Để có cái nhìn khách quan hơn, chúng tôi đã có trao đổi với đại diện một số Sở Giáo dục và Đào tạo để ghi nhận về quan điểm của ngành giáo dục các địa phương về vấn đề này.
Xác nhận thông tin từ ông Nguyễn Quốc Anh - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh chúng tôi được biết rằng, quyết định công nhận đặc cách trên là quyết định mà Sở này tự đề ra chứ không có văn bản nào của cấp trên quy định về việc này.
Không những thế, đây là năm thứ 3 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh ban hành quyết định đặc cách cho các học sinh có điểm IELTS môn tiếng Anh từ 6.5 trở lên không phải dự thi nhưng vẫn được công nhận là học sinh giỏi cấp tỉnh.
Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, việc này nhằm mục đích khuyến khích và động viên tinh thần cho các em học sinh có các giải thưởng quốc tế về môn tiếng Anh chứ không có động lực nào khác.
Theo đó, việc đặc cách này không chỉ áp dụng với học sinh mà những giáo viên có thành tích cao, đạt các chứng chỉ quốc tế thì tùy theo từng cấp học, Sở cũng áp dụng các mức hỗ trợ khác nhau cao nhất lên tới 15 triệu đồng.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh (Ảnh: Lại Cường)
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An thì được biết, tỉnh này cũng đã áp dụng chương trình đặc cách cho các học sinh có điểm IELTS từ 6.5 môn tiếng Anh trong năm học 2019.
Việc đặc cách tại Nghệ An được biết là do thực hiện theo đề án nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho học sinh trong tỉnh này.
Phạm vi áp dụng với học sinh tỉnh này cũng tương đối rộng, bởi không chỉ riêng các khối trường chuyên mà với các trường Trung học phổ thông bình thường cũng được Sở này thực hiện nếu có các học sinh đạt các tiêu chí cho phép.
Phóng viên đặt ra câu hỏi với vị lãnh đạo này về việc liệu có hay không sự thiếu công bằng giữa các học sinh khi việc đặc cách này chỉ diễn ra ở một vài địa phương riêng lẻ, và nó cũng không có văn bản chỉ thị nào từ cấp trên.
Vì thực tế những em được công nhận có thành tích học giỏi cấp tỉnh thì khi xét tuyển đầu vào đại học những trường hợp này được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An (Ảnh: Báo Nghệ An)
Trả lời về việc này, ông Thái Văn Thành cho biết: “Công bằng hay không thì mình không thể truy xét được vì cái này chúng tôi áp dụng theo đặc thù và khả năng của địa phương.
Nghĩa là chúng tôi thực hiện trên phạm vi cho toàn tỉnh, cơ hội cho các em là như nhau chứ không ảnh hưởng gì đến việc công bằng hay không cả. Xét thấy việc này địa phương chúng tôi có khả năng thì chúng tôi áp dụng thôi.
Nói chung, đề án này là chúng tôi thực hiện độc lập tại một địa phương chứ không phải là mặt bằng chung để thi tuyển cho cả nước.
Nếu như cả nước đều phải thực hiện chương trình này, mà có một vài địa phương mình không chọ họ thực hiện thì mới là không công bằng.
Mục đích của chương trình này cũng chỉ là muốn khuyến khích và thúc đẩy chất lượng và phong trào học ngoại ngữ của học sinh trong tỉnh nhà đi lên”.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang cho rằng: “Sự việc ở Hà Tĩnh chúng tôi cũng đã nắm được. Hiện tại chúng tôi vẫn chưa áp dụng, nhưng sắp tới cũng đang nghiên cứu để áp dụng một số chính sách nữa chứ không riêng gì về vấn đề đặc cách này.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã trình dự thảo văn bản và gửi xin ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang để xem xét giải quyết được thực hiện việc này”.
Trung Dũng
Theo giaoduc.net.vn
Link gốc: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/khong-chi-ha-tinh-nghe-an-cung-dac-cach-cong-nhan-hoc-sinh-gioi-post214327.gd