Sau 8 năm thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố tại Hà Tĩnh cho thấy những hiệu quả rõ rệt trong hoạt động, quản lý điều hành, hưởng ứng của người dân ở địa bàn cơ sở. Thực hiện sáp nhập đã phát huy nội lực cộng đồng dân cư trong xây dựng cơ sở hạ tầng; giảm số lượng cán bộ, chi phí ngân sách và là điều kiện để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở chất lượng.
Thống kê cho thấy, từ năm 2012 đến nay, Hà Tĩnh đã được giảm 776 đơn vị hành chính cấp thôn, tổ dân phố; giảm hơn 24.000 cán bộ thôn, tổ dân phố; giúp nhà nước tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng tiền lương, phụ cấp.
|
Trước khi thực hiện chủ trương sáp nhập, tỉnh Hà Tĩnh có 2.837 thôn, xóm, tổ dân phố. Sau 5 năm thực hiện, tỉnh Hà Tĩnh đã giảm được 776 thôn, xóm, tổ dân phố. Qua sáp nhập, Hà Tĩnh tạo được quy mô thôn, xóm, tổ dân phố lớn hơn, có đủ tổ chức đoàn thể, góp phần xóa chi bộ sinh hoạt “ghép”. Việc sáp nhập giúp Hà Tĩnh có điều kiện phát huy nội lực của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng; giảm được số lượng cán bộ, giảm chi phí ngân sách và là điều kiện để xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở chất lượng hơn.
Bà Trần Thị Oanh, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc nói: "Khi sáp nhập các thôn, cán bộ làm vất vả hơn. Trước đây 13 tổ dân cư này chỉ còn 6 tổ dân cư, giảm 07 cán bộ tổ trưởng và được tăng phụ cấp. Nhưng bù lại, công việc hiệu quả hơn".
Tại huyện Cẩm Xuyên, việc sáp nhập thôn cũng ghi nhận những tích cực trong quản lý, điều hành của cán bộ, sự hưởng ứng của người dân. Chỉ 1 năm sau khi được sáp nhập từ 3 thôn khó khăn, thôn Thiện Nộ, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên đã sôi nổi vào cuộc xây dựng thôn hướng tới đích khu dân cư kiểu mẫu. Sau khi sáp nhập 3 thôn (1, 2 và 4) vào giữa năm 2017, thôn Thiện Nộ có đến 423 hộ, trên 1.700 nhân khẩu, việc phấn đấu đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu là một thách thức không nhỏ. Song, lợi thế của Thiện Nộ là có một chi bộ Đảng mạnh. Tuy mới sáp nhập nhưng đoàn kết, đồng thuận, đặc biệt là người đứng đầu trách nhiệm, tận tụy.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Quá trình sáp nhập có nhiều thuận lợi, nhân dân đồng tình vì phù hợp phong tục tập quán. Tên gọi của làng xã đổi lại từ số thành tên. Sau sáp nhập tinh giản gọn được bộ máy, giảm kinh phí chế độ phụ cấp hàng tháng và làm lợi cho người dân. Có thể thấy, đến nay, việc sáp nhập dần ổn định, các thôn có hội quán- nhà văn hóa mới. Khi mà chi bộ đồng tình, cán bộ đồng tình, nhân dân đồng thuận thì mọi chủ trương đều thực hiện được. Điển hình như triển khai các phong trào, mặc dù số dân tăng, quy mô thôn tăng nhưng người dân ủng hộ thì các công việc đều thực hiện được".
Theo ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, việc sắp xếp lại giúp nâng cao hiệu quả nhiều mặt, tạo sự đồng thuận cao trong các hoạt động tự chủ, tự quản, nhất là khu vực nông thôn. Đồng thời, huy động được nguồn lực của người dân trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu. Hiện, Hà Tĩnh đang là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước về xây dựng nông thôn mới, với hơn 250 khu dân cư kiểu mẫu, 3000 vườn kiểu mẫu.
Ông Lê Đình Sơn cũng cho biết, thực hiện chủ trương Hội Nghị trung ương 6, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện việc sáp nhập thôn, bản và khoán kinh phí cấp hàng năm, trong đó đặc biệt là giảm cán bộ thôn. Hiện nay, ba chức danh theo quy định chỉ còn hai. Đây là động lực để tiếp tục thực hiện sáp nhập thôn và tiến tới sáp nhập các xã, phường.
Ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh: "Cộng đồng thôn có nhiều công việc, bởi các chủ trương chính sách đều thực hiện và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Đây đều là việc khó, có những công việc cụ thể thì cán bộ thôn phải đến gặp trực tiếp người dân. Nếu cán bộ thôn không xuống gặp dân thì không phải là cán bộ tốt gương mẫu và như vậy không gắn chặt được Đảng ở trong lòng dân. Trong sắp xếp không tính toán kỹ, sẽ xuất hiện tình trạng cán bộ thôn có quá nhiều công việc".
Hiệu quả trong việc sáp nhập, sắp xếp lại thôn, tổ dân phố sẽ là kinh nghiệm tốt cho Hà Tĩnh thực hiện việc sáp nhập xã. Bởi, Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nhiều xã phải thực hiện sáp nhập. Theo báo cáo phương án, tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp trong năm 2019 của Hà Tĩnh là 80 xã. Sau khi sắp xếp, Hà Tĩnh sẽ giảm 46 xã, hình thành 34 xã mới./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn