Hôm nay 10/12, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Tại kỳ này, giá xăng dầu được dự báo sẽ tiếp tục giảm giá.
Cụ thể, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM chia sẻ với VnExpress, 15 ngày qua có thời điểm giá xăng giảm xuống dưới 80 USD một thùng. Do đó, kỳ điều hành này, giá bán lẻ trong nước có thể giảm mạnh.
Vị này cho biết thêm, theo tính toán của doanh nghiệp, nếu không trích Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm quanh mốc 1.400-1.700 đồng/lít, còn dầu giảm 700-900 đồng. Trường hợp nhà điều hành trích Quỹ bình ổn với xăng theo tỷ lệ 50/50, giá xăng sẽ giảm 700-900 đồng/lít.
Nếu dự đoán chính xác, thị trường xăng dầu sẽ chứng kiến hai lần giảm mạnh liên tiếp sau chuỗi tăng giá lập đỉnh sau 7 năm. Ảnh: CT
Trước đó, theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 6/12 cho thấy: Xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 về mốc 80,06 USD/thùng; còn xăng RON 95 là 82,57 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu diesel là 81,13 USD/thùng.
Có thể thấy, giá xăng dầu thế giới tiếp tục xu hướng giảm khá mạnh với chu kỳ trước. Tại chu kỳ 15 ngày trước ngày điều chỉnh hôm 25/11, giá bình quân xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 là 91,98 USD/thùng; 94,44 USD/thùng xăng RON 95; 91,49 USD/thùng dầu diesel; 89,4 USD/thùng dầu hỏa; 453,685 USD/tấn dầu mazut.
Trước phiên giảm giá hôm 25/11, thị trường xăng dầu đã lập đỉnh khi trải qua 5 lần tăng liên tiếp, kể từ ngày 10/9. Trong đó, phiên tăng mạnh nhất là ngày 26/10 khi mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 1.430 đồng; RON 95 tăng 1.460 đồng/lít. Các loại dầu cũng tăng cao, trong đó dầu diesel tăng 1.170 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.010 đồng/lít.
Lãi suất tiết kiệm đồng loạt tăng, nhà giàu mang 100 tỷ gửi ngân hàng
Đầu tháng 12, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng mạnh dành cho khách hàng cá nhân để hút tiền gửi, đồng thời áp dụng nhiều chương trình ưu đãi, tặng quà. Mức tăng lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng từ 0,1 đến gần 1 điểm %/năm.
Theo biểu lãi suất áp dụng từ 1/12 của GPBank, lãi suất tiết kiệm của nhà băng này sẽ tăng 0,5 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại GPBank là 6,5%/năm, cho kỳ hạn 13 tháng.
Từ tháng 12, Eximbank cũng tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1-0,3 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Theo đó, lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 5 tháng tăng lên 3,8%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,6%/năm; kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,7%/năm,...
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn từ tháng 12. Với kỳ hạn từ 3-5 tháng, lãi suất huy động tăng 0,1 điểm %, lên mức 3,5%/năm. Kỳ hạn 7 tháng và 8 tháng tăng đồng thời 0,1 điểm % và cùng niêm yết với mức 5,4%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiền gửi đã tăng 0,2 điểm %, lên mức 6%/năm.
Một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi
Không chỉ tăng lãi suất huy động tại quầy, để khuyến khích người dân gửi tiết kiệm trực tuyến (online) trong mùa dịch, nhiều nhà băng tung chương trình ưu đãi nhận quà và cộng thêm lãi suất khi gửi tiết kiệm online.
Kienlongbank vừa tăng lãi suất huy động từ 0,16-0,26 điểm % với một số kỳ hạn với khách gửi tiết kiệm online, như gửi kỳ hạn 9 tháng được hưởng lãi suất 5,96%/năm, tăng thêm 0,26 điểm %/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,16 điểm %/năm, lên 6,76%/năm so với trước đó.
Tương tự, VPBank cũng tăng lãi suất gửi tiết kiệm online ở một số kỳ hạn tới 0,4-0,8 điểm%/năm. Khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng theo phương thức online, số tiền gửi từ 50 triệu trở lên, khách hàng được hưởng lãi suất tới kịch quy định cho phép là 4%/năm, cao hơn so với mức 3,2%/năm trước đó.
Trước đó, vào đầu tháng 11, một số ngân hàng cũng tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi là hoàn toàn hợp lý, bởi lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp nhất nhiều năm qua khiến nhiều người dân rút tiền ra khỏi ngân hàng đổ vào bất động sản, chứng khoán.
Dịp cuối năm, nhu cầu về vốn của doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tăng lên. Vì thế, lãi suất tiền gửi cũng tăng để thu hút người dân gửi tiền. Nếu ngân hàng có lượng tiền gửi thấp sẽ không đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khác của ngân hàng.
Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, lãi suất tiết kiệm vừa qua giảm mạnh khiến tốc độ tăng trưởng huy động thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng cho vay, vì thế các ngân hàng không thể giảm thêm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay.
Giá urê trong nước thiết lập kỷ lục mới
Ảnh minh họa: Báo điện tử Cần Thơ
Trong tháng 11 và đầu tháng 12, giá các mặt hàng phân bón trong nước tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao theo xu hướng chung của thị trường thế giới.
Trong đó, giá phân bón urê tính đến ngày 7/12 đã vượt qua kỷ lục của năm 2008 khi chạm ngưỡng 18.000 – 19.000 đồng/kg tại TP.HCM, tăng thêm 19 - 29% (tương ứng tăng 3.000 – 4.000 đồng/kg) so với cuối tháng 10 và tăng 60 – 70% chỉ sau hơn 2 tháng trở lại đây.
Giá các mặt hàng phân bón khác cũng tăng nhưng với biên độ chậm hơn, Kali và NPK tăng 1.000 – 1.500 đồng/kg; Giá DAP Đình Vũ tăng nhẹ 200 đồng/kg, lên mức 19.000 đồng/kg; DAP Trung Quốc tăng 500 – 1.000 đồng/kg, lên mức 23.000 đồng/kg.
Như vậy, giá phân bón urê hiện đã tăng 2,7 lần so với đầu năm nay, còn các mặt hàng phân bón khác cũng tăng từ 2 – 2,5 lần.
Giá phân bón tăng phi mã đang đẩy chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao, đặc biệt là sản xuất lúa gạo vụ Đông Xuân 2021-2022. Trước đây, chi phí cho phân bón chiếm khoảng 24% tổng chi phí sản xuất lúa, nhưng nay chi phí cho phân bón có thể đã lên tới 40-50%.
Điều này khiến cho người nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, bởi giá lúa gạo tại ĐBSCL trong hơn một tháng trở lại đây sụt giảm 200 – 300 đồng/kg sau khi có thông tin thị trường tiêu thụ lớn nhất của nước ta là Philippines có động thái hạn chế mua vào do được mùa.
Trong khi đó, giá các mặt hàng nông sản khác như cà phê, hạt tiêu... dù tăng nhưng cũng khó có thể bù đắp được chi phí phân bón, vật tư nông nghiệp tăng 2-3 lần như hiện nay.
Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có giải pháp hạ nhiệt giá phân bón tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất, qua đó tiết giảm chi phí đầu vào và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, giá phân bón thế giới có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao ít nhất là cho đến hết quý I/2022.
Link gốc: https://danviet.vn/kinh-te-nong-nhat-gia-xang-dau-co-giam-soc-gia-ure-trong-nuoc-thiet-lap-ky-luc-moi-hom-nay-20211210100435092.htm