Khi nhà đầu tư bị “lật kèo”

Thứ hai - 10/01/2022 13:41
Thị trường chứng khoán (TTCK) trong những phiên giao dịch cuối năm chứng kiến nhiều pha “lật kèo” với chiêu tung tin xấu để đè giá cổ phiếu (CP) và gom hàng giá rẻ. Dù đây là chiêu thức không mới nhưng vẫn khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) F0 bị thiệt hại nặng.
 
2022011006
Sự cố tại nhà máy điện than Vũng Áng cũng là sự cố của NĐT bị "lật kèo" trên TTCK.

Cổ đông nhỏ chịu thiệt

Phiên giao dịch ngày 24-12-2021, nhiều NĐT tranh nhau bán tháo mã POW (PV Power) với mức giá sàn 17.250 đồng/CP. Việc NĐT quyết định “tháo chạy” khỏi POW xuất phát từ thông tin doanh nghiệp này có khả năng bị lỗ nặng trong quý IV-2021.

Cụ thể, tại buổi gặp mặt NĐT trước đó 1 ngày, đại diện POW cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2021 ước đạt gần 2.200 tỷ đồng (giảm 24% so với cùng kỳ 2020). Nếu dựa trên ước tính sơ bộ này POW sẽ lỗ khoảng 124 tỷ đồng trong quý IV.

Đây cũng là lần đầu tiên POW có quý kinh doanh thua lỗ kể từ khi lên niêm yết trên TTCK đầu năm 2019 với giá tham chiếu 14.900 đồng/CP.

Nguyên nhân khiến POW thua lỗ trong quý IV-2021 do phát sinh các chi phí bảo dưỡng sửa chữa và sự cố kỹ thuật của Nhà máy điện than Vũng Áng (Hà Tĩnh). Nhà máy này bị sự cố kỹ thuật từ tháng 9-2021 và dự kiến sửa xong trong quý III-2021. Sự cố đã khiến sản lượng điện từ nhà máy Vũng Áng giảm 63% trong 2 tháng 10 và 11-2022.

Tuy nhiên, ngay sau phiên giảm giá kinh hoàng này, giới đầu tư bất ngờ đón nhận liên tiếp các thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất của POW theo chiều hướng khả quan hơn rất nhiều.

Trước đó, công ty đã mua bảo hiểm tài sản và bảo hiểm gián đoạn kinh doanh của nhà máy Vũng Áng. Hiện POW đang làm việc với công ty bảo hiểm/đơn vị giám định độc lập để tiến hành kiểm tra đánh giá thiệt hại, xem xét đến việc chi trả bảo hiểm theo hợp đồng.

Sau những thông tin tích cực này, POW quay đầu tăng trở lại trong phiên ngày 25-12-2021 và 4-1-2022 trong sự ngỡ ngàng của NĐT đã bán tháo phiên trước đó.

Cổ đông của PTL (Petroland) cũng có phen “thót tim” sau khi doanh nghiệp này bất ngờ công bố lấy ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết tự nguyện sau hơn 11 năm giao dịch trên sàn HoSE. Nhiều cổ đông quyết định bán ra PTL ở mức giá hơn 10.000 đồng/CP vì lo ngại CP mất thanh khoản nếu bị ngưng giao dịch.

Tuy nhiên, trong thông báo mới đây, HĐQT của PTL công bố kế hoạch tổ chức ĐHCĐ bất thường nhưng không có tờ trình xin hủy niêm yết.

Đặc biệt, HĐQT của PTL còn có tờ trình về kế hoạch nâng giá trị vốn hóa lên 10.000 tỷ đồng. Sau thông tin này, PTL có chuỗi tăng giá lên gần 19.000 đồng/CP khiến NĐT chịu thiệt hại nặng nếu bán ra CP trong tháng 11-2021.  

Doanh nghiệp thiếu minh bạch

Theo giải trình của POW, phải 3 tháng sau sự cố Vũng Áng, nhiều cổ đông mới biết thông tin này. Theo phản ánh của một cổ đông, trong các bản tin về tình hình sản xuất kinh doanh thời gian này, doanh nghiệp chỉ cập nhật vài dòng tin sơ sài như “đánh giá tình hình sự cố và gấp rút đề xuất, triển khai các phương án có hiệu quả để khắc phục, khẩn trương đưa Tổ máy số 1 vào vận hành”.

Các bản tin của Tổng công ty cũng chỉ cho thấy kết quả về kế hoạch sản lượng cũng như kế hoạch doanh thu các tháng sau sự cố xảy ra.

Như vậy, nếu chiếu theo Thông tư 96/2020/TT-BTC, POW đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về công bố thông tin trên TTCK.

Cụ thể, theo Thông tư 96, doanh nghiệp phải công bố thông tin khi xảy ra các sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Khi công bố thông tin, công ty đại chúng phải nêu rõ sự kiện xảy ra, nguyên nhân và các giải pháp khắc phục (nếu có).

Với trường hợp PTL, theo ý kiến của những NĐT có kinh nghiệm đây là chiêu ép giá khá rõ ràng. Nếu nhìn vào các giao dịch bất thường của mã CP này trong thời gian gần đây, có thể dễ dàng nhận thấy ai là người hưởng lợi trong các chiêu trò này.

Đơn cử, CTCP Dịch vụ và Đầu tư BĐS Ngôi Sao Phương Nam đã bán ra gần 10,7 triệu CP PTL sau 3 tháng sở hữu. Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) cũng đã bán toàn bộ hơn 36 triệu CP PTL.

Phía ngược lại, hàng loạt “đại gia” đã mua vào hàng chục triệu CP để trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này. Mới nhất là ông Nguyễn Tấn Thụ, Chủ tịch HĐQT, đăng ký mua 10 triệu CP PTL. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 31-12-2021 đến 28-1-2022 theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

Hy vọng “bàn tay sắt”

Trả lời báo chí mới đây, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường UBCKNN, đã có những chia sẻ về tính minh bạch, chế tài xử lý các vi phạm trên TTCK. Theo bà Bình, các hành vi vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin vẫn luôn có số lượng nhiều nhất trên thị trường.

Những hành vi này chủ yếu bắt nguồn từ việc các chủ thể, đối tượng tham gia thị trường chưa nắm được hết quy định pháp luật, chưa quan tâm đến việc thực hiện các quy định pháp luật một cách chủ động. Thí dụ là các vi phạm về việc công bố thông tin nội bộ của người có liên quan.

Cũng theo bà Bình, UBCKNN đã tiến hành 31 đoàn kiểm tra tập trung vào các giao dịch có diễn biến bất thường của các CP. Trong năm 2021, UBCKNN đã ban hành 471 quyết định xử phạt hành chính, hiện đang phối hợp với Bộ Công an xử lý 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự liên quan đến việc thao túng giá trên TTCK.

Đặc biệt, UBCKNN đã tiến hành một số đoàn kiểm tra đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, từ đó cũng phát hiện một số hành vi vi phạm của các công ty chứng khoán cũng như các NĐT tham gia thị trường phát hành trái phiếu riêng lẻ.

 Những chiêu trò “lật kèo” là chuyện bình thường, nhưng với NĐT mới tham gia TTCK đây là những chiêu thức mới mẻ. Nhiều NĐT sau khi bán cắt lỗ vẫn không hiểu lý do vì sao CP tăng/giảm bất thường.
Kim Giang

Theo saigondautu.com.vn

Link gốc: https://www.saigondautu.com.vn/chung-khoan/khi-nha-dau-tu-bi-lat-keo-100888.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây