Hà Tĩnh: Làng nghề chuẩn bị loại nước thơm ngọt để đón Tết

Thứ năm - 09/01/2025 06:24
Với hơn 50 năm giữ gìn và phát triển nghề nấu mật mía, những ngày giáp Tết, người dân xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) lại tất bật với công việc. Hương vị ngọt ngào của mật mía không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.
Phấn khởi vào vụ Tết

Những ngày đầu tháng Chạp, về xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh), không khí nhộn nhịp bao trùm khắp làng quê. Dòng khói từ những lò nấu mật bay lên nghi ngút, hòa quyện với hương thơm ngọt ngào và sắc xuân báo hiệu một năm mới đầm ấm, vui tươi cận kề.

Theo người dân ở đây, nghề nấu mật mía có truyền thống hơn 50 năm. Ngày trước, địa phương này vốn là nơi trồng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Thấy đầu ra cây mía bấp bênh, người dân Thọ Điền quyết định ép mía, nấu mật để tăng thu nhập. Ban đầu chỉ một vài hộ làm, dần dần hình thành làng làm mật mía, trở thành nghề chủ lực trong phát triển kinh tế.
 
d2025010902 1
Cứ vào tháng 12 làng nghề mật mía ở Thọ Điền lại tất bật vào vụ

Với thâm niên hơn 30 năm làm nghề mật mía, ông Nguyễn Văn Hòa (thôn 1, xã Thọ Điền) chia sẻ, nấu mật mía yêu cầu quy trình công phu, từ việc chọn mía, ép nước đến nấu kỹ.

“Mía sau khi thu hoạch sẽ được cắt thành từng khúc dài 1–1,2m, sau đó tiến hành ép lấy nước, lọc bỏ tạp chất và bỏ vào chảo lớn nấu trong nhiều giờ. Muốn có chất lượng mật ngon, chúng tôi phải đứng canh đảo liên tục và đều tay. Khi mật sôi thì vớt váng, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy, có màu đen và không được thơm ngon. Sau khi nấu xong, phải lọc qua lớp vải màn để sạch cặn. Khi mật nguội, sẽ có lớp bọt đường nổi lên, lúc đó là hoàn thành,” ông Hòa cho hay.
 
d2025010902 2
Nước mía đun ở nhiệt độ cao sẽ sôi trào và sủi bọt, những cặn bẩn nổi lên phía trên sẽ đươc vớt ra

Năm nay, gia đình anh Bùi Đình Quyết (thôn 5, xã Thọ Điền) trồng khoảng 6 sào mía (500m2/sào). Theo tính toán, diện tích này cho sản lượng mật khoảng 2,8–3 tấn. Trừ chi phí, gia đình anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

“Từ đầu tháng 11 Âm lịch, gia đình tôi huy động nhân lực thu hoạch mía, nấu mật phục vụ nhu cầu khách hàng. Mật nấu được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu nên không lo đầu ra. So với trồng cây nông nghiệp khác, nghề nấu mật tuy vất vả nhưng lợi nhuận cao, lại thu hoạch cuối năm nên có tiền mua sắm Tết,” anh Quyết phấn khởi.

Là thương lái thường xuyên tiêu thụ mật mía ở xã Thọ Điền, chị Hồng Duyên (TP Hà Tĩnh) nhận xét, mật mía ở đây có vị ngọt thơm, độ sánh đặc trường, màu sắc đẹp, phù hợp làm gia vị cho nhiều món ăn.
 
d2025010902 3
Nước mía trong quá trình đun, cô đặc thành mật, tỏa ra mùi thơm nức mũi
 
“Mỗi năm, tôi mua khoảng 5 tấn mật từ Thọ Điền về bán lẻ cho khách hàng ở TP. Hà Tĩnh và các huyện lân cận. Nhiều người ở xa khi dùng thử đã đặt hàng từ sớm,” chị Hòa nói.

Đổi mới để phát triển bền vững

Dù nghề nấu mật mía mang lại thu nhập ổn định, nhưng nghề này đối mặt nhiều thử thách. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng mía. Hơn nữa, sự xuất hiện của các sản phẩm thay thế như mật đường hay mật ong công nghiệp tạo ra sự cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, các sản phẩm này không thể so sánh về chất lượng và hương vị tự nhiên của mật mía Thọ Điền.

Nhận thức được thực tế, người nấu mật mía đã thành lập Hợp tác xã (HTX) để sản xuất quy củ. Đến nay, mật mía Thọ Điền đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm.
 
d2025010902 4
Thành phẩm sẽ cho ra những can mật mía sánh đặc
 
Chị Đoàn Thị Nhàn – Giám đốc HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ – cho biết, việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, đảm bảo quy trình vệ sinh giúp sản phẩm mật mía được giá cao, khoảng 60–65 nghìn đồng/lít. Những chai mật đóng cẩn thận, có tem HTX, giúp người tiêu dùng tin tưởng.

 Ngoài ra, để mở rộng thị trường, người nấu mật mía không ngừng tìm hiểu, ứng dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại… nên ngày càng được nhiều người biết đến. “Năm 2020, sản phẩm mật mía của HTX được công nhận OCOP cấp tỉnh, đây là bước đệm để sản phẩm được khẳng định chất lượng và có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Nhờ vậy, những ngày cuối năm, chúng tôi phải làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy vất vả nhưng có thêm thu nhập và góp phần tiêu thụ mía cho bà con nên ai cũng phấn khởi” - chị Nhàn nói thêm. Để nghề ép mía nấu mật không bị mai một, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân xây dựng HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ và hiện đang tiếp tục vận động người dân tham gia vào HTX để mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân.

Diễm Phước
Theo KT&ĐU

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây