Thụ động và chậm trễ!
TP Hà Tĩnh bị bao vây bởi nước lũ. Ảnh: MH.
Trưa 20/10 nước lũ tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh bắt đầu rút nhưng rất chậm. Trời bắt đầu mưa nặng hạt trở lại.
Tại các xã vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ như Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Quang (Cẩm Xuyên); Thạch Lâm, Thạch Đài (Thạch Hà); Phường Đại Nài, Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh)... người dân vẫn liên tục cầu cứu lực lượng cứu hộ.
Trận "đại hồng thủy" lần này khiến cuộc sống người dân đảo lộn hoàn toàn, hầu hết bà con bức xúc cho rằng, hồ Kẻ Gỗ xả lũ với lưu lượng quá lớn trong thời gian ngắn chính là thủ phạm gây nên tình trạng ngập lụt vượt mốc lũ lịch sử năm 2010.
Hồ Kẻ Gỗ xả lũ với lưu lượng vượt mốc lịch sử trong thời gian ngắn được cho là nguyên nhân gây nên trận "đại hồng thủy" từ ngày 19 - 20/10. Ảnh: Gia Hưng.
Chị Lê Thị Huyền Trang, trú phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh bức xúc cho hay, sáng 18/10, gia đình chị (2 vợ chồng, 2 con nhỏ và người cháu 14 tuổi) vẫn sinh hoạt bình thường.
Trên loa phát thanh của phường phát thông báo nộp tiền nước mà không hề nhắc đến việc xả lũ hồ Kẻ Gỗ, tin nhắn điện thoại cũng không nhận được thông báo.
Đến khoảng 16h cùng ngày, thấy trên facebook đưa tin xả lũ hồ Kẻ Gỗ, anh chị vội vã di dời đồ đạc lên vị trị cao ráo nhưng một giờ sau, mọi nỗ lực của cặp vợ chồng đều công cốc.
Trong tích tắc lũ dâng lên đến thềm nhà, anh chị chỉ kịp nhờ hàng xóm chèo thuyền đưa chiếc xe máy đi gửi, rồi lội nước đến bụng cõng theo con nhỏ về nhà nội ở phường Hà Huy Tập tránh lũ.
“Chủ quan nghĩ lũ lên cao lắm cũng chỉ xấp xỉ năm 2010, nhà mẹ chồng sẽ an toàn. Không ngờ chiều 19/10 căn nhà cấp 4 của mẹ chồng cũng bị lũ nhấn chìm. Cả gia đình tôi lại lần nữa trắng đêm “chạy” lũ sang nhà cao tầng của hàng xóm”, chị Trang kinh hãi nói.
Hiện lũ tại Hà Tĩnh đang rút chậm. Ảnh: MH.
Chị Trang bảo, chưa bao giờ chứng kiến lũ lên nhanh như lần này. Đáng lẽ hồ Kẻ Gỗ xả lũ phải điều tiết tránh gây bị động cho người dân nhưng trong thời gian ngắn đổ hàng triệu m3 nước xuống hạ du khác gì đẩy dân vào chỗ chết.
Để chung tay giúp đỡ nhân dân vùng lũ Hà Tĩnh vượt qua cơn "đại hồng thủy", trong 2 ngày 19 – 20/10 các lực lượng Công an, Bộ đội, chính quyền địa phương và các nhóm thiện nguyện bất chấp hiểm nguy, dầm mình trong nước lũ hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn; tiếp tế lương thực, nước uống cho các hộ đang bị ngập sâu. |
Căn nhà cấp 4 của gia đình chị Trang hiện đang ngập sâu khoảng 1,5m.
Toàn bộ tài sản có giá trị gồm: 2 chiếc xe máy, 1 chiếc xe đạp điện, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, lúa gạo, gà vịt... đều đang chìm nghỉm dưới nước lũ.
Xót của bao nhiêu, chị Trang bức xúc về công tác vận hành xả lũ của Công ty TNH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh bấy nhiêu.
Anh Nguyễn Long, một người dân chứng kiến nhiều đợt lũ lớn trên địa bàn phân tích, bài học xả lũ hồ Kẻ Gỗ gây ngập lụt diện rộng cách đây một thập kỷ hãy còn đó.
Hà Tĩnh lại là vùng “rốn lũ”, năm nay lũ xuất hiện sau các tỉnh Bình - Trị - Thiên mà chính quyền địa phương không rút kinh nghệm, không có giải pháp chuẩn bị từ trước là một sự “thụ động và chậm trễ”.
Vùng đang ngập nặng nhất là huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Ngọc Hà.
Trước khi xả lũ đáng ra phải khoanh vùng, thông báo lệnh sơ tán để người dân đưa đồ đạc, phương tiện đi gửi. Đằng này trong thời gian chưa đến một ngày, liên tục tăng lưu lượng xả hồ Kẻ Gỗ từ 30 – 50m3/s lúc 13h ngày 18/10 lên 400m3/s (20h cùng ngày), đến 7h ngày 19/10, tăng lên 750 - 850 m3/s và lúc 9h ngày 19/10 lưu lượng xả lên đến 1.050m3/s, một mức xả khủng khiếp.
“Lũ bao vây rồi mới đưa thuyền đến nhà cứu hộ, phát lệnh di dời dân. Chính mệnh lệnh hành chính quá chậm này đã làm khổ dân, gây thiệt hại quá lớn”, anh Long nói.
Anh Long phân tích thêm, trong đối phó với thiên tai người ta đặt trọng nhiệm vụ phòng lên hàng đầu, chứ không thể đối đầu. Với cách xả lũ của hồ Kẻ Gỗ người dân chỉ có thể bỏ của chạy lấy người.
Không chủ quan trong vận hành hồ Kẻ Gỗ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Hà Tĩnh không chủ quan trong vận hành hồ Kẻ Gỗ. Ảnh: Gia Hưng.
Sau khi nắm được diễn biến phức tạp mưa lũ tại Hà Tĩnh, ngày 20/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp kiểm tra hiện trạng hồ Kẻ Gỗ, tình hình ngập lụt ở tỉnh này.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, hiện hồ Kẻ Gỗ vẫn an toàn. Mực nước hồ lúc 16h ngày 20/10 đạt cao trình 32,43m/32,5m. Lưu lượng xả qua tràn Dốc Miếu giảm dần xuống 500m3/s.
Lực lượng cứu hộ hoạt động hết công suất hai ngày nay. Ảnh: Minh Hậu.
Tại buổi làm việc nhanh với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ bảo đảm an toàn hồ Kẻ Gỗ là nhiệm vụ số 1.
Phó Thủ tướng đánh giá cao chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh; đồng thời yêu cầu, quá trình vận hành phải vừa giữ được nước ngọt vừa bảo đảm mức nước an toàn.
“Phải hết sức linh hoạt, không chủ quan trong vận hành hồ. Bộ NN-PTNT phối hợp với Hà Tĩnh và cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi để có phương án ứng phó; tập trung theo dõi toàn bộ các tuyến đập, chỗ nào có sự cố xử lý kịp thời”, Phó Thủ tướng nói.
Ăn vội mì tôm sống... Ảnh: Gia Hưng.
Trong ngày 20/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng kịp thời đến thị sát tình hình mưa lũ, thăm hỏi người dân và động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ phòng chống lụt bão, cứu trợ người dân ở huyện Cẩm Xuyên.
Do ảnh hưởng của mưa lớn cộng với hồ Kẻ Gỗ xả lũ, huyện Cẩm Xuyên được xác định là địa phương phải di dời dân khẩn cấp số lượng lớn nhất và cũng là huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Để kịp tiếp tế lương thực cho người dân vùng ngập sâu. Ảnh: M.Hậu.
Ghi nhận đến chiều cùng ngày, nước lũ bắt đầu rút nhưng khá chậm. Do nước đang chảy xiết nên nhiều khu vực ở xã Cẩm Quang, Cẩm Thành, Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên); Thạch Lâm, Thạch Đài (Thạch Hà); phường Đại Nài, Hà Huy Tập (TP Hà Tĩnh) lực lượng cứu hộ rất khó khăn khi tiếp tế lương thực, nước uống.
Theo Thanh Nga Nongnghiep.vn
Link gốc: https://nongnghiep.vn/lu-nhan-chim-ha-tinh-thu-pham-la-ho-ke-go-d275679.html