Ngã Ba Đồng Lộc – Tọa độ lửa, nơi huyết mạch giao thông ra tiền tuyến
Những ngày cuối tháng bảy lịch sử này, tôi tranh thủ lên thăm Ngã Ba Đồng Lộc để thắp một nén ương hương tưởng nhớ ngày giỗ của 10 nữ TNXP, 10 đóa hoa bất tử đã anh dũng ngã xuống cho tổ quốc mãi mãi trường tồn. Tại Ngã Ba Đồng Lộc hôm nay có hàng chục ngàn đoàn khách/ngày, trong đó có các đoàn khách cấp cao của Trung ương, các đoàn khách quốc tế với đông đảo những đồng đội của 10 cô gái với hàng ngàn du khách thập phương đổ về.
Đại úy binh đoàn pháo cao xạ Lê Văn Kiệm thời bấy giờ trao đổi với tác giả
Đại úy tiểu đoàn pháo cao xạ Lê Văn Kiệm thời bấy giờ người luôn túc trực ngày đêm trên mâm pháo, cũng là đơn vị bắn rơi 61 máy bay giặc Mỹ ngay trên bầu trời Hà Tĩnh nói chung, Ngã Ba Đồng Lộc nói riêng, ông tự hào kể với tôi: Ngã Ba Đồng Lộc, nằm trên tuyến Đường Trường Sơn huyền thoại – Đường Hồ Chí Minh, là một trọng điểm chiến lược quan trọng, nơi địch tập trung đánh phá ác liệt nhất nhằm cắt đứt con đường chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Chỉ tính riêng từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, nơi đây đã phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, biến mỗi mét vuông đất thành "tọa độ chết", chi chít hố bom, đất đá bị cày xới tan hoang.
Ảnh tư liệu
Trong mưa bom bão đạn ấy, hàng ngàn thanh niên xung phong, bộ đội, công nhân giao thông đã không quản ngại hiểm nguy, ngày đêm bám trụ, san lấp hố bom, sửa chữa đường, giữ vững mạch máu giao thông. Họ là những người anh hùng thầm lặng, với ý chí sắt đá "Địch phá một, ta làm mười". 57 năm đã trôi qua, nhưng khúc tráng ca bất tử, 10 bông hoa trinh liệt ấy vẫn vang vọng trong lòng dân tộc như một biểu tượng thiêng liêng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Nhân dân dâng hương dâng hoa 10 anh hùng ở Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh: TL
Tên tuổi của các chị, tuy không sinh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng họ đã bên nhau ngã xuống trong một khoảnh khắc, cho Tổ quốc VN mãi mãi trường tồn.
Đó là các chị: Võ Thị Tần, Nguyễn Thị Xuân, Hạ Thị Hy, Trần Thị Rạng, Trần Thị Sỉnh, Trương Thị Vân, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Hợi, Võ Thị Hà, và Hồ Thị Cúc – đã trở thành bất tử. Họ là những đóa hoa đỏ thắm, nở rộ giữa đất trời lửa đạn, là hiện thân của lòng yêu nước, của tinh thần sắt đá, không lùi bước trước kẻ thù. Máu xương của các chị đã hòa vào lòng đất mẹ, làm nên con đường nối liền hai miền Nam – Bắc, góp phần viết nên bản anh hùng ca của chiến thắng và hòa bình.
Kỷ niệm 57 năm, khúc ca bất tử giữa lòng đất Mẹ
57 năm, quãng thời gian đủ dài để hàn gắn những vết thương chiến tranh, nhưng nỗi đau và niềm tiếc thương vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim bao thế hệ. Ngày hôm nay, khi đất nước thanh bình, những con đường thẳng tắp, xe cộ ngược xuôi trên những tuyến quốc lộ từng bị bom cày nát, người ta vẫn dừng lại cúi đầu trước tượng đài Ngã ba Đồng Lộc – nơi 10 cô gái đang nằm cạnh nhau, như trong một giấc ngủ sâu của tuổi xuân bên núi rừng quê mẹ.
Sự hy sinh của các chị không chỉ là nỗi đau, mà còn là nguồn sáng soi đường cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đó là bài học về lòng dũng cảm, sự hy sinh, và trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Những đồng đội năm xưa với 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc ngày giỗ về thắp hương cho các bạn đã khuất
Trong không khí thiêng liêng của ngày tưởng niệm, ngày giỗ của các chị, từng nén nhang được thắp lên, từng giọt nước mắt rơi xuống lã tả – không chỉ để tri ân, mà còn là lời hứa của thế hệ hôm nay, sẽ sống xứng đáng với máu xương của những người đi trước, gìn giữ vẹn nguyên nền độc lập mà các chị đã đánh đổi bằng tuổi trẻ, bằng cả cuộc đời
Nơi ấy vẫn mãi là huyền thoại
57 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, nhưng Ngã Ba Đồng Lộc vẫn mãi là một địa chỉ đỏ linh thiêng, một khúc tráng ca bất tử về lòng yêu nước, ý chí quật cường và sự hy sinh cao cả của thế hệ trẻ Việt Nam. Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã Ba Đồng Lộc ngày nay đã trở thành nơi ghi dấu và tri ân những cống hiến to lớn của các anh hùng, liệt sĩ. Mỗi hố bom, mỗi con đường, mỗi hiện vật tại đây đều kể lại câu chuyện về một thời khói lửa, về những con người đã dũng cảm đối mặt với cái chết để bảo vệ sự sống cho con đường, cho đất nước.
Kỷ niệm 57 năm hi sinh của 10 bông hoa bất tử đã có hàng vạn du khách, các cựu chiến binh, đoàn viên, thanh niên và người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc lại về đây, dâng nén hương thơm, thắp những ngọn nến tri ân, mọi người đều lặng lẽ âm thầm tưởng niệm và học hỏi từ tấm gương sáng ngời của 10 cô gái. Đó không chỉ là sự tưởng nhớ mà còn là sự tiếp nối, truyền lửa cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Sự hy sinh của 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc là minh chứng hùng hồn cho tinh thần "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Các chị đã làm nên một huyền thoại, để lại cho chúng ta một di sản vô giá, lòng tự hào dân tộc, ý chí vượt khó, và tinh thần cống hiến quên mình, đến cả những người yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới đều nghiêng mình mến phục.
Tác giả nhà báo Anh Bình tặng sách cho khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc do Giám đốc Đặng Quốc Vũ đón nhận
Kết thúc bài viết này tác giả xin được trích lại lời cảm nghĩ của ông Trần Thế Dũng P.Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh: Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, hình ảnh 10 cô gái Ngã Ba Đồng Lộc vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận, nhắc nhở mỗi chúng ta về giá trị của hòa bình, độc lập. Chúng ta, thế hệ hôm nay, nguyện sẽ không ngừng học tập, lao động, và cống hiến để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, tươi đẹp, để những đóa hoa bất tử của Ngã Ba Đồng Lộc sẽ mãi mãi nở rộ, đưa hương thơm trong tâm hồn mỗi người con đất Việt hôm nay, mãi mãi về sau.