Cao su “khó sống” ở miền Trung

Thứ tư - 02/05/2018 16:25
Cùng với thiệt hại về người và của, cơn bão số 10 đổ bộ vào các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị còn khiến hơn 10.000ha cao su gãy đổ, mất trắng.

Bộ đội giúp người làm vườn dùng dây sắt kéo, dựng lại những cây cao su bị gió bão đánh xiêu vẹo

Đây cũng là lần thứ 2 người dân các tỉnh này bị gió bão gây thiệt hại nặng nề đối với cây trồng kỳ vọng là cây xóa đói giảm nghèo.

Tan hoang “thủ phủ” cao su

Vĩnh Linh từng là “thủ phủ cao su” của Quảng Trị, nay ngổn ngang cây cao su bị gãy đổ, trốc gốc sau bão số 10. Tại rừng cao su ở xã Vĩnh Thủy - Vĩnh Linh, một tuần sau khi bão số 10 đổ bộ, những làn khói nóng, mùi hăng hắc tỏa khắp nơi. Ông Trần Văn Hóa, chủ một vườn cao su ở địa phương cho biết, đang đốt lớp lá khô của những cây bị gãy đổ, phải cưa sát gốc để kịp cho máy múc gốc, chuẩn bị trồng cây thay thế. Đối với cây bị đổ ngã thì cưa ngang còn chừng 3-4m rồi huy động nhân lực và máy móc kéo dựng lại, sau đó dùng dây cố định 4 phía và tăng cường đầu tư chăm sóc. “Hơn 10 năm trời rõng rã, vợ chồng tui còng lưng làm thuê để đổ dồn vào việc chăm bón cây cao su. Đầu năm 2013, khai thác mủ năm đầu tiên, chưa thu được mấy đồng thì cơn bão số 10 năm ấy ập đến. Tiếc của nên tui lại bàn với vợ vay mượn khắp nơi được gần 100 triệu đồng để nỗ lực khôi phục vườn cao su. Đến nay vừa mới “gượng dậy” thì bão tiếp tục gây hư hại”, ông Hóa nói. Gần đó, ông Hải đang phát cành những cây cao su đổ ngã nói: “Bão lấy đi tất cả rồi! Ngần ấy cao su (2ha) cho cạo mủ, mỗi ngày gia đình tui thu về hơn 1 triệu đồng. Nhưng bão số 10 chỉ thoáng qua vài giờ đồng hồ thôi mà đã bẻ gãy tất cả tiền bạc, công sức chăm bón và hy vọng về tương lai xóa nghèo mà gia đình tui ngóng chờ”.

Trên đường về các thôn, xã của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, chúng tôi tận mắt chứng kiến rừng cây cao su đang giai đoạn khai thác mủ vừa bị bão quật đổ, gãy từng vạt lớn, dòng nhựa cao su ứa ra bị khô cứng lại. Thẫn thờ ngồi nhìn đống thân cây 10 tuổi nằm rạp sát đất mà chẳng biết phải làm gì, chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Trung Định, xã Phú Định, huyện Bố Trạch than, không nuốt nổi cơm. Cả khu cao su 2ha của chị mới mấy hôm trước còn xanh mướt, là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình, giờ bị gãy từng vạt lớn. Tiếc của, tiếc công sức bao năm chắt chiu chăm sóc phút chốc bị bão đánh sập, chị Hiền cứ ra vườn tần ngần, có lúc bật khóc. Chị Hiền kể, những năm trước, cùng với người dân vùng gò đồi xã Phú Định, vợ chồng chị chọn cây cao su trồng cho diện tích 2ha đất gò đồi với nhiều hy vọng. Đến năm 2012, sau gần 7 năm chắt chiu vay mượn trồng và chăm sóc, gia đình chị Hiền đã có một nguồn thu lớn từ vườn cây cao su với số tiền mỗi ngày hơn 1 triệu đồng. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, tháng 10-2013, một cơn bão lớn đã quét qua xã Phú Định làm gãy đổ phần lớn diện tích cây cao su của  gia đình chị. Không nản lòng trước sự tàn phá của thiên tai, gia đình chị Hiền tiếp tục đầu tư phục hồi, chăm sóc vườn cây. Thế mà, giờ đây cơn bão số 10 lại xô đổ vườn cây cao su của chị một lần nữa, đẩy gia đình chị vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Khẩn cấp lập đai chắn gió

Bắt đầu từ cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, phong trào trồng cao su tiểu điền phát triển mạnh ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế… Bình quân mỗi nhà nhiều thì 1-2ha, ít cũng được 0,5ha. Tuy nhiên, chỉ tính riêng cơn bão số 10 vừa qua, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị đã có hơn 10.000ha cao su bị quật đổ gãy, trong đó, diện tích đổ gãy trên 70% không thể khôi phục chiếm một nửa. Oái oăm nữa là hầu hết những cánh rừng cao su này đã từng bị quật ngã trong cơn bão số 10 năm 2013, người làm vườn nỗ lực dùng mọi phương cách để khôi phục lại vườn cây, đẩy mạnh chăm sóc nhưng cũng từ đó giá mủ cao su xuống thấp. Và như định mệnh, sau 4 năm chờ đợi, giá cao su giờ mới tăng trở lại, nhưng người dân chưa kịp vui thì lại tiếp tục gánh chịu thiệt hại do bão số 10.

Nhiều ý kiến bắt đầu hoài nghi về loại cây trồng này có phải là hướng xóa nghèo bền vững hay là một “canh bạc” với trời? Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho rằng, hiệu quả kinh tế từ cây cao su cho thấy chủ trương mở rộng và phát triển cây cao su trên địa bàn thời gian qua là hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân... Nhưng để cây cao su phát triển bền vững hơn, các ngành liên quan và địa phương cần rà soát lại quy hoạch chi tiết các vùng trồng cây cao su trên địa bàn; không mở rộng thêm diện tích cây cao su ở vùng ven biển trực tiếp đón gió bão; không nên trồng lại cây cao su bằng mọi giá. Còn các chuyên gia lâm nghiệp lại cho rằng, thời tiết và thổ nhưỡng tại Bắc miền Trung không tối ưu cho việc phát triển cây cao su, có thể dẫn đến hiệu quả kinh tế không bảo đảm. Các ban ngành Trung ương và địa phương cần tổ chức những hội thảo khoa học để đánh giá, cũng như tìm ra hướng đi bền vững giúp người trồng cao su.

Một giảng viên Trường ĐH Nông lâm Huế cho biết, chưa một quốc gia nào nhân tạo được giống cây cao su chống được bão, có chăng chỉ là khả năng chống chịu được một phần gió bão để giảm thiểu thiệt hại. Trước mắt, cần thiết lập vành đai chắn gió đối với diện tích cao su đại điền (diện tích lớn). Cao su tiểu điền (diện tích nhỏ lẻ) thì không nên kỳ vọng hoàn toàn vào đai chắn gió. Do đó, cần tăng thêm mật độ trồng và trồng xen ghép các loại cây ngắn ngày để khấu bù trừ thiệt hại trong thiên tai cũng như tạo tán chắn gió. Sở NN-PTNT các địa phương và người trồng cao su nên lưu tâm đến vấn đề cây giống, kỹ thuật cạo mủ vì cạo mủ sớm thì năng suất thấp và dễ gẫy hơn vì gió. Bên cạnh đó, mật độ trồng cao su quá dày làm cản gió đã làm cho cây bị đổ, ngã do bão. Một nguyên nhân nữa là người trồng không nên “vắt kiệt” cây cao su trong 6 ngày liền mới nghỉ 1 ngày, trong khi kỹ thuật canh tác yêu cầu 2 ngày khai thác, 1 ngày nghỉ.

Người Pháp bỏ ý định trồng cao su ở miền Trung 
Người Pháp đưa cây cao su từ Indonesia vào Việt Nam, trồng đại trà từ đầu thế kỷ XX ở miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên, họ đã nghĩ đến việc trồng loại cây này trên đất miền Trung. Tuy nhiên, vốn rất cẩn trọng trong mỗi bước đi để triển khai các dự án, họ đã phải đợi cơ quan chuyên môn của ngành khí tượng cung cấp các thông số về gió bão trong vòng 10 năm, để có kết luận cuối cùng, nên hay không trồng cao su ở miền Trung. Câu trả lời cuối cùng là không. Vì kết quả khảo sát trong 10 năm liên tục, bình quân mỗi năm ở miền Trung có ít nhất 3 cơn bão đổ bộ. Trong 3 cơn bão ấy, có 1 cơn sức gió ít nhất là cấp 8 - 9, đủ để hạ gục rừng cao su - giống cây luôn phải để nhiều cành, xòe tán rộng để lá quang hợp tốt nhằm tạo được nhiều mủ. Và mỗi lần bão gió xô đẩy, cây cao su giảm tuổi thọ, ảnh hưởng mạnh đến quá trình tái sinh làm mủ và phát sinh các loại bệnh…

Theo  SGGP

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây