Ấn tượng nông thôn mới Hà Tĩnh

Thứ tư - 07/06/2017 04:50
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Hà Tĩnh là một tỉnh xuất phát thấp với số tiêu chí bình quân chỉ mới đạt 4,1 tiêu chí/xã vào năm 2011.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Võ Kim Cự (thứ 5 từ trái sang) kiểm tra mô hình nuôi cá mú ở xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên

Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực và cách làm sáng tạo, tạo ra sự chuyển biến lớn, đạt kết quả toàn diện, vững chắc, với nhiều dấu ấn nổi bật.

Thay đổi toàn diện

Về Hà Tĩnh trước ngày Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, trong không khí rộn ràng, tưng bừng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay toàn diện của con người và mảnh đất nơi đây.

Chỉ sau 10 năm, từ một tỉnh không có công nghiệp, Hà Tĩnh đã phát triển lên nhiều khu công nghiệp, trong đó phải kể đến Khu công nghiệp Vũng Áng. Đặc biệt, là một tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp nhất trong khu vực, song sau 10 năm Hà Tĩnh đã vượt trội lên tất cả. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2015 Hà Tĩnh thu ngân sách đạt trên 9 ngàn tỷ đồng...

Nói về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM, kinh tế nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh phát triển khá toàn diện, thu nhập người dân được tăng lên đáng kể. SX nông nghiệp tăng trưởng nhanh, một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp sớm được triển khai thực hiện, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, theo hướng “Doanh nghiệp hóa, liên kết hóa, xã hội hóa, quốc tế hoá” theo chuỗi “vừa tập trung, vừa phân tán”, ứng dụng nhanh một số tiến bộ khoa học công nghệ mới đạt hiệu quả cao... tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, hiệu quả SX, góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, giai đoạn 2011-2014 đạt 6,19%/năm.


Hội thi NTM ở Thạch Hà

Các hình thức tổ chức SX phát triển nhanh. Một số tập đoàn, DN lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển chuỗi liên kết SX - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, từng bước thể hiện vai trò “bà đỡ” cho SX nông hộ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế hợp tác và hình thành các DN vừa và nhỏ ở nông thôn.

Nhiều cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được thành lập, thu hút được nhiều dự án đầu tư, một số làng nghề truyền thống được khôi phục; thương mại, dịch vụ được mở rộng... góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng khá. Năm 2014 đạt gần 20 triệu đồng (tăng 2,3 lần so với năm 2010), năm 2015 dự kiến đạt trên 23 triệu đồng (tăng 2,7 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến nay còn 6,7% (giảm 17,21%), cuối năm 2015 dự kiến giảm còn dưới 5%.

Trong gần 5 năm xây dựng NTM, toàn tỉnh đã nhựa hóa và bê tông hóa hơn 3.457 km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa 719 km kênh mương nội đồng; xây dựng 610 km đường điện; đầu tư, nâng cấp 330 trường học, 91 trạm y tế; xây dựng, nâng cấp 101 nhà văn hóa xã, 72 khu thể thao xã, 968 nhà văn hóa thôn, 880 khu thể thao thôn, 56 khu nghĩa trang, 61 điểm tập kết chất thải rắn, xoá bỏ 13.260 nhà tạm.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, nhất là hạ tầng phục vụ SX, phúc lợi thiết yếu, góp phần tạo ra diện mạo mới, khởi sắc cho nông thôn ở nhiều địa phương.

Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được quan tâm và có bước phát triển; chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa được nâng lên; các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống được quan tâm, bảo tồn và phát huy; chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được cải thiện; môi trường được cải thiện một bước. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố; an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.

26 xã đạt chuẩn

Ông Trần Huy Oánh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, đến nay Hà Tĩnh đã có 26 xã đạt chuẩn NTM, không còn xã dưới 7 tiêu chí, số tiêu chí bình quân theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM đạt 12,08 tiêu chí/xã (theo Bộ tiêu chí của tỉnh đạt 10,6 tiêu chí/xã); dự kiến cuối năm 2015, có thêm 26 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 52/230 xã và không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí.

Nói về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong phong trào xây dựng NTM, ông Đặng Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM, cho biết: “Kể từ khi bắt tay vào cuộc xây dựng NTM đến nay, SX nông nghiệp luôn tăng trưởng nhanh. Một số sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa chủ lực, mang tính đột phá theo hướng hiện đại. Tái cấu trúc ngành nông nghiệp sớm được triển khai từ năm 2011 bên cạnh gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chuỗi”.

Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã phát triển trên 8.000 mô hình kinh tế vừa và nhỏ, trong đó chú trọng đầu tư mô hình đại trà để nông dân có điều kiện phát triển. Đồng thời hạn chế đầu tư tập trung phát triển đối với mô hình lớn, ít đối tượng được hưởng lợi.


Trang trại bò sữa Vinamilk ở Hương Sơn

Vì vậy, với sự quan tâm đầu tư trên, tính bình quân thu nhập từ các mô hình kinh tế hộ gia đình như chăn nuôi lợn, bò, gà, cây ăn quả, cánh đồng lớn ở một số địa phương như: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Can Lộc... đều đạt từ 150-300 triệu đồng/mỗi gia đình/mỗi mô hình.

Về xây dựng các mô hình vừa ở các huyện miền núi như Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, tập trung phát triển theo hướng tận dụng ưu thế từ đất trống, đồi trọc phát triển trồng rừng nguyên liệu, trồng cây ăn quả đến tổ chức các khu chăn nuôi lợn tập trung theo hướng trang trại. Nông dân đã biết phối kết hợp với các DN lớn như Tổng Cty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Tập đoàn CP để đầu tư chăn nuôi lợn khép kín về thức ăn, con giống và tiêu thụ. Bình quân mỗi mô hình cho thu nhập từ 1 đến 3 tỷ đồng...

Cũng theo ông Sơn, về các mô hình lớn, tỉnh đã có chủ trương đầu tư hỗ trợ vốn ưu đãi cho các mô hình nuôi cá mú, nuôi tôm trên cát dọc theo bờ biển ngang. Bình quân mỗi mô hình có diện tích hồ nuôi đạt từ 3-10ha, nguồn vốn đầu tư từ 4-10 tỷ đồng, cho doanh thu mỗi năm đạt từ 3-5 tỷ đồng. Có những mô hình phát triển lên tới gần chục tỷ đồng/năm.


Phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn ở huyện Lộc Hà

Có thể nói, Hà Tĩnh xây dựng NTM đã luôn quan tâm về thu nhập và giải quyết việc làm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới mục đích bền vững.

Đi trên các vùng quê Hà Tĩnh hôm nay, chúng ta ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng của bộ mặt NTM. Sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vì công cuộc đổi mới để đưa lại một diện mạo nông nghiệp, nông dân, NTM đầy ấn tượng. Đời sống dân sinh ngày một nâng cao. Thành quả hôm nay là tiền đề để Hà Tĩnh tiếp tục bứt phá trở thành tỉnh điển hình của cả nước phát triển toàn diện nói chung, NTM nói riêng.

Nhiệm kỳ 2015-2020 Hà Tĩnh tập trung nâng cao đời sống cư dân nông thôn, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng; tăng mức độ đạt chuẩn của tất cả các tiêu chí, có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM, 2-3 huyện đạt chuẩn huyện NTM, không còn xã dưới 12 tiêu chí; có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Theo Anh Bình nông nghiệp

Nguồn tin: hatinhnews.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây