toàn xã Đức Lĩnh đã phát triển được 13 mô hình chăn nuôi hươu với quy mô từ 11- 17 con, xây dựng được 2 mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm từ 300 con trở lên và hàng chục mô hình chăn nuôi lợn, trâu bò đàn, trồng cây ăn quả, cao su tiểu điền với quy mô lớn.
Mô hình trồng cao su tiểu điền, kết hợp chăn nuôi hươu của gia đình anh Nguyễn Hoàng ở xóm Cao Phong |
"Năm 2011 vừa qua, thu nhập từ kinh tế vườn đồi, vườn rừng (chưa tính chăn nuôi) trên địa bàn xã Đức Lĩnh đạt gần 80 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân. Kinh tế phát triển ổn định, người nông dân hết sức phấn khởi đóng góp công sức, tiền của xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, phát triển văn hóa xã hội, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới", anh Thê chia sẻ.
Đức Lĩnh là xã miền núi, đất đai rộng lớn, nguồn lực lao động dồi dào. Việc tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 26 của UBND tỉnh bước đầu đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng mô hình, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Với định hướng đầu tư đúng đắn, tin rằng trong một tương lai gần việc phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại ở xã Đức Lĩnh sẽ có những bước đột phá đi lên mới.
Theo Báo Hà Tĩnh
Nguồn tin: hatinhnews.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn