Sẽ rà soát lại toàn bộ dự án
Thời gian vừa qua, PV Infonet nhận được thông tin về việc, 18 hộ dân kinh doanh mực nhảy tại KKT Vũng Áng (thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh) có nhiều phản ánh về việc Trung tâm dịch vụ hạ tầng môi trường và đô thị thị xã Kỳ Anh (gọi tắt là trung tâm - PV) thu tiền xây dựng dự án “hạ tầng khu bè nổi kinh doanh hải sản T.X Kỳ Anh”, không đúng với quy định và việc xây dựng công trình trong giai đoạn 1 không thông qua luật đấu thầu.
18 bè nổi kinh doanh hải sản được yêu cầu di dời về khu vực mới để xây dựng cầu cảng số 3. |
Theo các hộ kinh doanh cho biết, thực hiện chủ trương di dời bè nổi, trả lại mặt bằng để xây dựng cầu cảng số 3 có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng ở khu vực cảng nước sâu Vũng Áng, chính quyền thị xã Kỳ Anh đã tiến hành di dời 18 bè nổi kinh doanh hải sản đến địa điểm mới phía sau đền Eo Bạch (cách địa điểm cũ 500m).
Trước đó, theo tìm hiểu của PV, do có 18 hộ dân kinh doanh hải sản nằm trong vùng dự án nên dự án xây dựng cầu cảng số 3 do Cty CP cảng Quốc tế Lào – Việt làm chủ đầu tư không có mặt bằng để thi công.
Khi tiến hành xây dựng các khu bè nổi, một số hộ kinh doanh tự ý xây dựng các hạng mục khi chưa được sự cho phép của chính quyền. |
Lý do để các chủ bè nổi kinh doanh hải sản đưa ra là “đã kinh doanh ở đây lâu dài rồi, công việc đang thuận lợi, nếu có di dời thì phải có thời gian!”.
Sau một thời gian dài thương thuyết với 18 hộ dân, Công ty CP Cảng Quốc tế Lào – Việt hỗ trợ chi phí để 18 hộ kinh doanh “nhường lại” mặt nước cho công ty này triển khai xây dựng, 18 hộ dân đồng ý với phương án là chuyển đến địa điểm mới.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án xây dựng hạ tầng cho người dân kinh doanh ở đia điểm mới, có một số vấn đề mà theo người dân cho là "chưa thỏa đáng, chưa đúng với quy định của pháp luật".
Ông Chu Văn Tiến (trú tại xã Kỳ Lợi, T.X Kỳ Anh), một trong 18 hộ mới chuyển đến địa điểm kinh doanh bè nổi mực nhảy tại Eo Bạch thắc mắc, cuối tháng 6 vừa qua, ông cùng 7 hộ gia đình làm nghề kinh doanh bè nổi mực nhảy được Trung tâm tổ chức cho bốc thăm (đợt 2) để chọn mặt bằng kinh doanh với chiều rộng 12 m, chiều dài theo lời ông Tiến là không quy định cụ thể.
Để có được mặt bằng đó, ông Tiến được thông báo phải nộp 325 triệu đồng. Đến nay, ông đã nộp 200 triệu đồng, số còn lại theo thông báo hạn cuối phải nộp là trong tháng 12/2018.
Do yêu cầu quá cấp bách, Trung tâm hạ tầng và môi trường đô thị được UBND thị xã yêu cầu phải xây dựng hạ tầng gồm: đường, bãi đỗ xe, đường ống dẫn nước điện chiếu sáng cho người dân kinh doanh |
Cũng theo ông Tiến, dù Trung tâm hạ tầng và môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh đã tổ chức thu tiền nhưng đến nay, họ chưa làm hợp đồng với toàn bộ 18 hộ kinh doanh ở đây. Điều này khiến các hộ hoang mang, vì tiền đã nộp hàng trăm triệu mà chưa có giấy tờ pháp lý trong tay.
Còn chị Chu Thị Hiền, bức xúc cho rằng, chủ đầu tư chỉ việc bạt đá trên núi xuống lấp biển làm con đường rồi bán 20 lô vị trí mặt nước cho các hộ kinh doanh với số tiền 325 – 360 triệu/lô tùy từng vị trí là quá đắt, không rõ chủ đầu tư căn cứ trên cơ sở nào để thu số tiền này.
“Việc thu tiền không có hợp đồng cũng khiến chị và nhiều hộ băn khoăn, không yên tâm”, chị Hiền nói.
Hài hòa lợi ích kích doanh của người dân và chủ đầu tư
Trao đổi với PV, ông Phan Duy Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, việc triển khai xây dựng hạ tầng cho người dân kinh doanh hải sản có nhiều thiếu sót. Đấy là trách nhiệm thuộc về UBND thị xã Kỳ Anh.
Tuy nhiên, ông Vĩnh khẳng định, việc 18 bè nổi mực nhảy tồn tại từ trước đến nay tại cảng Vũng Áng là do muốn tạo điều kiện cho người dân kinh doanh. Nhưng khi chủ đầu tư cần xây dựng cầu cảng thì bà con phải chấp hành chủ trương di dời.
Theo ông Vĩnh, trước đó, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu cảng số 3 do công ty CP cảng quốc tế Lào – Việt được Ban QL KKT tỉnh Hà Tĩnh bàn giao mặt bằng và cấp phép xây dựng các hạng mục.
Tuy nhiên, do việc 18 bè nổi kinh doanh hải sản kinh doanh không có phép của người dân xã Kỳ Lợi đang “đóng giữ” nên chưa thể triển khai được công tác GPBM để bàn giao cho chủ đầu tư.
Cũng theo ông Vĩnh, phía chủ đầu tư dự án đã nhiều lần gửi thông báo đến UBND thị xã Kỳ Anh và tỉnh yêu cầu được sớm GPMB và di dời 18 bè nổi ra khỏi vị trí đầu tư xây dựng bến cảng số 3.
Một số lượng lớn đá được người dân khai thác trái phép để xây dựng các bờ kè. |
Ngoài ra, thị xã cũng muốn duy trì thương hiệu “mực nhảy” vốn đã nức tiếng gần xa trong cả nước; nhắc đến Kỳ Anh thì phải nói đến “mực nhảy”.
Sau khi chọn được vị trí thích hợp cho người dân tiếp tục được kinh doanh hải sản, UBND thị xã Kỳ Anh đã thống nhất chọn Trung tâm làm nhà thầu thi công hạ tầng.
Lý do chọn Trung tâm dịch vụ chứ không đấu thầu công khai, ông Vĩnh cho rằng, lúc đầu, trong 18 hộ thì có 10 hộ đồng ý đi còn lại 8 hộ không đi . Do không có sự đồng thuận tất cả nên việc mời thầu gặp khó khăn.
Tuy nhiên, ông Vĩnh cũng thừa nhận, trong việc triển khai dự án thì thị xã Kỳ Anh chưa sát sao giám sát việc thực hiện dự án, để xảy ra một số thiếu sót. Vì vậy UBND thị xã đã họp bàn, sắp tới sẽ rà soát lại tất cả quy trình đầu tư cho đến việc triển khai dự án.
"Trước đó, tại khu vực này, UBND huyện Kỳ Anh cũ (nay là thị xã Kỳ Anh) đã tiến hành cưỡng chế các hộ kinh doanh dọc tuyến đường Quốc lộ 12C kinh doanh hàng quán lấn chiếm. Vụ việc đã xảy ra xô xát. Vì vậy, UBND thị xã Kỳ Anh đã phải rất cầu thị và hài hòa lợi ích của 18 chủ bè nổi với nhà đầu tư để đem đến giải pháp hữu ích nhất", ông Vĩnh cho biết.
“Quan điểm của thị xã là sai đến đâu thì xử lý đến đó, những chỗ nào vướng mắc mà người dân chưa hiểu thì tiếp tục vận động, hỗ trợ để đảm bảo quá trình kinh doanh của người dân không bị ảnh hưởng và công tác trật tự trị an được đảm bảo tuyệt đối,” ông Vĩnh nói.
Tác giả bài viết: Hà Vũ
Nguồn tin: Infonet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn