“Bầu” Đức chia sẻ về nghiệp… chăn bò

Thứ tư - 07/06/2017 04:11
Đang theo nghiệp bóng đá, đột nhiên “Bầu” Đức, cái tên thân thiện được mọi người đặt cho ông Đoàn Nguyên Đức- Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), lại đi nuôi bò và thực tế đã chứng minh, ông đang khá thành công với nghiệp chăn bò của mình.
Dân Việt tháng này đã có cuộc trò chuyện với “Bầu” Đức về công việc nuôi bò khá thú vị.

Đủ sức nuôi 1 triệu con bò

Ông Đoàn Nguyên Đức (ngoài cùng bên trái) giới thiệu quy trình nuôi bò cho nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh- Võ Kim Cự.

Tên tuổi của ông gắn liền với đội bóng xứ núi HAGL, giờ đây ông lại nổi trong lĩnh vực nuôi bò. Ông có thể chia sẻ, lý do nào dẫn ông tới quyết định đó?

- (Cười). Nói về con bò cũng nhiều chuyện vui. Ngày xưa, con cái mỗi khi học hành không được hoặc lười, các cụ thường doạ, học dốt thì sau này chỉ có nước đi chăn bò. Nhưng giờ thì khác, chăn bò hay chăn cừu gì cũng được, miễn là có nhiều tiền, mà không sợ bị thiên hạ chê là dốt.

Người dân nước ta nuôi bò thịt thường nuôi theo kiểu “thả cỏ”, ông tuy… đi sau nông dân, nhưng lại mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi bò thịt theo quy mô công nghiệp. Vì sao ông lại lựa chọn mô hình này?

Đàn bà của ông Đức đang được chăn nuôi ở Gia Lai

- Tôi là người không thích làm ăn “cò con”, đã nuôi bò thì phải ra nuôi. Nhưng để nuôi được bò thịt theo quy mô công nghiệp, tôi cho rằng nếu không có đất là thua. Đất là yếu tố quyết định đầu tiên, thứ hai là khoa học công nghệ. HAGL có lợi thế là sẵn quỹ đất rộng trên 100.000ha ở Việt Nam, Lào và Campuchia, cộng thêm tiềm lực vốn và công nghệ hiện nay, chúng tôi thừa sức nuôi 1 triệu con bò sinh sản. Quan trọng nhất để nuôi bò thành công là phải có quỹ đất để trồng cỏ nhằm tự túc thức ăn chăn nuôi.

Hiện chúng tôi tự túc được 70% thức ăn chăn nuôi, thì không có gì là không thể thành công. Đến nay, HAGL đã có 120.000 con bò trong đó chỉ có 10.000 bò sữa, còn lại là bò thịt và bò sinh sản. Theo kế hoạch, đến năm 2016, chúng tôi sẽ nâng tổng số bò lên 250.000 con.

Người ta vẫn nói, ông Đức thành công là nhờ có nhiều đất ở bên Lào, chứ nếu cũng ở Việt Nam, thì lấy đâu ra đất mà nuôi bò?

- Việt Nam không phải không có đất mà còn nhiều triệu ha đất đang bỏ hoang ở các nông lâm trường quốc doanh, làm ăn không có lãi nhưng cứ giữ đất. Doanh nghiệp nhìn thấy đất đó thì rất “thèm”, nhưng không làm gì được. Bản thân tôi nhiều lần tiếp cận nhưng không thể lấy được vì đó là đất đó là của nhà nước. Dù có nhiều chính sách về quỹ đất này nhưng không dễ để doanh nghiệp có được.

Người ta nghi ngờ, ông mua bò của Úc giá đắt nhưng về nước lại bá “phá giá” với giá rẻ, nên ảnh hưởng tới những nông dân nuôi bò khác trong nước?

 - Giá cả là phải do thị trường quyết định, hiện giá thịt bò trên thị trường cũng lên xuống liên tục, có lúc là 68-70.000 đồng/kg (bò hơi). Còn người tiêu dùng thì phải bỏ ra trung bình 200.000 đồng ăn 1kg thịt bò (phổ thông), các loại thịt bò cao cấp thì còn đắt hơn nhiều. Hiện giá thịt bò của Việt Nam so với các nước khác đang quá cao. Nguyên tắc đưa bò Úc về nuôi của chúng tôi là phải có lãi, nếu không có lãi thì nuôi bò làm gì. Còn nói là ảnh hưởng tới nông dân, tôi cho rằng mọi thứ phải theo quy luật của thị trường.

Sẽ có thương hiệu thịt bò riêng

Ông có thể chia sẻ thêm, bò của HAGL đang được bán như thế nào, liệu ông có tính tới xuất khẩu sản phẩm thịt bò trong tương lai?

- Trước mắt, cChúng tôi chưa đầu tư ngay được cơ sở giết mổ, chế biến nên tạm thời đang bán cho các lò giết mổ, trung bình mỗi ngày bán được 200 con khu vực Hà Nội và 100 con khu vực TP. Hồ Chí Minh. Còn trong kế hoạch của công ty, dự kiến năm 2016 chúng tôi sẽ đầu tư giết mổ và làm thương hiệu bò thịt để tung ra thị trường. Ngoài bán trong nước thì chúng tôi cũng sẽ hướng tới tìm thị trường xuất khẩu. Kế hoạch của chúng tôi là không mở rộng thêm ngành nghề mà hướng vào chất lượng, chuyên sâu như tăng lượng bò sinh sản, giảm nhập khẩu tiến tới không nhập khẩu giống nữa, như vậy mới bền vững. Như năm vừa qua, chúng tôi phải bỏ ra 120 triệu USD để nhập khẩu giống. Dự kiến 2-3 năm nữa HAGL sẽ không nhập khẩu bò giống nữa.

Nuôi một lượng bò lớn như vậy, chất thải từ phân bò ra chắc chắn rất lớn. Vậy ông xử lý nguồn chất thải này như thế nào?

- Trong nông nghiệp, có thể nói là mọi thứ đều tận dụng được, không phải bỏ thứ gì. Từ bã mía có thể cho bò ăn, có thể đưa vào phát điện đến phân bò dùng cho trồng trọt. Trước đây, mỗi ngày HAGL phải nhập 300 triệu tiền phân cho trồng trọt, nhưng bây giờ nuôi bò đã có thể tự túc được phân cho trồng trọt. Nếu tính ra giá trị khoảng 1 tỷ tiền phân mỗi ngày. Nói dễ hiểu như thế này, chúng tôi dùng phân bò để trồng cỏ, mía rồi bò lại ăn cỏ, mía sau đó thải ra phân lại trồng cỏ, mía…

Vùng trồng nguyên liệu thức ăn cho bò được thu gom hiện đại hóa.

 Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), khi đó ngành chăn nuôi bò nước ta được cho là yếu thế so với các nước có tiềm lực mạnh như Úc, New Zealand. Ông có tự tin mình sẽ thành công và đủ sức cạnh tranh khi vào TPP?

- Chúng tôi chỉ mới bắt đầu tham gia vào nuôi bò từ 2014, nên đã lường trước các thách thức về hội nhập, trong đó có TPP. Trước khi đầu tư vào nuôi bò, chúng tôi đã phân tích rất kỹ các tác động của thị trường rồi. Hiện nay, công nghệ nuôi bò của chúng tôi và Úc, New Zealand tương đương nhau, giống bò cũng giống nhau song doanh nghiệp Việt Nam lại có lợi thế về thị trường. Hiện nay, chi phí vận chuyển bò từ Úc sang Việt Nam chiếm tới 30% giá thành, trong khi giá bò ở Úc là 2 USD/kg nhưng sang Việt Nam bán với giá 3,1 USD/kg do chi phí vận chuyển, thuế… Chưa kể bò chở sang Việt Nam còn bị hao hụt.

Vì vậy, nuôi bò Úc trong nước sẽ có lợi hơn về giá. Nếu người Việt Nam chịu làm, cơ  hội thắng bò Úc (nhập khẩu nguyên con) không phải là vấn đề quá lớn. Mặt khác, dù chưa chính thức vào TPP, nhưng với bò thì Việt Nam hiện nay cũng đã như mở cửa rồi do thuế nhập khẩu bò từ Úc về cũng chỉ còn 5% và theo cam kết sẽ giảm về 0%. Đối với doanh nghiệp, 5% thì không phải là một lợi thế lớn.

Nhiều người giờ họ cứ gọi và gắn cho ông cái tên mới là “đại gia chăn bò”. Đã có lúc nào ông nghĩ mình lại thành công ở lĩnh vực này?

- Chăn bò thì có sao, miễn là kiếm được nhiều tiền. Hiện trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp của HAGL mía đường, cọ dầu, cao su…bò đang là lĩnh vực đem lại nguồn thu lớn. Tất nhiên, mọi thứ đều phụ thuộc vào thị trường, không thể nói trước được điều gì. Trước đây chẳng ai nghĩ giá dầu thế giới từ hơn 100 USD/thùng, giảm xuống còn 40 USD hay giá cao su của thế giới cũng giảm thê thảm. Còn ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn thấy “học dốt” được đi chăn bò đã sướng.

Xin cảm ơn ông!

“Không chỉ có thách thức mà cơ hội cho chăn nuôi khi hội nhập cũng rất lớn. Muốn nắm bắt được thời cơ này thì đầu tiên phải từ Chính phủ, quy hoạch lại ngành chăn nuôi, vùng nào cho chăn nuôi gia cầm, đại gia súc cần rõ ràng.  Ngoài ra, phải có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chứ chỉ nông dân thì không đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn lớn của thế giới mà phải có doanh nghiệp mới có điều kiện đầu tư công nghệ, con giống… ”.


Theo Dân Việt

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây