Phản ánh tới Báo TN&MT người dân thôn 11, xã Phúc Trạch cho biết, kể từ khi Nhà máy gạch Tuynel Phúc Trạch đi vào hoạt động (từ năm 2004 đến nay) người dân ở xã này đã hứng chịu rất nhiều hậu quả, từ ô nhiễm môi trường, đường sá bị hư hỏng bởi xe chở đất, cảnh quan tự nhiên bị biến đổi, nguồn nước phục vụ hoa màu trên cách đồng cạn kiệt do các hố làm gạch múc quá sâu. Thậm chí có cả những vụ chết đuối thương tâm xảy ra do các hố khai thác đất làm gạch để lại.
Trước những hậu quả đó người dân đã tự ý rào đường không cho xí nghiệp gạch tiếp tục khai thác đất đồng thời phản ánh lên chính quyền địa phương. UBND xã Phúc Trạch cũng đã có văn bản đề nghị Cty CP Lam Hồng, Phòng TN&MT huyện Hương Khê; Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có yêu cầu Xí nghiệp gạch Tuynel Phúc Trạch thực hiện đúng cam kết. Tuy nhiên, đơn vị này không đáp ứng yêu cầu của người dân, “bất tuân” đề xuất từ chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Văn Phẩm, nguyên Bí thư chi bộ, nguyên Chi hội trưởng Hội cao tuổi xóm 11, xã Phúc Trạch bức xúc: “Toàn bộ diện tích đất phục vụ cho xí nghiệp gạch vốn là đất sản xuất của nông dân xã Phúc Trạch. Khi xí nghiệp gạch tuynel được xây dựng, chính quyền địa phương đã vận động người dân nhường đất lại cho xí nghiệp gạch để đổi lấy công ăn việc làm cho con em địa phương. Đến nay việc làm cho con em trong xã đã không giải quyết được, người nông dân không những mất tư liệu sản xuất mà nguy hại hơn là hoạt động của xí nghiệp gạch đã để lại nhiều hậu quả nặng nề”.
“ Do hố khai thác đất làm gạch múc quá sâu, năm 2007 có 3 trẻ nhỏ không may bị sẩy chân xuống hố dẫn đến chết đuối”, ông Nguyễn Văn Thìn-chị hội trưởng Hội cựu chiến binh thông tin.
Trao đổi về việc Xí nghiệp gạch tuynel hoạt động trên địa bàn, bà Phan Thị Hà - Cán bộ địa chính xã Phúc Trạch đã dẫn chứng hàng loạt những tồn tại do đơn vị này gây ra, như: “Khu vực khai thác đất không có biển cảnh báo; khai thác quá độ sâu cho phép; các hố lấy đất được đào theo chiều thẳng đứng không khai thác theo mái trượt như đã được phê duyệt; không thực hiện hoàn tra mặt bằng đúng như cam kết. Xe cộ chạy trên đường gây ô nhiễm do đất đai rơi vãi dọc đường. Năm 2007 gây ra vụ chết đuối đối với 3 trẻ nhỏ khi sẩy chân xuống hố…”.
Mặc dù trong quá trình hoạt động Xí nghiệp gạch tuynel Phúc Trạch đã để lại những hậu quả nặng nề, nhưng mới đây đơn vị này lại được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép gia hạn thêm 10 năm để tiếp tục khai thác đất tại thôn 11, xã Phúc Trạch để phục vụ cho hoạt động sản xuất gạch của mình.
“Bây giờ tỉnh chấp nhận chủ trương, xã buộc phải chấp hành. Nhưng khi xí nghiệp gạch tiếp tục lấy đất khai thác phục vụ sản xuất chính quyền địa phương sẽ yêu xí nghiệp phải làm đường riêng. Trước đây tuyến đường vận chuyển đất từ bãi khai thác đến nhà máy dài 1,2 km là đường dân sinh. Trong quá trình vận chuyển đã làm hỏng đường, gây ô nhiễm môi trường bây giờ chính quyền địa phương sẽ cấm xí nghiệp gạch vận chuyển đất trên đoạn đường này”, ông Trần Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch thông tin.
Trả lời việc trong quá trình hoạt động sản xuất xí nghiệp gạch tuynel thực hiện không đúng cam kết ông Khánh thừa nhận hoạt động của nhà máy gạch đã gây bức xúc trong dư luận đối với nhân dân.
Để tìm hiểu biện pháp khai thác và phương pháp hoàn trả mặt bằng cũng như vấn đề bảo vệ môi trường PV Báo TN&MT đã trực tiếp gặp ông Trần Văn Phú - Giám đốc Xí nghiệp gạch tuynel Phúc Trạch thì được biết, ông chỉ là người mua lại nhà máy gạch từ Cty CP Lam Hồng từ năm 2017.
“Hiện toàn bộ thủ tục giấy tờ đang được ông Trần Văn Nhiệm-Giám đốc Cty CP Lam Hồng nắm giử. Bản thân tôi cũng chưa nắm được nội dung cụ thể như thế nào”, ông Phú thông tin.
“Hiện toàn bộ thủ tục giấy tờ đang được ông Trần Văn Nhiệm-Giám đốc Cty CP Lam Hồng nắm giử. Bản thân tôi cũng chưa nắm được nội dung cụ thể như thế nào”, ông Phú thông tin.
Báo Tài nguyên & Môi trường tiếp tục thông tin vấn đề này.